Kinh tế Việt Nam nửa đầu 2019 với những dấu hiệu chậm lại

06/07/2019 15:05
Bức tranh kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2019 đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới yếu đi, phải gia tăng chống đỡ với những bất lợi bên ngoài. Chia sẻ Tweet

6 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng GDP của Việt Nam có dấu hiệu chậm lại; kim ngạch xuất khẩu đã giảm riêng trong tháng 6; tiến độ giải ngân đầu tư công vẫn rất chậm; thị trường chứng khoán tích lũy kéo dài…

Những dấu hiệu đó đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới yếu đi, Việt Nam phải gia tăng chống đỡ với những tác động bất lợi từ bên ngoài.

Tại phiên họp ngày 4/7 vừa qua, các thành viên của Chính phủ cũng đã tập trung thảo luận về những dấu hiệu này. Và quan điểm chung được Thủ tướng nhấn mạnh: “Dứt khoát không có chuyện điều chỉnh bất cứ một chỉ tiêu nào trong 6 tháng cuối năm 2019”.

BizLIVE dẫn lại ý kiến và ghi nhận đánh giá cơ bản từ đại diện bộ ngành, chuyên gia về bức tranh kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2019 với những dấu hiệu đó.

Kinh tế Việt Nam nửa đầu 2019 với những dấu hiệu chậm lại - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

NẾU KHÔNG CÓ YẾU TỐ BẤT THƯỜNG TÁC ĐỘNG, GDP CẢ NĂM CÓ THỂ ĐẠT MỤC TIÊU ĐỀ RA

Nhìn chung, kết quả đạt được 6 tháng đầu năm 2019 của nền kinh tế cơ bản là tích cực so với khu vực và thế giới, duy trì được đà tăng trưởng khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát...

Động lực hỗ trợ tăng trưởng cả phía cung và phía cầu; trong đó, tiêu dùng cá nhân tăng mạnh, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ tiếp tục phát triển, nông nghiệp dần phục hồi.

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế đạt khá, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 6,76%; trong đó, quý I tăng 6,82%, quý II ước tăng 6,71%, tuy thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2018 nhưng là mức tăng tích cực so với đầu nhiệm kỳ Chính phủ, cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm 2011-2017.

Tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,76% là rất tích cực so với tăng trưởng chung của thế giới và khu vực, tuy nhiên, chưa đạt mục tiêu kịch bản cao đã đề ra, chưa thể hiện sự bứt phá trong tăng trưởng chung cũng như trong từng ngành, lĩnh vực, các động lực hỗ trợ tăng trưởng chưa thực sự rõ nét, nền kinh tế còn gặp khó khăn.

Trong 6 tháng cuối năm, tình hình kinh tế thế giới có nhiều thay đổi nhanh, phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức, tăng trưởng kinh tế chậm, thương mại toàn cầu suy giảm, căng thẳng thương mại diễn biến khó lường.

Để hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung cao độ, thực hiện nhanh, quyết liệt các giải pháp đề ra.

Nếu không có yếu tố bất thường tác động đến tăng trưởng, dự báo tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt được mục tiêu (6,8%).

Kinh tế Việt Nam nửa đầu 2019 với những dấu hiệu chậm lại - Ảnh 2.

Ông Sebastian Eckardt - Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

KINH TẾ ĐÃ THỰC SỰ CÓ XU HƯỚNG SUY GIẢM, NHƯNG PHẢI XÉT ĐẾN BỐI CẢNH

So với lần công bố báo cáo gần nhất của chúng tôi vào tháng 12/2018, rõ ràng kinh tế đã thực sự có xu hướng suy giảm. Thế nhưng cũng phải xét đến bối cảnh xung quanh. Kinh tế Việt Nam như vậy vẫn tốt hơn so với nhiều nước khác trong khu vực.

Theo khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam cần phải sẵn sàng cho khả năng điều chỉnh chính sách khi mà nhiều rủi ro suy giảm có thể trở thành hiện thực. Việt Nam cần nâng cao chiều sâu của cải cách kinh tế nhằm tăng cường tính bền vững của nền kinh tế.

Bối cảnh kinh tế thế giới yếu đi, tăng trưởng của nhiều nền kinh tế lớn cũng như cả thế giới nói chung đều đã được điều chỉnh giảm xuống 2,6% từ mức 2,9%, trong đó đầu tư suy giảm do căng thẳng thương mại. Các nền kinh tế trong khu vực vì vậy cũng chịu nhiều khó khăn.

Tăng trưởng của Việt Nam có suy giảm trong nửa đầu năm 2019 nhưng mức độ không đáng kể. Xét đến các ngành, sự suy giảm diễn ra đồng loạt tại phần lớn các ngành, thế nhưng ngành chế tạo chế biến vẫn là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Nó cho thấy phần nào sự suy giảm của nhu cầu bên ngoài, bên cạnh đó là tác động giảm dần của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

Tăng trưởng của ngành nông nghiệp cũng đi xuống, phải xét đến hai yếu tố: giá thực phẩm giảm xuống và nhu cầu bên ngoài ảnh hưởng đến xuất khẩu nông nghiệp. Dịch tả lợn châu Phi cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của ngành, 3 triệu con lợn đã bị tiêu hủy từ đầu năm đến nay.

Ngành dịch vụ trong khi đó vẫn tăng trưởng tốt, do tiêu dùng trong nước quá tốt. Ngành xây dựng cùng lúc tăng trưởng mạnh, đến 8,7%. Nhu cầu trong nước vững vàng thúc đẩy cho sự phát triển của ngành dịch vụ trong nước.

Áp lực lạm phát nhìn chung tổng quan vẫn còn rất nhẹ. Trong 6 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 2,65% chủ yếu do một số loại giá cả dịch vụ hàng hóa do nhà nước quản lý tăng, đặc biệt giá điện.

Về chu kỳ tín dụng, chúng tôi thấy đang có sự suy giảm rõ ràng. Tăng trưởng tín dụng đến cuối quý 2/2019 chỉ đạt khoảng 7%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong thời gian tới, chúng ta kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ kiềm chế hơn tăng trưởng tín dụng để nó sát hơn với tăng trưởng GDP. Việt Nam đang tiến gần đến áp dụng Basel II và đây có thể coi như bước tiến rất lớn trong cải cách lĩnh vực ngân hàng. Vốn của các ngân hàng cần phải được tăng thêm rất nhiều để phù hợp với chuẩn mực của Basel II.

Kinh tế Việt Nam nửa đầu 2019 với những dấu hiệu chậm lại - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI)

TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ CHẬM LẠI BỘC LỘ NHIỀU VẤN ĐỀ

Điểm tích cực trong diễn biến kinh tế 6 tháng đầu năm 2019 là các cân đối vĩ mô vẫn được kiểm soát tốt. Chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng và giá lương thực, thực phẩm giảm khiến lạm phát được giữ ở mức thấp.

Tuy nhiên, tăng trưởng chậm lại đã bộc lộ nhiều vấn đề cần lưu ý.

Đầu tiên là sự chậm lại của công nghiệp chế biến chế tạo và nông nghiệp, hai ngành có tỷ trọng lớn thứ nhất và thứ ba trong nền kinh tế, là nguyên nhân chính khiến tăng trưởng giảm. Trong công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp điện tử chỉ tăng 3.5% trong khi cùng kỳ tăng 17.5%.

Ngoài ra, GDP ngành nông nghiệp cũng chỉ tăng 1.3%, là mức tăng trưởng thấp nhất ba năm do ảnh hưởng của Elnino làm thời tiết khô hạn và xuất khẩu gạo tăng trưởng âm. Trung Quốc áp đặt nhiều rào cản kỹ thuật với việc nhập khẩu gạo của Việt Nam đã khiến xuất khẩu sang thị trường này giảm chỉ còn 1/4 so với cùng kỳ.

Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng tăng 7.3%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ là 16.6%, trong đó xuất khẩu của khối trong nước và khối FDI đều giảm sút. Với khối trong nước, xuất khẩu gạo, cà phê, điều, sắn, thủy sản giảm âm. Với khối FDI, xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp chủ lực như điện thoại, máy móc thiết bị, dệt may tăng chậm.

Là một nền kinh tế có độ mở lớn và tăng trưởng chủ yếu dựa vào xuất khẩu (dư địa cầu nội địa còn rất nhỏ) nên xuất khẩu chậm lại là một cảnh báo với tăng trưởng kinh tế.

Nhập khẩu 6 tháng tăng 10.5%, xấp xỉ cùng kỳ trong đó nhập khẩu máy móc thiết bị, linh kiện điện tử tăng tốc là một chỉ báo tương đối tích cực cho tình hình sản xuất trong quý 3.

Tuy nhiên nhập khẩu ô tô nguyên chiếc tăng rất mạnh, gấp 5 cùng kỳ lên 1.7 tỷ USD làm ảnh hưởng đến ngành sản xuất ô tô trong nước. Chỉ số công nghiệp sản xuất xe có động cơ tháng 6 giảm -0.7% (6 tháng tăng +11.4%). Việt Nam cần tiếp tục nâng các hàng rào bảo hộ bên cạnh việc sử dụng các chính sách ưu đãi sản xuất và tiêu dùng với ô tô sản xuất trong nước.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10.3%, nhỉnh hơn so với cùng kỳ là 10.1% nhờ đầu tư của khối tư nhân và khối FDI. Đầu tư từ khối nhà nước tăng thấp, tăng 3% trong đó vốn từ ngân sách tăng 3.7% (cùng kỳ tăng 9.4%). Chi đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách đến 15/6 mới đạt 26% kế hoạch năm.

Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm chạp không chỉ gây lãng phí nguồn vốn ngân sách (lượng tiền kho bạc gửi trong hệ thống ngân hàng còn rất lớn) mà còn làm lỡ cơ hội tạo tăng trưởng trong bối cảnh xuất khẩu chậm lại.

Kinh tế Việt Nam nửa đầu 2019 với những dấu hiệu chậm lại - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Hoàng Linh - Giám đốc nghiên cứu Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF)

CÂN ĐỐI VĨ MÔ VÀ CHỐNG ĐỠ BẤT ỔN BÊN NGOÀI CỦA VIỆT NAM LÀ TƯƠNG ĐỐI TỐT

Trong nửa đầu năm 2019, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến kém tích cực do các lo ngại về tình hình vĩ mô trong nước và thế giới. Cụ thể là tình trạng leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc có nguy cơ khiến cho thương mại toàn cầu sụt giảm.

Riêng đối với Việt Nam, mặc dù được đánh giá có nhiều cơ hội hưởng lợi từ cuộc chiến này trong dài hạn nhờ xu hướng dịch chuyển chuỗi sản xuất toàn cầu; tuy nhiên trong ngắn hạn, nền kinh tế của chúng ta khó tránh khỏi những tác động tiêu cực, đặc biệt là sức ép giảm giá đồng Nhân dân tệ và chính sách hỗ trợ xuất khẩu của Trung Quốc ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ giá VND và cán cân thương mại của Việt Nam.

Tuy nhiên, dữ liệu quý 2/2019 và theo chúng tôi thì bức tranh vĩ mô bước đầu cho thấy những ổn định trước các rủi ro tiềm ẩn bên ngoài chưa đoán định được.

Xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng tốt hơn nhờ vào các FTAs đã ký kết (CPTPP và đặc biệt là EVFTA trong dài hạn) và sự phục hồi của Samsung ở mảng điện thoại di động do sự suy yếu từ các đối thủ Trung Quốc.

Hơn nữa, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã bắt đầu cân nhắc sẵn sàng dùng lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế nếu bất ổn toàn cầu đẩy rủi ro giảm tăng trưởng kinh tế.

Chúng tôi nhận thấy lãi suất VND mặc dù không giảm nhưng nhiều khả năng sẽ ổn định. Và đặc biệt quan ngại về lạm phát sau khi tăng giá một số mặt hàng thiết yếu đã không còn khi lạm phát quý 2 chỉ gần 3% so với cùng kỳ.

Rõ ràng, sự cân đối vĩ mô và chống đỡ bất ổn bên ngoài của Việt Nam là tương đối tốt.

Vì vậy, chúng tôi cho rằng, khi doanh nghiệp vẫn tăng trưởng như hiện nay và nếu Chính phủ có chính sách tốt, thì việc tích lũy trong một thời gian của thị trường chứng khoán là bình thường. Chúng tôi cho rằng thị trường sẽ ổn định tích lũy đủ dài trước khi có hướng đi mới. Tôi hy vọng là hướng đi lên sau thời gian tích lũy này.

Tin mới

Ngày này năm xưa: Bộ đôi Elantra, Tucson cùng ra mắt, đều giảm doanh số nhưng vị thế hoàn toàn trái ngược
3 giờ trước
Sự kiện ra mắt bộ đôi Elantra và Tucson đánh dấu bước điều chỉnh sản phẩm nhằm duy trì sức cạnh tranh trong hai phân khúc sedan hạng C và SUV hạng C vốn có sự cạnh tranh gay gắt.
Công an Hà Nội thu giữ hơn 100 tấn hàng hóa thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả
3 giờ trước
Phòng cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội triệt phá thành công chuyên án thu giữ hơn 100 tấn thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả do Phạm Ngọc Tiến và vợ là Đoàn Thị Nguyệt (cùng SN 1988, trú tại Phúc La, Hà Đông, Hà Nội) cầm đầu.
Bán điện thoại 30 triệu mà pin chỉ 3.900 mAh, Samsung vẫn thua "công nghệ thần thánh" này của Trung Quốc
2 giờ trước
Trung Quốc đã có được công nghệ mới có thể giúp Galaxy S25 Edge trở nên hoàn hảo hơn. Nhưng rất tiếc Samsung chưa làm được điều này.
'Sao đổi ngôi' trên thị trường gọi xe công nghệ
2 giờ trước
Số liệu thống kê mới nhất của quý I/2025 cho thấy một cuộc đổi ngôi đang âm thầm diễn ra trên thị trường taxi và taxi công nghệ tại Việt Nam, khi cán cân ngày càng nghiêng về nền tảng thuần điện nội địa Xanh SM và tốc độ tăng trưởng ngày càng chậm lại của Grab.
Yamaha Force X 125cc 2025 ra mắt: Thiết kế 'lai địa hình' phá cách, giá chỉ hơn 30 triệu đồng
2 giờ trước
Với giá bán niêm yết chỉ hơn 30 triệu VNĐ, mẫu xe này được định vị ở phân khúc tay ga phổ thông, nhưng lại sở hữu nhiều chi tiết thiết kế lạ mắt, cùng một số nâng cấp thực dụng đáng chú ý.

Tin cùng chuyên mục

Tài chính Toyota tung gói vay ưu đãi, thu hút nhiều khách hàng "lên đời"
23 giờ trước
Tháng 05/2025, Công ty Tài chính Toyota Việt Nam (TFSVN) phối hợp với Toyota Việt Nam và hệ thống đại lý toàn quốc triển khai chương trình trả góp với chính sách ưu đãi hấp dẫn, giúp người tiêu dùng Việt dễ dàng sở hữu xe hơi.
Khủng hoảng niềm tin bủa vây Xiaomi sau sự cố xe điện SU7
1 ngày trước
Xiaomi đối mặt với giai đoạn thử thách sau khi mẫu xe điện SU7 vướng sự cố gây chết người, kéo theo một cuộc khủng hoảng lòng tin sâu sắc từ người tiêu dùng.
Kia chào hè với ưu đãi lớn nhất trong năm
1 ngày trước
Từ ngày 10/5, THACO AUTO và Kia Việt Nam triển khai chương trình ưu đãi lớn nhất trong năm, với mức ưu đãi lên đến 80 triệu đồng (áp dụng tùy theo phiên bản), cùng nhiều quà tặng hấp dẫn.
HOT: VinFast bất ngờ khoe hình ảnh mẫu xe điện mới cứng, chốt lịch ra mắt ngay ngày mai
3 ngày trước
Mẫu xe điện này sẽ chính thức được VinFast công bố tới thị trường trong 24 giờ tới.