Người dùng chuyển mình, nhà bán lẻ kỳ vọng
Không còn là khái niệm công nghệ xa vời, 5G giờ đây đang trở thành yếu tố thực sự tác động đến quyết định mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam. Trong khi các nhà mạng tăng tốc triển khai hạ tầng, thì ở tuyến đầu thị trường - các hệ thống bán lẻ di động – đang cảm nhận rất rõ sự thay đổi trong hành vi và nhu cầu của khách hàng.
Từ tâm lý dò xét, người dùng đã chuyển sang chủ động lựa chọn thiết bị hỗ trợ 5G. Và theo nhìn nhận từ nhiều nhà bán lẻ lớn, làn sóng này không chỉ là cơn sốt công nghệ ngắn hạn, mà đang trở thành một xu hướng tiêu dùng bền vững.
Theo đại diện Thế Giới Di Động, tỷ lệ khách hàng lựa chọn smartphone 5G đang ngày càng tăng và 5G chính là một trong 3 mũi nhọn chính để thúc đẩy thị trường smartphone trong nước (bên cạnh AI và NFC).
5G đang là một trong những động lực thúc đẩy doanh số smartphone tại Việt Nam.
Trong khi đó tại FPT Shop, tỷ lệ smartphone hỗ trợ 5G trong tổng số máy bán ra đã tăng lên mức 70% trong nửa đầu năm 2025, so với chỉ 50% cùng kỳ năm trước. Đại diện hệ thống cho biết người tiêu dùng hiện đặt câu hỏi “máy này có 5G không” như một tiêu chí cơ bản, ngay cả ở phân khúc dưới 5 triệu đồng.
Di Động Việt cũng ghi nhận xu hướng tương tự. Theo bà Nguyễn Thị Kim Vân – Giám đốc marketing, tỷ lệ điện thoại 5G bán ra đã chiếm tới 72%, với phân khúc tầm trung 7–10 triệu đồng ghi nhận mức tiêu thụ mạnh nhất. Người dùng không còn tiếp cận 5G bằng sự tò mò, mà đã coi đó là tiêu chuẩn khi lựa chọn smartphone mới.
Tại Viettel Store, tỷ lệ máy 5G hiện đã chiếm khoảng 80% tổng sản phẩm kinh doanh. Dự kiến con số này sẽ vượt mốc 90% ngay trong quý III năm nay. Đáng chú ý, người mua tại các cửa hàng không còn tập trung vào model cao cấp, mà đang ưu tiên các dòng tầm trung có hiệu năng ổn định, thiết kế hiện đại và đặc biệt là tích hợp 5G – điều cho thấy mức độ phổ cập đang tiến rất sát tới người dùng đại trà.
Thiết bị rẻ hơn, hạ tầng mạnh hơn – cơ hội phổ cập 5G
Một trong những lý do quan trọng thúc đẩy đà tăng trưởng của smartphone 5G chính là mức giá thiết bị đã được kéo xuống đáng kể. Nếu như năm 2023, 5G chỉ phổ biến ở phân khúc trên 10 triệu đồng thì hiện nay, người dùng hoàn toàn có thể sở hữu thiết bị hỗ trợ công nghệ này với mức giá từ 3 đến 4 triệu đồng. Những mẫu như Galaxy A06 5G (3,7 triệu đồng), TCL 60R (2,99 triệu đồng) hay dòng Reno của Oppo đang góp phần kéo mặt bằng giá xuống mức dễ tiếp cận hơn bao giờ hết.
Những mẫu smartphone như Samsung Galaxy A06 5G đang góp phần kéo mặt bằng giá điện thoại 5G xuống dễ tiếp cận hơn.
Điều đáng chú ý là không ít trong số các thiết bị này có được chính sách bán hàng hấp dẫn đến vậy là nhờ các chương trình hợp tác giữa nhà mạng và các nhà sản xuất. Viettel , trong vai trò nhà mạng tiên phong triển khai thương mại hóa 5G tại Việt Nam, đã bắt tay với cả Oppo và Samsung để triển khai các chương trình phổ cập thiết bị. Cụ thể, những chiến dịch như bán máy kèm gói cước với mức trợ giá đặc biệt, tặng data miễn phí hoặc tổ chức chương trình dùng thử thiết bị tại các vùng phủ sóng đã giúp lượng người tiếp cận 5G gia tăng đáng kể chỉ trong vài tháng.
Cùng với thiết bị giá rẻ, vùng phủ sóng rộng khắp cũng là yếu tố khiến người tiêu dùng yên tâm khi nâng cấp. Là nhà mạng đầu tiên chính thức kinh doanh 5G từ tháng 10/2024 với vùng phủ toàn quốc, đến nay Viettel đã nhanh chóng mở rộng hạ tầng, đưa vào vận hành hơn 7.000 trạm phát sóng 5G, phủ đều các khu đô thị lớn và lan dần đến các tỉnh, huyện trọng điểm.
Không chỉ tập trung vào số lượng trạm, Viettel còn là đơn vị tiên phong triển khai đồng thời mạng 5G độc lập (SA) – cho phép tăng tốc độ tải xuống lên tới 1 Gbps và giảm độ trễ xuống mức gần như bằng không – nền tảng quan trọng cho các ứng dụng tương lai như IoT, y tế số, nhà máy thông minh.
Nhìn từ phía nhà bán lẻ , hạ tầng chính là đòn bẩy quyết định để “chốt đơn”. Người tiêu dùng sẽ không sẵn sàng mua thiết bị nếu chưa được trải nghiệm mạng 5G thực thụ. Ngược lại, một khi tốc độ truy cập đủ nhanh, tín hiệu ổn định và vùng phủ đủ rộng, việc thuyết phục người dùng chuyển sang thiết bị mới trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Điều này lý giải vì sao các nhà bán lẻ đang tích cực mở rộng danh mục thiết bị 5G, thậm chí không còn kinh doanh các mẫu smartphone mới không hỗ trợ 5G – vì đơn giản là nhu cầu gần như đã đảo chiều.
Viettel và chiến lược "phổ cập 5G " mang tính hệ thống
Không chỉ đi đầu về hạ tầng, Viettel cũng là một trong số ít nhà mạng tại Việt Nam triển khai chiến lược phát triển 5G một cách toàn diện. Ngoài việc hợp tác với các hãng điện thoại lớn để đưa thiết bị giá rẻ đến người tiêu dùng, Viettel còn tích cực tung ra các gói cước ưu đãi như tặng data 5G từ 10 đến 30 GB/tháng, miễn phí trải nghiệm cho thuê bao mới hay khách hàng lần đầu dùng 5G. Những động thái này không chỉ mang tính kích cầu, mà còn tạo đà hình thành thói quen sử dụng băng thông lớn trong cộng đồng người dùng phổ thông.
Hết quý I, Viettel đã vận hành hơn 7.000 trạm phát sóng 5G.
Trong mắt các nhà bán lẻ , chính sự chủ động từ phía nhà mạng đã giúp thị trường thiết bị bắt kịp xu hướng. “Chúng tôi nhận định vai trò của các nhà mạng là rất quan trọng trong việc phổ cập 5G . Rõ ràng khi có hạ tầng phù hợp, nhà sản xuất mới sẵn sàng tung thiết bị đầu cuối, đồng thời với các chương trình/gói dữ liệu có giá cả phù hợp, sẽ góp phần thúc đẩy việc phổ cập 5G mạnh mẽ hơn”, ông Trần Đức Tín - Giám đốc ngành hàng điện thoại di động của Thế Giới Di Động chia sẻ.
FPT Shop, Di Động Việt hay Viettel Store cũng đều có chung quan điểm rằng nếu không có hạ tầng đủ tốt, người tiêu dùng sẽ không có lý do để mua thiết bị mới. Ngược lại, khi tốc độ mạng đã đáp ứng được kỳ vọng, thì nhu cầu nâng cấp sẽ đến rất nhanh – thậm chí vượt quá khả năng cung ứng thiết bị trong một số thời điểm cao điểm đầu năm 2025.
Bức tranh toàn cảnh cho thấy thị trường đang vận hành theo đúng hướng. Người tiêu dùng đã sẵn sàng, nhà bán lẻ đang chuyển mình và nhà mạng – điển hình như Viettel – vẫn kiên định vai trò người dẫn đường.
Nếu đà này tiếp tục được giữ vững, thì câu hỏi không còn là “bao giờ 5G bùng nổ”, mà là “khi nào nó sẽ trở thành mặc định của đời sống số tại Việt Nam?”