Giải pháp nào cho tình trạng luật "lỗi nhịp" với cuộc sống?

24/08/2019 07:20
Những quy định bất cập, không phù hợp với thực tiễn cuộc sống trở thành những vết đen trong nỗ lực hoàn thiện bộ khung pháp luật của ngành tư pháp Việt Nam.
Giải pháp nào cho tình trạng luật lỗi nhịp với cuộc sống? - Ảnh 1.

Trong thực tế, có không ít trường hợp quy định pháp luật bất cập, thiếu tính thực tiễn, vừa ban hành đã phải thu hồi ngay lập tức vì bị người dân phản đối, hoặc lặng lẽ ‘bỏ xó’ như chưa bao giờ ra đời. Danh sách dài quy định bất hợp lý này "bao phủ" ở hầu hết các khu vực, ngành nghề. Có những quy định thậm chí gây hoang mang, bất bình đối với người dân và các đối tượng chịu sự điều chỉnh của quy định pháp luật đó.

Trong số đó có thể kể tới quy định buộc thành viên gia đình đóng góp tài chính vượt quá khả năng của họ có thể bị phạt đến 1 triệu đồng, quy định không được đặt tên doanh nghiệp trùng tên doanh nhân, quy định đóng tài chính cho công đoàn bằng 2% quỹ lương, quy định về bình chữa cháy trên ôtô, quy định ưu tiên tuyển sinh với bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng trước năm 1945….

Giải pháp nào cho tình trạng luật lỗi nhịp với cuộc sống? - Ảnh 2.

Và đặc biệt có nhiều trường hợp các quy định pháp lý được đánh giá là cần thiết, hợp lý, được người dân ủng hộ, nhưng thực thi thiếu hiệu quả, hoặc bất khả thi trên thực tế, cũng làm trầm trọng hơn tình trạng luật pháp không phù hợp với thực tiễn.

Điển hình như quy định về xử phạt lên tới 7 triệu đồng đối với hành vi xả rác, tiểu bậy, vứt bỏ tàn thuốc lá… không đúng nơi quy định theo Nghị định 155/2016, ban hành ra và chỉ để đó bởi không thực thi được. Quy định phạt tiền chủ nuôi từ 600.000 đến 800.000 đồng theo Nghị định 90/2017 đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó, không có xích giữ chó hoặc không có người dắt khi đưa chó đến nơi công cộng… cũng trong tình trạng tương tự.

Một ví dụ khác là quy định về xử phạt người đi xe máy đội mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng được đưa ra khi mũ bảo hiểm giả bày bán tràn lan trên thị trường. Quy định này bất khả thi bởi ngay cả lực lượng chức năng cũng không thể xác định tem nhãn mác giả hay thật bằng mắt thường….

Giải pháp nào cho tình trạng luật lỗi nhịp với cuộc sống? - Ảnh 3.

Hậu quả của các quy định pháp lý bất cập có lẽ không còn cần phải bàn cãi. Không chỉ gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhiều luật lệ "trời ơi" đã làm giảm niềm tin của người dân vào năng lực của chính quyền và hệ thống pháp luật quốc gia. Luật ban hành không hợp lý, không khả thi khiến tình trạng nhờn luật, coi luật có như không trở nên phổ biến và tất nhiên.

Vậy mà tình trạng này lặp lại khá nhiều ở Việt Nam trong thời gian qua. Nguyên nhân là vì đâu?

Khách quan mà nói, tình trạng không tuân thủ pháp luật là lỗi của cả hai phía: đối tượng chịu tác động (người dân, doanh nghiệp…) và cơ quan xây dựng chính sách (chính quyền). Luật thiếu thực tiễn, bất hợp lý, nguyên nhân đầu tiên là do năng lực của người làm luật. Yếu tố phù hợp với thực tế cuộc sống phải là yếu tố đầu tiên cần xem xét khi xây dựng luật. Không đảm bảo được điều này, các nhà làm luật không thể bao biện về vấn đề năng lực.

Điều đó xảy ra có thể do họ không thực hiện đúng quy trình xây dựng luật theo 7 bước theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Có nhiều trường hợp, các nhà xây dựng dự thảo luật "nhảy cóc" không tuân thủ theo thời gian quy định khi soạn thảo dự thảo và ban hành văn bản luật do các cơ quan nhà nước đã xây dựng.

Giải pháp nào cho tình trạng luật lỗi nhịp với cuộc sống? - Ảnh 4.

Ngoài ra, một trong số nguyên nhân có thể đến từ việc không khảo sát lấy ý kiến của nhân dân hay của các đối tượng áp dụng, chỉ xem xét trên góc nhìn của cá nhân hay đơn vị mình mà không tham khảo các cơ quan liên quan, thậm chí có thể ban hành luật vì lợi ích nhóm, không thẩm định đầy đủ trước khi ban hành….

Thế nhưng, hầu như không ai bị xử lý vì ban hành văn bản pháp luật bất cập, nên tình trạng này vẫn … đều đều diễn ra.

Nguyên nhân thứ hai là về phía các cơ quan thực thi luật pháp. Nhiều trường hợp đánh trống bỏ dùi, làm cho có, thực thi không nghiêm minh, thiếu công bằng, đã dẫn đến tình trạng "nhờn" luật.

Trên thực tế, nhiều trường hợp luật nói một đằng, các cơ quan thực thi lại hướng dẫn một kiểu dẫn đến việc người dân hay doanh nghiệp hoang mang không biết phải tuân thủ theo luật hay theo các cơ quan thực thi. Chính điều này đã dẫn đến việc vi phạm pháp luật mà bản thân người dân, doanh nghiệp cũng không mong muốn.

Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân như luật không được phổ cập, tuyên truyền rộng rãi đến người dân, không được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để người dân nắm được luật. Bên cạnh đó, luật chồng chéo hay mỗi nơi mỗi khác dẫn đến không biết áp dụng thế nào, luật dù quá nhiều quá dày nhưng cũng không bao trùm hết được thực tế, người dân còn thiếu ý thức tôn trọng và tuân thủ pháp luật … cũng dẫn đến tình trạng luật pháp xa rời cuộc sống.

Giải pháp nào cho tình trạng luật lỗi nhịp với cuộc sống? - Ảnh 5.

Bên cạnh đó, ý thức tuân thủ luật pháp người dân hay các doanh nghiêp hiện vẫn đang còn yếu dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đơn cử như hiện nay, một số người dân vẫn thường đi bộ trên đường cao tốc, hay đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông dẫn đến hậu quả là nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đáng tiếc xảy ra.

Không thể không kể đến trong thời gian gần đây, nhiều người dân, doanh nghiệp thường xuyên xả rác thải bừa bãi, vi phạm luật pháp bảo vệ mội trường dẫn đến môi trường sống càng ngày càng bị ảnh hưởng…. Do đó, dù luật pháp có được xây dựng một cách hoàn thiện mà người dân hay doanh nghiệp không tuân thủ thì luật pháp cũng không thể đi vào thực tiễn và hạn chế sự phát triển của nền kinh tế, xã hội.

Giải pháp nào cho tình trạng luật lỗi nhịp với cuộc sống? - Ảnh 6.

Nếu nghiêm túc nhìn nhận các nguyên nhân gây ra thực trạng quy định luật pháp bất cập, hẳn chúng ta sẽ thấy cần thực hiện các giải pháp gì.

Với người làm luật, quan trọng nhất là quy trách nhiệm. Cá nhân những người xây dựng, soạn thảo, ban hành luật phải chịu trách nhiệm và bị xử lý khi làm sai, thì mới hết tình trạng người năng lực yếu cứ làm bừa, cắt bớt qui trình, các bước xây dựng luật, xén khâu thẩm định, bỏ quên thực tế.

Với người thực thi pháp luật cũng vậy, cần quy trách nhiệm khi không hoàn thành nhiệm vụ. Thực thi không đúng, không nghiêm sẽ bị xử lý nghiêm khắc không bao che. Chỉ cần cán bộ thực thi pháp luật "biết sợ", làm việc nghiêm túc, tử tế, công tâm, người dân sẽ chịu ảnh hưởng dây chuyền. Sâu hơn nữa là những vấn đề như cơ chế, giám sát, công cụ, công nghệ… hỗ trợ để người thực thi pháp luật có thể thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả nhất.

Giải pháp nào cho tình trạng luật lỗi nhịp với cuộc sống? - Ảnh 7.

Và để luật không xa rời cuộc sống, thúc đầy nền kinh tế xã hội phát triển thì nhất thiết phải "lồng" luật trong cuộc sống thường nhật của người dân. Cần nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến luật, đưa giáo dục luật pháp vào trường học. Đẩy mạnh các công cụ để người dân, các đối tượng áp dụng dễ dàng góp ý xây dựng điều chỉnh luật hoặc góp ý, phản ánh các bất cập, các trường hợp vi phạm.

Và nếu để người dân được tham gia sâu rộng trong toàn bộ quá trình xây dựng và thực thi pháp luật, pháp luật sẽ thực sự là "vũ khí" hiệu quả không chỉ của chính quyền, mà còn của toàn bộ người dân đất nước.

Nguyễn Hà
7PM
Theo Trí Thức Trẻ24/8/2019

Tin mới

CEO Nvidia Jensen Huang lần đầu được tăng lương sau 10 năm
7 giờ trước
Tất nhiên, mức tăng lương kể trên chẳng thấm vào đâu so với lượng cổ phiếu Nvidia mà ông sở hữu.
Anh thợ sửa ống nước phát hiện kho báu chứa 30 kg tiền vàng
7 giờ trước
Kho báu tiền vàng được phát hiện có giá trị lên tới gần 63 tỷ đồng.
Xe máy điện lắp ráp ở Sóc Sơn, xuất đi châu Âu nhận ưu đãi khủng: Tặng tiền mặt bằng 30% giá xe hoặc pin
7 giờ trước
Khách mua xe máy điện của hãng sẽ được tặng 1 pack pin hoặc tiền mặt.
Giá Honda SH thấp hiếm có, một phiên bản giảm đậm gần 25 triệu đồng
6 giờ trước
Một số phiên bản của Honda SH ghi nhận mức giảm sâu tại đại lý, thậm chí có mẫu còn thấp hơn giá đề xuất hàng chục triệu đồng.
Tim Cook cảnh báo Apple sẽ thiệt hại 900 triệu USD vì thuế quan trong quý này
6 giờ trước
Đây là lần đầu tiên Tim Cook nói về tác động của thuế quan đến hoạt động của Apple.

Tin cùng chuyên mục

Elon Musk cần một 'Tim Cook' cho Tesla
16 giờ trước
Nhiều người tin rằng Tesla đang bước vào giai đoạn cần ổn định, tinh chỉnh để tối ưu hiệu quả vận hành và cần một vị CEO theo kiểu Tim Cook.
Xem trước Hyundai Tucson 2026: Có điểm như Santa Fe, bỏ máy dầu, có bản PHEV chạy 100km không cần xăng
19 giờ trước
Thế hệ kế tiếp của Hyundai Tucson dự kiến sẽ là mẫu xe quan trọng nhất ra mắt trong năm sau của hãng.
Honda CR-V 2025 ra mắt: Thêm bản offroad 204hp, ngay từ bản base đã có màn 9inch và 1 option rất quen thuộc
1 ngày trước
Honda CR-V 2025 bổ sung một số trang bị cho bản tiêu chuẩn đồng thời mang tới cho người dùng cấu hình off-road TrailSport.
Trung Quốc lại lập kỳ tích: Cỗ máy "hóa thành con người", làm được điều không tưởng nhờ bảo bối DeepSeek
1 ngày trước
Không còn là thử nghiệm, những sản phẩm này đã làm được việc thay thế con người, dù rất phức tạp.