LVMH vs H&M: Khi ngành xa xỉ đánh bại thời trang ‘ăn liền’ trong khủng hoảng

29/01/2023 10:20
Với giới siêu giàu thì lạm phát, dịch bệnh hay thậm chí khủng hoảng cũng không phải là vấn đề.

Theo tờ Quartz, báo cáo kết quả kinh doanh của tập đoàn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới LVMH đã đánh bại một trong những hãng thời trang nhanh (thời trang ăn liền) nổi tiếng toàn cầu là H&M, qua đó cho thấy sức chống chịu khủng khiếp của giới siêu giàu bất chấp lạm phát, dịch bệnh hay khủng hoảng.

Tập đoàn LVMH của Pháp, sở hữu những thương hiệu đình đám như Louis Vuitton, Christian Dior, Tiffany’s, Sephora... đã báo cáo một năm kinh doanh lợi nhuận kỷ lục 2022. Tổng doanh thu của hãng đạt mức kỷ lục 79,2 tỷ Euro, tương đương 86,2 tỷ USD, còn lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đạt 21,1 tỷ Euro, tương đương 23 tỷ USD. Cả 2 chỉ số này đều có mức tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm trước.

Bất chấp tình hình dịch kinh tế khó khăn trên toàn cầu, doanh số bán hàng của LVMH vẫn tăng mạnh ở Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Nguyên nhân chính là nhu cầu tiêu dùng hàng xa xỉ của giới nhà giàu vẫn vô cùng mạnh mẽ, chưa kể đến việc sự mở cửa trở lại của ngành du lịch cũng thúc đẩy tiêu dùng trong giới đại gia.

 LVMH vs H&M: Khi ngành xa xỉ đánh bại thời trang ‘ăn liền’ trong khủng hoảng - Ảnh 1.

Mặc dù LVMH rút khỏi thị trường Nga trong năm 2022 nhưng đóng góp của khách hàng nơi đây trong tổng doanh thu của hãng là khá nhỏ so với Mỹ và Trung Quốc.

Trái ngược lại với sự bùng nổ của LVMH là một năm ảm đạm của H&M, hãng thời trang nhanh lớn thứ 2 thế giới sau Inditex (Zara). Lợi nhuận ròng của H&M kết thúc năm tài khóa vào cuối tháng 11/2022 đã giảm 68% so với cùng kỳ năm trước, xuống chỉ còn 3,6 tỷ Kronor, tương đương 349 triệu USD.

CEO Helena Helmersson của H&M thừa nhận doanh số bán hàng chững lại trong tháng 2/2022 cùng quyết định rời khỏi thị trường Nga đã ảnh hưởng nặng đến lợi nhuận của công ty.

“Nga là một thị trường quan trọng và đầy lợi nhuận của H&M và sự rút lui này đã ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của chúng tôi”, CEO Helmersson ngậm ngùi.

Ngoài ra, vị CEO này còn cho biết giá nguyên liệu tăng, chi phí vận tải, logistic đi lên cùng đồng USD quá mạnh đã khiến H&M gặp khó. Thế rồi giá năng lượng quá cao tại Châu Âu càng khiến H&M gặp rắc rối trong việc cắt giảm chi phí. Thậm chí hãng đã có đợt sa thải diện rộng vào tháng 11/2022 nhưng chẳng giảm thiểu được thiệt hại là bao.

Thị trường trăm tỷ USD

Báo cáo tháng 11/2022 của hãng tư vấn Bain&Co cho thấy thị trường hàng xa xỉ ước tính đạt tổng giá trị 540-580 tỷ Euro, tương đương 588-631 tỷ USD vào năm 2030, tăng 60% so với mức 353 tỷ Euro của năm 2022.

Tệp khách hàng trên thị trường này từ mức 200 triệu người hiện nay sẽ tăng lên đến 500 triệu người vào cuối thập niên này.

Nguyên nhân chính của sự bùng nổ bất chấp những thách thức của nền kinh tế hiện nay là do Trung Quốc mở cửa trở lại, qua đó dần hồi phục sau đại dịch trong khi đây là một trong những thị trường chính của ngành hàng xa xỉ.

Tiếp đó, nền kinh tế Mỹ lẫn Châu Âu được cho là sẽ chống chịu tốt với những thách thức hiện nay, từ lạm phát cho đến nguy cơ khủng hoảng.

Cuối cùng, Bain&Co nhận định thị trường xa xỉ Ấn Độ sẽ tăng gấp 3,5 lần so với hiện nay vào năm 2030 do dân số cũng như kinh tế tăng trưởng mạnh.

 LVMH vs H&M: Khi ngành xa xỉ đánh bại thời trang ‘ăn liền’ trong khủng hoảng - Ảnh 2.

Đồng quan điểm, tờ Financial Times (FT) nhận định ngành hàng xa xỉ cho giới nhà giàu có lẽ là mảng hiếm hoi chống chịu lại được với khủng hoảng kinh tế. Trong khi doanh số bán lẻ đi xuống, thị trường chứng khoán mất 20% giá trị trong năm 2022 thì chi tiêu cho ngành xa xỉ vẫn tăng mạnh.

“Với giới siêu giàu, việc giảm chi tiêu từ 100.000 USD/tháng xuống 80.000 USD/tháng chẳng thay đổi gì nhiều khi nền kinh tế khó khăn. Trong khi đó người giàu thì có quá nhiều nên thị trường hàng xa xỉ vẫn có nhu cầu cao”, CEO Milton Pedraza của Viện hàng xa xỉ “Luxury Institute” nhận định.

Ở một khía cạnh khác, báo cáo của Bain&Co cho thấy lượng khách hàng Gen Y (Millennial-sinh trong khoảng 1980-2000) và Gen Z (1997-2012) là đối tượng chi tiêu chủ yếu. Tuy nhiên từ nay đến năm 2030, các khách hàng Gen Z và Gen Alpha (sinh sau năm 2010) sẽ tăng chi tiêu nhanh gấp 3 lần so với những thế hệ khác trong mảng hàng xa xỉ, qua đó chiếm 1/3 tổng thị trường.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là do thế hệ Gen X tiếp xúc và mua hàng xa xỉ sớm hơn Gen Y 3-5 năm, ngay từ lúc 15 tuổi so với 18-20 tuổi trước đây. Tương tự, Gen Alpha cũng được cha mẹ mua hàng xa xỉ từ bé, qua đó mở rộng độ tuổi tệp khách hàng của ngành này.

*Nguồn: FT, Quartz

Tin mới

Sedan hạng B rầm rộ giảm giá đẩy doanh số: Hyundai Accent, Toyota Vios lập đáy mới - giá thấp nhất chỉ từ 400 triệu đồng, rẻ ngang Kia Morning
5 giờ trước
Hyundai Accent, Toyota Vios hay Honda City đang nhận hàng loạt chương trình ưu đãi tại đại lý. Mức giảm tiền mặt và khuyến mãi phụ kiện lên đến hàng chục triệu đồng.
Sốc vì vé máy bay sang Châu Âu không đắt hơn chặng nội địa là bao, đi Úc cũng chỉ có 6 triệu khứ hồi
4 giờ trước
Cùng ngày, cùng thời điểm, cùng hãng vậy mà giá vé máy bay từ TP.HCM đi Thái Lan còn rẻ hơn từ TP.HCM ra Hà Nội, khiến du khách Việt đổ xô xuất ngoại du lịch dịp lễ 30/4 - 1/5.
Không chỉ bán xe, VinFast sắp bán 1 thứ được nhiều “ông lớn” theo đuổi, có thể thu về hàng tỷ USD
3 giờ trước
Theo chia sẻ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, VinFast sẽ bán thứ này không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác.
Chuyên gia: Ngay khi mua flagship Samsung, đừng lấy thêm thứ này vì 'có vấn đề'
3 giờ trước
"Cảnh báo" này đến từ trang tin công nghệ uy tín GSM Arena.
"Không thể tin nổi": Ngay tại quê nhà, người Hàn Quốc giờ đây mê iPhone hơn cả điện thoại Samsung?
2 giờ trước
Khi ngày càng mất nhiều người dùng ở Trung Quốc vì Huawei, Apple có thể được an ủi khi iPhone đang được nhiều người Hàn Quốc ưa chuộng hơn.

Tin cùng chuyên mục

Nóng: Novaland đạt thỏa thuận gia hạn 2 lô trái phiếu đầu tiên
24/03/2023 12:39
Lần đầu tiên, Novaland đạt thỏa thuận với trái chủ trong việc gia hạn thời gian đáo hạn với 2 lô trái phiếu có tổng giá trị 1.750 tỷ đồng.
Startup xe đạp trợ lực Wiibike của nữ CEO xinh đẹp từng được Shark Phú "săn đón" hiện kinh doanh ra sao?
24/03/2023 10:47
Sau 1 năm lên sóng Shark Tank mùa 4, Startup Wiibike của nữ CEO xinh đẹp Thu Hằng đã tăng doanh thu hơn 6 lần. Công ty này cũng mở nhượng quyền mô hình cà phê xe đạp.
Cơn đau đầu của Starbucks: Khách hàng chỉ 'tự thưởng' ly cà phê giá 100.000 đồng 1 lần/tuần, chịu thua trước những chuỗi bán giá 17.000 đồng/ly
24/03/2023 09:39
Starbucks đang ở trong cuộc chiến giá khốc liệt khi cà phê của họ được liệt vào dạng "bán xa xỉ".
Con đường nào đưa Toshiba từ biểu tượng về thiết bị điện tử, năng lượng hạt nhân... đến bán mình, hủy niêm yết?
24/03/2023 09:02
Không chỉ tại Việt Nam mà ở nhiều nơi trên toàn thế giới, cái tên Toshiba là sự đảm bảo cho chất lượng của những sản phẩm điện máy. Với lịch sử gần 150 năm tuổi, Toshiba đã gây dựng được thương hiệu của mình ở khắp nơi.