Chuyên gia nêu 3 kịch bản tăng trưởng GDP, cao nhất lên tới 7% năm 2024

11/01/2024 11:14
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đưa ra 3 kịch bản dự báo tăng trưởng GDP năm 2024. Đáng chú ý, ngay trong kịch bản tiêu cực, tăng trưởng GDP vẫn được dự báo cao hơn so với kết quả đạt được của năm 2023.

Kinh tế thế giới được dự báo sẽ ít cải thiện (đi ngang hoặc giảm nhẹ) so với năm 2023 khi còn nhiều khó khăn, thách thức vẫn hiện hữu; đặc biệt là lạm phát và lãi suất còn cao, độ ngấm của tác động chính sách tiền tệ thắt chặt vừa qua, khiến rủi ro tài chính – tiền tệ còn ở mức cao, đầu tư, tiêu dùng phục hồi chậm.

Thương mại toàn cầu năm 2024 dự báo vẫn tiếp tục bất định và có thể chỉ tăng 3,3-3,6% sau khi tăng nhẹ 0,8% năm 2023 (theo WTO). Đà phục hồi của hoạt động đầu tư FDI còn chậm (nhất là trong bối cảnh đa số các nước áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15%) và cầu tiêu dùng còn yếu (nhất là ở thị trường EU, Nhật Bản và Trung Quốc).

Theo đó, các tổ chức quốc tế như IMF, WB, OECD... đều hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 xuống thấp hơn so với năm 2023, tăng khoảng 2,4-2,9%, thấp hơn 0,1-0,6 điểm % so với tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 (3%).

Điểm tích cực là lãi suất sẽ giảm khi lạm phát toàn cầu tiếp tục giảm (xuống mức khoảng 3,5% từ mức 5,5% năm 2023), qua đó sẽ kích thích đầu tư và tiêu dùng tăng dần trở lại.

Dự báo 3 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2024, tăng trưởng cao hơn năm 2023

Đối với Việt Nam năm 2024, theo TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, kinh tế vĩ mô trong nước dự báo sẽ đan xen cả thuận lợi và khó khăn, thách thức. Trong đó, 2 thách thức, rào cản lớn nhất là tác động tiêu cực từ bên ngoài (nhất là đà tăng trưởng chậm lại của Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc) và tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, chậm thực thi công vụ có thể vẫn diễn ra nếu những cơ chế, chính sách bảo vệ cán bộ, không hình sự hóa quan hệ kinh tế chưa được luật hóa, cụ thể hóa.

Trong bối cảnh đó, cùng với đà phục hồi và nỗ lực, quyết liệt hơn nữa của chính quyền, người dân và doanh nghiệp, nhóm tác giả đưa ra 3 kịch bản dự báo kinh tế Việt Nam 2024.

Với kịch bản cơ sở, tiếp nối đà phục hồi nửa cuối năm 2023, sự gia tăng hiệu quả của các động lực tăng trưởng truyền thống (như xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng) kết hợp với khả năng phát huy các động lực tăng trưởng mới (khoa học công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tư nhân, tăng năng suất, đóng góp của TFP và liên kết vùng), dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 có thể đạt 6-6,5%.

Theo hướng cầu, tăng trưởng của các động lực tăng trưởng chính khoảng 5-10%, trong đó xuất khẩu tăng 5-7%, giải ngân FDI tăng 8-10%; doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 7,5-8%. Theo hướng cung, tăng trưởng của các lĩnh vực kinh tế duy trì ít nhất tương đương hoặc cao hơn năm 2023, trong đó nông-lâm-thủy sản tăng 3,2-3,5%, công nghiệp - xây dựng tăng 5,2-5,5% và khu vực dịch vụ tăng 7-7,2%.

Với kịch bản tích cực, trong điều kiện môi trường quốc tế và trong nước thuận lợi hơn, các yếu tố rủi ro bên ngoài được dự báo và kiểm soát tốt; các động lực tăng trưởng (cả truyền thống và mới) được khai thác, phát huy tốt hơn; kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, niềm tin của doanh nghiệp và người dân được củng cố...; tăng trưởng GDP có thể cao hơn 0,5-1 điểm % so với kịch bản cơ sở (đạt 6,5-7%).

Với kịch bản tiêu cực, nếu các rủi ro bên ngoài gia tăng và tác động tiêu cực hơn, các nền kinh tế lớn phục hồi chậm , xung đột địa chính trị leo thang, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và du lịch quốc tế của Việt Nam, trong khi các động lực tăng trưởng chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 chỉ đạt khoảng 5-5,5%.

Về lạm phát , dự báo CPI bình quân năm 2024 sẽ ở mức 3,5-4%, cao hơn năm 2023 do đà giảm giá hàng hóa thế giới chững lại hoặc thậm chí tăng trở lại so với năm 2023 (nhất là giá năng lượng, lương thực - thực phẩm và nguyên vật liệu cơ bản do dịch bệnh, thiên tai, căng thẳng địa chính trị còn phức tạp, khó lường); việc tiếp tục điều chỉnh các mặt hàng do Nhà nước quản lý (như tăng lương tối thiểu vùng, tăng giá điện, học phí, viện phí…); cung tiền và vòng quay tiền tăng cao hơn năm 2023 (một phần là do đà phục hồi kinh tế và tín dụng dự báo tăng cao hơn),…

5 kiến nghị cho kinh tế 2024

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, năm 2024 sẽ là năm bản lề quan trọng đối với kinh tế Việt Nam, tạo điều kiện hoàn thành các mục tiêu cho giai đoạn 2021-2025. Để đạt được các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã được Quốc hội giao, ông Lực và nhóm tác giả đưa ra 5 kiến nghị.

Một là, tiếp tục bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế; chủ động phân tích, dự báo diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế để có kịch bản chủ động ứng phó phù hợp (kể cả kịch bản tiêu cực, diễn biến xấu). Nhất quán thực hiện tốt Nghị quyết 01 và 02/2024 mà Chính phủ vừa ban hành.

Hai là, chú trọng các động lực tăng trưởng truyền thống và phát huy, khai thác các động lực tăng trưởng mới. Theo đó, cần chú trọng các động lực tăng trưởng hiện hữu theo hướng: Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng tốt hơn các FTA đã ký kết và các quan hệ đối tác chiến lược được nâng cấp gần đây; Thúc đẩy giải ngân đầu tư công hiệu quả, đúng kế hoạch, trở thành vốn mồi cho các nguồn vốn khác; Kích cầu đầu tư tư nhân và tiêu dùng nội địa.

Cùng với đó, khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới như: Phát triển kinh tế số, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng; Tăng năng suất lao động, đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và cần kích thích kinh tế tư nhân; Quan tâm thúc đẩy tăng trưởng của các đầu tàu kinh tế (nhất là Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng – chiếm 32% GDP cả nước năm 2023) qua đó thúc đẩy liên kết vùng,...

Ba là, nâng cao hơn nữa hiệu quả trong điều hành, phối hợp chính sách kinh tế (đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách giá cả và các chính sách vĩ mô khác) nhằm bình ổn tỷ giá, lãi suất và thị trường tài chính - tiền tệ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo đó, tiếp tục phương châm chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; chính sách tiền tệ chủ động, nới lỏng thận trọng, linh hoạt; quan tâm hơn đến rủi ro hệ thống tài chính và liên thông thị trường tài chính – bất động sản.

Bốn là, quyết liệt đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là các doanh nghiệp, dự án yếu kém, tổ chức tín dụng yếu kém nhằm góp phần huy động và phân bổ nguồn lực hiệu lực hơn, giảm mạnh chi phí vận hành, duy trì tốn kém. Cùng với đó, chất lượng và hiệu quả đầu tư công cần được chú trọng.

Cuối cùng, chú trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng, trong đó tập trung nâng cao năng suất lao động (xem xét thành lập Ủy ban năng suất quốc gia), tăng khả năng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng chung; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế nhằm phân bổ, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn như nêu trên; xây dựng chiến lược và giải pháp tăng tính độc lập, tự chủ, tự cường và nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế.

Tin mới

'Cuộc chiến sinh tồn' trên thị trường xe điện Trung Quốc
2 giờ trước
Một “cuộc đua sinh tử” đã bắt đầu diễn ra trên thị trường xe điện (EV) lớn nhất thế giới.
Tốc độ phủ sóng xe điện chậm lại, thị trường 'sát vách' Mỹ gặp khó
2 giờ trước
Mục tiêu xe điện của Canada khó có thể hoàn thành đúng như dự đoán.
BCI Asia: Central -"Top 10 nhà thầu xây dựng hàng đầu Việt Nam năm 2024"
2 giờ trước
Nhà thầu xây dựng Central được Tổ chức Quốc tế BCI Asia Award 2024 vinh danh "Top 10 Nhà thầu Xây dựng Hàng đầu năm 2024" tại thị trường Việt Nam.
Apple suýt mất top 5 thị phần, các hãng điện thoại Trung Quốc đừng vội mừng
3 giờ trước
Apple đã tụt xuống vị trí thứ 5 về thị phần smartphone ở đất nước tỷ dân, đây chưa phải là "dấu chấm hết" cho Nhà Táo, nhưng CEO Tim Cook và cộng sự nên cẩn trọng.
Lý do người Việt 'chê' du lịch nội địa, đổ xô đi nước ngoài
3 giờ trước
Lượng khách đặt tour du lịch nước ngoài tăng mạnh, dẫn tới tình trạng "cháy vé" ở một số điểm đến cần xin visa như Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong khi đó, du khách trong nước có xu hướng di chuyển bằng đường bộ như tàu hoả, ô tô cá nhân.

Tin cùng chuyên mục

Giá USD hôm nay 28/4: Diễn biến trái chiều, trong nước có tuần “hạ nhiệt”
3 giờ trước
Giá USD hôm nay 28/4: Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết từ ngày 22/4 đến ngày 26/4 giảm từ 24.272 xuống mức 24.246 VND/USD, giảm 26 đồng so với đầu tuần.
Chuyên gia nhận định nước ion kiềm tươi chính là chiến lược "đại dương xanh"
4 giờ trước
Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ - Trưởng khoa Tài Chính, Trường ĐH Ngân Hàng TP. Hồ Chí Minh, giữa thời buổi kinh tế khó khăn, dự đoán sản phẩm chăm sóc sức khỏe tiếp tục lên ngôi, trong đó máy lọc nước ion kiềm tươi sẽ sớm thay thế máy lọc nước RO vì nó giải quyết được nhu cầu của xã hội.
Thị trường ế, riêng Honda vẫn bán chênh chục triệu: Vì sao?
4 giờ trước
Dù tại các cửa hàng, đại lý khá ế ẩm, vắng khách mua nhưng một số mẫu xe "hot" như Honda Vision hay Honda SH vẫn bị đẩy giá chênh tới hơn 10 triệu đồng.
Đã có ngân hàng Mỹ đầu tiên phá sản trong năm 2024
5 giờ trước
Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang FDIC hôm 26/4 cho biết, Ngân hàng Republic First Bank đã bị các cơ quan quản lý của bang Pennsylvania đóng cửa, đây là vụ phá sản ngân hàng đầu tiên của Mỹ trong năm nay.