Luật sư nói về kẽ hở pháp lý trong vụ góp 500.076 tỷ đồng thành lập công ty

02/06/2021 16:43
Không ít doanh nghiệp tùy tiện đăng ký số vốn điều lệ như một sự "lòe" thiên hạ, tuy nhiên luật pháp lại không quy định việc đăng ký vốn điều lệ sẽ bị giới hạn bởi một con số tối đa - chuyên gia luật cho biết.

Luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TPHCM nói rằng, có không ít doanh nghiệp khi thực hiện việc đăng ký kinh doanh, họ tùy tiện trong việc đăng ký số vốn điều lệ như là một sự lòe thiên hạ thay vì phản ánh đúng năng lực tài chính của họ. Tuy nhiên, luật pháp không quy định việc đăng ký vốn điều lệ sẽ bị giới hạn bởi một con số tối đa.

Luật không quy định

Hiện nay, các quy định pháp luật giới hạn việc đăng ký vốn thành lập công ty hay doanh nghiệp muốn đăng ký bao nhiêu cũng được, thưa luật sư?

Theo Khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020, vốn điều lệ được giải thích là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.

Luật sư nói về kẽ hở pháp lý trong vụ góp 500.076 tỷ đồng thành lập công ty - Ảnh 1.

Luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TPHCM.


Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, vốn điều lệ tại thời điểm thành lập doanh nghiệp nó có thể chỉ là cam kết góp. Chính vì thế, việc đăng ký vốn điều lệ không bị giới hạn với một con số tối đa là bao nhiêu, bởi nó tùy thuộc vào khả năng góp vốn của những người muốn thành lập doanh nghiệp.

Doanh nghiệp đăng ký vốn hàng trăm ngàn tỷ đồng thì có lợi gì khi kinh doanh?

Thông thường, vốn điều lệ của một doanh nghiệp là một phần củng cố uy tín và niềm tin của đối tác của doanh nghiệp. Vì thế, số vốn điều lệ lớn sẽ giúp cho doanh nghiệp dễ dàng ký kết hợp đồng và có chỗ đứng trên thương trường.

Tất nhiên có một số doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ không lớn, nhưng trong quá trình hoạt động họ có lợi nhuận cao và sở hữu nhiều tài sản khác, lúc này tài sản của doanh nghiệp sẽ lớn hơn nhiều so với vốn điều lệ. Nhưng cũng có không ít doanh nghiệp có năng lực tài chính thực thụ nhỏ hơn nhiều so với vốn điều lệ vì đã đăng ký vốn ảo.

Trong một số lĩnh vực, bắt buộc doanh nghiệp muốn hoạt động, phải có vốn pháp định đúng với quy định (ngân hàng, công ty tài chính...) và một số hoạt động đầu tư cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải chứng minh nguồn vốn tự có để thực hiện các dự án, ký quỹ... Chính vì thế mà nhu cầu đăng ký vốn điều lệ cũng phát sinh từ đó.

Ngoài những vấn đề nêu trên, hiện nay vốn điều lệ chỉ là cơ sở để cơ quan thuế tiến hành thu thuế môn bài, theo quy định tại Nghị định 139/2016 và Thông tư 302/2016. Theo đó, đối với doanh nghiệp có vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng, thì một năm phải đóng thuế môn bài là 2 triệu đồng, trên 10 tỷ đồng thì đóng 3 triệu.

Nếu đăng ký vốn nhưng sau đó không góp đủ thì sẽ như thế nào, thưa ông?

Tại các Điều 47 (đối với công ty TNHH hai thành viên), Điều 75 (đối với công ty TNHH một thành viên), Điều 113 (đối với công ty cổ phần) đều có một quy định chung liên quan đến việc góp vốn. Theo đó, các thành viên/cổ đông phải thực hiện việc góp vốn/thanh toán trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Riêng đối với công ty cổ phần thì cho phép điều lệ hoặc hợp đồng mua cổ phần có thể thỏa thuận thời gian ngắn hơn.

Nếu đến quá thời hạn 90 ngày nêu trên mà việc góp vốn/thanh toán cổ phần không đủ với số vốn điều lệ đã đăng ký, thì doanh nghiệp phải đăng ký giảm vốn điều lệ bằng với số vốn đã góp, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ.

Hiện nay, chưa có quy định về việc phạt đối với thành viên không góp đủ vốn như đã cam kết. Bởi trong thời hạn nêu trên, nếu thành viên không góp hoặc góp không đủ thì tùy vào từng mô hình của doanh nghiệp (Công ty TNHH một thành viên, TNHH hai thành viên, cổ phần) và đã có các điều luật tương ứng để xử lý phần vốn này (mất tư cách thành viên, công ty mua lại phần vốn góp....).

Luật sư nói về kẽ hở pháp lý trong vụ góp 500.076 tỷ đồng thành lập công ty - Ảnh 2.

Góp tới 500.076 tỷ đồng thành lập công ty nhưng ông Nguyễn Vũ Quốc Anh vẫn ở nhà cấp 4 tại TP. Thủ Đức, TPHCM.


Hiện nay, chỉ có cơ chế xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký. Theo đó, hành vi này bị phạt số tiền từ 10-20 triệu đồng theo Khoản 3 Điều 28 Nghị định 50/2016. Lúc này, doanh nghiệp bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả bằng việc buộc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ theo quy định tại Khoản 5 Điều 28 Nghị định 50/2016.

Khó giảm vốn

Như vậy, cơ quan chức năng có cần thẩm định trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hay không, hay doanh nghiệp đăng ký ra sao thì sẽ được cấp như vậy?

Hiện nay, Luật Doanh nghiệp 2020 không có quy định liên quan đến việc thẩm định phần vốn điều lệ trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Quy định này là hoàn toàn phù hợp, bởi phần vốn điều lệ là do các nhà đầu tư quyết định liên quan đến khả năng góp vốn, mô hình hoạt động và ngành nghề kinh doanh và họ chịu trách nhiệm trong trường hợp thua lỗ đối với phần sở hữu vốn của mình.

Vì vậy theo tôi, chúng ta nên tiếp tục duy trì quy định này. Tất cả hãy để cho thị trường quyết định, nhà đầu tư quyết định trong việc thành lập và hoạt động doanh nghiệp.

Việc đăng ký số vốn lớn, sau đó góp không đủ thì có có cần kiến nghị xử phạt hay chế tài gì?

Thông thường, để thành lập một doanh nghiệp, các thành viên sáng lập thường ngồi với nhau bàn bạc để xây dựng điều lệ công ty hoặc thống nhất với nhau rất nhiều thứ (số vốn góp, cơ cấu tổ chức hoạt động, nhiệm vụ và vị trí của các thành viên...). Vì thế, việc quyết định lựa chọn số vốn điều lệ cũng đã có sự cân nhắc nhằm đảm bảo được khả năng góp vốn của các bên.

Nói như vậy, không có nghĩa là tất cả các sáng lập viên công ty đều làm điều đó, mà cũng có không ít doanh nghiệp khi thực hiện việc đăng ký kinh doanh, họ tùy tiện trong việc đăng ký số vốn điều lệ, việc đăng ký vốn điều lệ đôi khi như là một sự "lòe" thiên hạ thay vì phản ánh đúng năng lực tài chính của họ.

Họ cũng không thực hiện việc giảm vốn điều lệ theo các quy định nếu không góp đủ. Hoặc, họ cũng không ý thức được trách nhiệm của mình trong trường hợp công ty thua lỗ, họ phải chịu trách nhiệm nhiệm trên số vốn đang sở hữu trong công ty, dẫn đến khá nhiều doanh nghiệp có vốn điều lệ ảo..

Do đó, chúng ta cần nâng cao công tác giám sát trong việc doanh nghiệp có thực hiện việc góp vốn theo vốn điều lệ đã đăng ký hay không, doanh nghiệp có thực hiện thủ tục giảm vốn nếu không góp đủ hay không, để từ đó sớm phát hiện các vi phạm nhằm xử phạt doanh nghiệp.

Đồng thời, đưa các doanh nghiệp quay lại trạng thái vốn thực tế của mình. Và để làm được tốt việc quản lý, bên cạnh khâu giám sát, chúng ta cũng cần nâng mức phạt vi phạm hành chính lên, không phạt ở mức 10-20 triệu như hiện nay và cần giải thích luôn cho các chủ doanh nghiệp biết lúc tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh.

Nếu sau 90 ngày không giảm vốn, sau này quá trình hoạt động xin giảm vốn thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn như thế nào?

Việc giảm vốn điều lệ của công ty xuất phát từ 2 khía cạnh sau. Một là, không góp đủ vốn theo quy định về việc góp vốn.

Đối với việc này, phần lớn các doanh nghiệp không thực hiện việc giảm vốn theo luật định, các kế toán của công ty cũng báo cáo sổ sách kế toán trong công ty, bằng việc dòng tiền mặt trong công ty là đủ với số vốn đăng ký. Trong khi tài khoản công ty không có tiền, công ty không sở hữu tài sản nào khác.

Luật sư nói về kẽ hở pháp lý trong vụ góp 500.076 tỷ đồng thành lập công ty - Ảnh 3.

Đăng ký vốn 500.000 tỷ đồng nhưng doanh nghiệp lại đi thuê trụ sở văn phòng ảo giá 1,2 triệu đồng/tháng tại tòa nhà Bitexco.

Như vậy, về nguyên tắc có thể hiểu rằng doanh nghiệp đã có đủ vốn điều lệ để hoạt động chứ không phải là chưa góp đủ vốn. Vì thế, nếu thực hiện việc giảm vốn điều lệ bằng việc chấp nhận bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 50/2016 nói trên tưởng chừng như đơn giản nhưng cũng không phải là chuyện đơn giản.

Bởi tài sản của doanh nghiệp có thể là tiền, là tài sản do doanh nghiệp mua hoặc các loại tài sản khác mà trước đó khi thành lập công ty, các thành viên sáng lập đã góp và đã được định giá. Để chứng minh là chưa góp đủ vốn, đồng nghĩa với việc chứng minh hồ sơ sổ sách, điều kiện thực tế của doanh nghiệp là phù hợp với việc chưa góp đủ vốn. Thông thường, nếu bộ phận kế toán làm đúng khi báo cáo, mà trong đó có ghi nhận tiền phải thu từ việc góp vốn của thành viên chưa góp, thì việc bị phạt và giảm vốn theo quyết định xử phạt sẽ đơn giản hơn.

Trường hợp thứ hai là giảm vốn sau khi đã góp đủ vốn và hoạt động. Đối với vấn đề này, quy định cũng khá phức tạp, trong đó phải đáp ứng được yêu cầu bắt buộc giảm vốn nhưng vẫn phải đảm bảo khả năng trả nợ.

Như vậy, việc tăng vốn có phần đơn giản hơn việc giảm vốn. Vì thế, tôi khuyên các thành viên sáng lập nên thực hiện việc góp vốn từ từ, để vừa đảm bảo đúng khả năng góp vốn của mình, đảm bảo doanh nghiệp không bị xử phạt do vi phạm thủ tục giảm vốn hay là những doanh nghiệp có vốn ảo.

Tin mới

Malaysia liên tục đổ tiền mua kho báu dưới lòng đất của Việt Nam với giá cực rẻ: xuất khẩu tăng khủng hơn 1.800%, nước ta có trữ lượng top đầu thế giới
11 giờ trước
Giá xuất khẩu mặt hàng này từ Việt Nam sang Malaysia đã giảm sốc hơn 84%.
Thêm một mẫu MPV sập giá tại đại lý, cao nhất tới 80 triệu đồng
10 phút trước
Mẫu MPV Hyundai Custin đang được được lý giảm giá sâu nhằm xả hàng tồn.
Đề nghị làm rõ số phận dự án Khu đô thị Hồng Thái "treo" 16 năm và năng lực chủ đầu tư
13 phút trước
Tình trạng dự án Khu đô thị Hồng Thái bị "treo" ròng rã 16 năm và thường xuyên được cử tri nhắc tới, đặc biệt là năng lực của chủ đầu tư Công ty Cổ phần Sông Đà 9.06. Tuy nhiên đến nay Hà Nội vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng về dự án này.
Cập nhật giá vàng hôm nay (23/4): Vàng SJC "rơi tự do" về 82,3 triệu đồng/lượng
22 phút trước
Cập nhật giá vàng hôm nay lúc 12h ngày 23/4, giá vàng SJC "rơi" từ 83,5 triệu đồng/lượng (đầu giờ sáng) xuống 82,3 triệu đồng/lượng, sau khi Ngân hàng Nhà nước chính thức đấu thầu vàng miếng.
Gỏi gà măng cụt lại sốt, bà nội trợ chen nhau lên chợ mạng gom măng cụt xanh
38 phút trước
Măng cụt xanh giá 100.000 đồng/kg khoảng 9-10 trái, loại gọt vỏ sẵn đến 600.000 đồng/kg nhưng vẫn được chốt đơn ào ào bởi món gỏi gà măng cụt đã sốt trở lại.

Tin cùng chuyên mục

Cập nhật "nóng" về đấu thầu vàng miếng: Lộ diện 11 ngân hàng, doanh nghiệp dự thầu
3 giờ trước
Ngày 23/4, Ngân hàng Nhà nước tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng. Có 11 đơn vị bao gồm 7 ngân hàng và 4 doanh nghiệp tham gia dự thầu.
TPBank bất ngờ công bố kế hoạch chia cổ tức 25% bằng tiền và cổ phiếu tại Đại hội cổ đông
3 giờ trước
Năm 2024, TPBank hướng tới mục tiêu lợi nhuận 7.500 tỷ đồng, tăng 34%. Đồng thời, TPBank đem tin vui tới cho cổ đông với kế hoạch dự kiến chia cổ tức lên tới 25%.
ĐHCĐ MSB: Đặt mục tiêu lợi nhuận 6.800 tỷ đồng, tăng vốn điều lệ lên 26.000 tỷ trong năm 2024
5 giờ trước
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (HoSE: MSB) sẽ trình Đại hội đồng cổ đông phương án tăng vốn từ 20.000 tỷ đồng lên 26.000 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%.
Giá USD hôm nay 23/4: Ngân hàng chững lại, tự do "bốc đầu" tăng
5 giờ trước
Giá USD hôm nay 23/4: Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ngày 23/4 hiện đang ở mức 24.275 đồng , tăng nhẹ 3 đồng so với ngày hôm qua.