“Chật vật” với hàng tồn kho, doanh nghiệp thủy sản "chiến đấu" mỗi ngày để "sống còn"

21/04/2020 12:36
(Dân Việt) Với nhiều doanh nghiệp (DN) thủy sản, hàng tồn kho là mặt hàng có tính… "nhạy cảm" cao, bởi đây là sản phẩm nhanh xuống cấp nếu phải lưu kho lâu ngày. Chưa kể, chi phí lưu kho các loại mặt hàng này cũng cao do phải vận hành hệ thống kho lạnh để bảo quản…

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong quý 1, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, các đơn hàng của DN thủy sản bị hủy, trì trệ, bị trả về… là chuyện diễn ra thường xuyên. Vì vậy, chi phí lưu kho của các DN cũng tăng lên; chưa kể trong báo cáo tài chính, phần hàng tồn kho giảm giá trị phải trích lập dự phòng khiến vòng quay tài chính của các DN càng thêm khó khăn.

“chat vat” voi hang ton kho, doanh nghiep thuy san "chien dau" moi ngay de "song con" hinh anh 1

Chế biến thủy sản tại một DN trực thuộc tập đoàn PAN (Ảnh: IT)

Hàng tồn kho kéo “sụt” lợi nhuận

Công ty CP Camimex Group (HoSE: CMX) mới đây đã công bố BCTC kiểm toán năm 2019 với mức lãi ròng sụt giảm tới gần 63 tỷ đồng sau kiểm toán. Theo đó, kết thúc năm 2019 Camimex đạt 951 tỷ đồng doanh thu (DT) thuần giảm 10,4% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 77,7 tỷ đồng giảm gần 44% so với con số hơn 140 tỷ đồng được DN này công bố tại báo cáo tự lập. Điểm đáng chú ý với CMX trong BCTC là giá trị hàng tồn kho của DN tại thời điểm ngày 31/12/2019 có giá trị 581 tỷ đồng, tăng tới 38% so với đầu năm. Đây là con số đã trừ phần trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 30 tỷ đồng.

Càng đặc biệt hơn, giá trị hàng tồn kho phải trích lập dự phòng sau kiểm toán đã tăng thêm gần gấp đôi so với số liệu được ghi nhận tại báo cáo tài chính do DN tự lập trước đó (16,8 tỷ đồng).

Theo giải thích của DN, lợi nhuận sụt giảm sau kiểm toán là do kết quả hoạt động tài chính giảm gần 47 tỷ đồng do điều chỉnh thay đổi tài sản góp vốn vào công ty con năm 2013; giảm thêm 13,7 tỷ đồng do kiểm toán trích dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Ngoài ra chi phí quản lý và chi phí bán hàng cũng được điều chỉnh tăng làm lợi nhuận giảm hơn gần 2,6 tỷ đồng nữa.

Có thể thấy, với tổng giá vốn hàng bán năm 2019 đạt 750,5 tỷ đồng, thì với tổng hàng tồn kho hiện tại (581 tỷ đồng), nếu duy trì tốc độ bán hàng như năm 2019, DN sẽ mất ít nhất 3 quý để “xả” hết hàng. Đồng nghĩa với việc chi phí lưu kho, giảm giá trị… có thể sẽ tăng mạnh gây nên áp lực tài chính cho DN trong năm 2020.

Không chỉ có Camimex, nhiều DN thủy sản khác cũng có giá trị hàng tồn kho tăng mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

“chat vat” voi hang ton kho, doanh nghiep thuy san "chien dau" moi ngay de "song con" hinh anh 2

Hàng tồn kho của các DN thủy sản đang tăng mạnh do ảnh hưởng dịch Covid-19 (Ảnh: IT)

Tại Công ty CP Thủy sản Mekong (HoSE: AAM), theo BCTC quý I vừa được DN này công bố, tổng tài sản cuối quý I của DN đạt gần 220 tỷ đồng, nhưng phần lớn nằm ở hàng tồn kho với giá trị 112 tỷ đồng. Về kết quả kinh doanh, doanh thu trong quý của DN giảm 8% xuống 41 tỷ đồng, giá vốn ở mức cao khiến lợi nhuận gộp giảm 44% còn hơn 5 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu về 666 triệu đồng, giảm 79% so với cùng kỳ.

Tương tự, với Công ty CP Nam Việt (HoSe: ANV; Navico), tính đến hết ngày 31/12/2019, tổng tài sản của ANV ở mức 4.134 tỷ đồng, tăng 21% so với hồi đầu năm, song phần lớn tài sản là hàng tồn kho với 1.583 tỷ đồng. Theo DN này, tình hình khó khăn chung do dịch Covid-19 nên năm 2020 dự tính doanh thu của đơn vị giảm 33%, lãi giảm 71,5%, lần lượt với giá trị 3.000 tỷ đồng và 200 tỷ đồng.

Với “ông lớn” Vĩnh Hoàn, kết thúc quý 1/2020, giá trị tổng tài sản của Vĩnh Hoàn đạt 6.440 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với thời điểm đầu kì, trong đó chỉ tiêu hàng tồn kho cũng đang ở mức khá cao với giá trị 1.340 tỷ đồng…

Ngành thủy sản phải “chiến đấu” mỗi ngày để sống còn

Tính đến giữa tháng 4, ngành thủy sản Việt Nam mới nhận được một số tín hiệu tốt từ thị trường Trung Quốc, trong khi đó, các thị trường lớn khác như châu Âu, châu Á, Nam Mỹ… lại đang cắt giảm sản lượng vô thời hạn do dịch Covid-19. Do vậy, trong vài tháng tới đây tình hình xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự đoán sẽ còn tiếp tục giảm. "Nhìn chung, việc Trung Quốc hồi phục và mở cửa trở lại là tín hiệu đáng mừng trong cơn bĩ cực hiện nay của ngành thủy sản Việt. Song, khó khăn vẫn sẽ tiếp diễn khi dịch bệnh còn tiếp tục phức tạp trên thế giới và DN vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng xuất khẩu sụt giảm, bị hoãn hoặc hủy các đơn hàng, vận tải hàng hóa khó khăn, thanh toán không thuận lợi,… Vì thế, khả năng sẽ có nhiều DN, nhất là các DN nhỏ sẽ không thể trụ nổi…", đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo.

Vì vậy, đối với các DN thủy sản, việc duy trì dòng tiền trở thành bài toán sống còn khi nguồn thu bị cắt giảm mạnh và dịch Covid-19 còn kéo dài.

Tại Công ty thủy sản Nam Việt (Navico, ANV), đại diện DN này cho biết: "Trung Quốc có mở cửa trở lại nhưng tồn kho vẫn còn nhiều, do đó chưa thể nói ngay lập tức xuất khẩu có thể đạt được mức tăng trưởng như trước đây. Khi khách hàng châu Âu, Mỹ… tiếp tục đóng cửa vì dịch, do đó, ANV vẫn đang chiến đấu từng ngày trong việc tăng thu, bán hàng, đặc biệt là duy trì dòng tiền thật tốt (giữ dòng tiền vay thấp, cắt giảm các chi phí…) trong thời gian này. Đồng thời, ANV cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc phục hồi mạnh khi dịch qua đi".

Tương tự, với kết quả lợi nhuận sau thuế trong quý 1 quí I giảm 51%, còn 152 tỷ đồng, “ông lớn” Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC), mới đây đã xây dựng hai kịch bản đối với các chỉ tiêu kinh doanh năm 2020. Theo đó, kịch bản thứ nhất, công ty đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 8.600 tỷ đồng, tăng 9% so với thực hiện năm 2019, lợi nhuận sau thuế hợp nhất tương ứng giảm 10%, còn 1.063 tỷ đồng. Ở kịch bản thứ hai, VHC đặt doanh thu và lãi sau thuế đạt 6.450 tỷ đồng và 800 tỷ đồng...

Trước đó, VASEP đã gửi công văn số 35/2020 đến Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường về việc đề xuất miễn giảm thuế thu nhập DN và hỗ trợ lãi suất cho DN đầu tư kho lạnh trữ hàng. Theo VASEP, hiện nay việc thiếu kho lạnh trầm trọng khiến các DN trong ngành không thể thu mua được hơn nguồn nguyên liệu tôm cá mà bà con nông - ngư dân sản xuất ra, cũng như khó có thể tạo ra được nguồn hàng lớn chủ động khi thế giới có nhu cầu lớn trở lại. Bên cạnh đó, một hạn chế cho việc phát triển các kho lạnh trữ thủy sản là chi phí đầu tư khá lớn nên công suất kho lạnh tại Việt Nam đến nay vẫn còn chưa theo kịp được nhu cầu của ngành.

Do đó, VASEP đã đề xuất Bộ trưởng Bộ NN&PTNT kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ lãi suất 0% trong 2 năm đầu và giảm lãi suất 50% trong 4 năm tiếp theo đối với các khoản cho vay dài hạn để đầu tư xây dựng kho lạnh tồn trữ với các kho lạnh có công suất tối thiểu là 5.000 pallet trở lên.

Tin mới

Cho một bát nước vào tủ lạnh và để qua đêm: Hành động nhỏ nhưng cực hữu ích, EVN cũng khuyên thực hiện
55 phút trước
Hành động tưởng như vô nghĩa song thực tế lại có công dụng trong việc tiết kiệm ví tiền cho chính người dùng, đặc biệt vào mùa hè.
Không trụ nổi ở quê nhà, một hãng xe Trung Quốc chọn châu Âu để làm lại từ đầu
25 phút trước
Câu chuyện kỳ lạ có một không hai xoay quanh Aiways có lẽ là lần đầu tiên một hãng xe không thể tìm được chỗ đứng và buộc phải tháo chạy khỏi chính sân nhà của mình.
Hải quan Việt Nam - Mỹ ký Hiệp định về chống gian lận xuất xứ, kết nối cảng biển với nhau
2 giờ trước
Tổng cục Hải quan (Việt Nam) và Hải quan Hoa Kỳ vừa ký hiệp định hợp tác tương trợ trong lĩnh vực hải quan, trong đó có biện pháp hỗ trợ trong lĩnh vực hải quan, chống gian lận xuất xứ và thí điểm kết nối cảng biển hai nước.
Giá vàng hôm nay 18/5: Vàng thế giới lại lập đỉnh lịch sử
2 giờ trước
Giá vàng hôm nay trên thế giới tiếp tục tăng mạnh. Kết tuần, giá vàng tăng lên 2.414 USD/ounce, phá đỉnh 2.400 USD/ounce đã thiết lập 1 tháng trước.
Giá rau củ, thực phẩm ở Hà Nội rục rịch tăng
2 giờ trước
Nhiều loại thực phẩm, rau xanh ở Hà Nội đắt hơn trước khiến bà nội trợ lo ngại một "làn sóng" tăng giá mới có thể xảy ra.

Tin cùng chuyên mục

Giá USD hôm nay 18/5: Tỷ giá tại Ngân hàng bất ngờ tăng vọt, thị trường tự do đứng chững
2 giờ trước
Giá USD hôm nay 18/5: Giá USD niêm yết tại các ngân hàng đang bất ngờ tăng cao ở phiên cuối tuần. Thị trường tự do giữ nguyên mức niêm yết xuyên suốt 3 ngày.
Thông tin giá vé máy bay 'cõng' 20 loại thuế và phí, Cục Hàng không nói gì?
8 giờ trước
Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, trên mỗi vé máy bay nội địa, hành khách phải trả các khoản giá dịch vụ vận chuyển khách hạng phổ thông cơ bản theo quy định. Cùng đó, hành khách phải trả các khoản thu hộ như bảo đảm an ninh hành khách, hành lý và giá dịch vụ tăng thêm như chỗ ngồi, mua thêm hành lý ký gửi...
Vietcombank cảnh báo giả mạo
19 giờ trước
Thời gian gần đây, Vietcombank nhận được những thông tin phản ánh về việc một số đối tượng mạo danh Vietcombank thực hiện các hành vi có dấu hiệu lừa đào, chiếm đoạt tài sản, thông tin cụ thể như sau:
Tài chính vi mô cho thúc đẩy tài chính toàn diện: 4 kiến nghị và giải pháp
20 giờ trước
Ngày 17/5/2024, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Tọa đàm với chủ đề: "Tài chính vi mô cho thúc đẩy tài chính toàn diện – thực trạng và giải pháp".