Muốn phát triển thị trường xuất khẩu ngành hàng chủ lực, Việt Nam cần làm gì?

19/04/2025 08:41
Việt Nam ngày càng có nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đạt kim ngạch tỷ USD, theo chuyên gia, cần có chiến lược để phát triển bền vững những ngành hàng mũi nhọn này.

Làm chủ nguyên liệu, tăng chất lượng sản phẩm

Theo nhận định của TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, hiện việc phát triển thị trường xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực chưa thực sự bền vững và dễ bị thương tổn bởi những thay đổi của môi trường quốc tế cũng như thay đổi chính sách của các thị trường nhập khẩu.

Và một trong những hạn chế của quá trình này là Việt Nam chưa thực sự chủ động được nguồn cung nguyên vật liệu.

Muốn phát triển thị trường xuất khẩu ngành hàng chủ lực, Việt Nam cần làm gì? - Ảnh 1

Việt Nam cần làm chủ nguyên liệu để nâng cao giá trị thay bằng việc chỉ gia công. (Ảnh minh họa).

“Việc phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu và sản xuất gia công là hạn chế lớn đối với mục tiêu phát triển bền vững các ngành hàng chủ lực. Nếu không đủ nguyên vật liệu thì doanh nghiệp khó đáp ứng được tiến độ đơn hàng, có thể bỏ lỡ nhiều thời cơ vàng trong xuất khẩu .

Ngoài ra, doanh nghiệp cần phải chủ động sản xuất được nguyên liệu thì mới đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ, nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu và tận dụng được những ưu đãi về thuế, nhất là khi tham gia các hiệp định thương mại tự do” , ông Bình nói

Muốn phát triển thị trường xuất khẩu ngành hàng chủ lực, Việt Nam cần làm gì? - Ảnh 2

Nếu không đủ nguyên vật liệu thì doanh nghiệp khó đáp ứng được tiến độ đơn hàng, có thể bỏ lỡ nhiều thời cơ vàng trong xuất khẩu . - TS Lê Duy Bình

Vì thế, theo ông Bình, doanh nghiệp cần phát triển nguồn cung nguyên vật liệu sản xuất các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, dệt may , giày dép…để từng bước giảm nhập khẩu nguyên liệu đầu vào.

Sau khi đã chủ động được nguồn cung nguyên vật liệu, doanh nghiệp cũng cần phải có chiến lược tạo ra nguồn cung ổn định và chất lượng, vừa giúp doanh nghiệp đảm bảo được tiến độ các đơn hàng vừa đảm bảo được chất lượng sản phẩm đầu ra.

“Nguyên liệu đầu vào nếu được sản xuất trong nước sẽ mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì nó vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động vừa khẳng định nguồn gốc xuất xứ hàng hoá tại Việt Nam, đảm bảo quy định của nhiều đối tác quốc tế”, TS Bình nhận định.

Đặc biệt, ông Bình phân tích thêm, đây cũng là cách để chứng minh hàng hóa Việt Nam không bán phá giá, do nguyên vật liệu được sản xuất trong nước cùng với giá nhân công tương đối thấp đã cấu thành mức giá xuất khẩu phù hợp.

“Về lâu dài, điều này sẽ giúp Việt Nam giảm thiểu rủi ro do điều tra phòng vệ thương mại”, ông nói.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong lại nhấn mạnh vai trò của việc tăng chất lượng, giá trị cho hàng xuất khẩu .

Theo ông Phong, muốn phát triển bền vững thị trường xuất khẩu những ngành hàng chủ lực thì bản thân những mặt hàng này phải đảm bảo chất lượng để cạnh tranh sòng phẳng với hàng hóa của các nước khác. Khi đã đảm bảo chất lượng rồi thì dễ dàng tăng giá trị sản phẩm và chinh phục được bất cứ thị trường nào.

Muốn như vậy, doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng một cách bền vững bằng việc cải tiến sản phẩm, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, đáp ứng được xu hướng hiện nay là sản phẩm sạch, xanh, thân thiện với môi trường.

Về dài hạn, doanh nghiệp cần đầu tư xây dựng và khẳng định thương hiệu, nâng cao giá trị hàng xuất khẩu . Vì xu hướng của người tiêu dùng trên thế giới ngày nay là người mua luôn hướng đến những sản phẩm có thương hệu, độ uy tín và chất lượng cao. Khi đã chiếm lĩnh được niềm tin người tiêu dùng rồi thì mới có thể bảo vệ mục tiêu phát triển mạnh thị trường xuất khẩu ngành hàng chủ lực.

Mở rộng ngay thị trường xuất khẩu

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để không phụ thuộc vào bất cứ thị trường nào được nhiều chuyên gia đánh giá là biện pháp cấp thiết nhất nhằm thực hiện chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu ngành hàng chủ lực.

Các chuyên gia cảnh báo, Việt Nam vẫn đang phụ thuộc chủ yếu vào một số thị trường xuất khẩu lớn. Vì vậy, khi các quốc gia này rơi vào giai đoạn khủng hoảng hoặc thay đổi chính sách nhập khẩu, thuế quan thì hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đối mặt với những cú sốc lớn, thậm chí nguy cơ bị gián đoạn.

Muốn phát triển thị trường xuất khẩu ngành hàng chủ lực, Việt Nam cần làm gì? - Ảnh 3

Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. (Ảnh minh hoạ).

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam, dẫn chứng: Chẳng hạn những mặt hàng chủ lực của Việt Nam nếu phụ thuộc quá nhiều vào thị trường lớn như Mỹ thì sẽ gặp rủi ro rất lớn khi nước này có những thay đổi đột ngột về chính sách hoặc thuế quan. Và khi những mặt hàng này bị ảnh hưởng về quá trình xuất khẩu thì sẽ tác động rất tiêu cực đến kết quả xuất khẩu của nền kinh tế nói chung và đến mục tiêu phát triển thị trường xuất khẩu ngành hàng chủ lực nói riêng.

“Không chỉ là Mỹ mà bất kỳ thị trường nào khác cũng có thể thay đổi chính sách, trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu đang gia tăng. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận trong dài hạn của doanh nghiệp và cả nền kinh tế, vì thế bắt buộc phải nhanh chóng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu ”, đại biểu Huân cảnh báo.

Đại biểu Huân khuyến nghị Việt Nam nên đàm phán và ký kết thêm nhiều hiệp định thương mại với các nước khác để mở rộng khả năng tiếp cận thị trường và giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường lớn, từ đó bình ổn hóa các cơ hội xuất khẩu .

Đồng tình với ý kiến trên, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhấn mạnh thêm rằng cơ sở để mở rộng thị trường cũng phải dựa vào khả năng của từng doanh nghiệp trong bối cảnh cụ thể. Ví dụ những doanh nghiệp nhỏ và vừa nên chọn những thị trường ít có tính rủi ro hơn và có tính ổn định hơn như EU, Nhật Bản, ASEAN, châu Phi…

Muốn phát triển thị trường xuất khẩu ngành hàng chủ lực, Việt Nam cần làm gì? - Ảnh 4

Cơ sở để mở rộng thị trường cũng phải dựa vào khả năng của từng doanh nghiệp trong bối cảnh cụ thể - TS Nguyễn Bích Lâm

Ông Lâm lấy dẫn chứng ngành da giày, với mục tiêu năm 2025 là đạt kim ngạch khoảng 29 tỷ USD, tăng trưởng 10% so với năm 2024 và ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 47 - 48 tỷ USD (tăng 3 - 4 tỷ USD so với năm 2024).

Ngoài những thị trường chính yếu như Mỹ, EU, Trung Quốc thì những ngành hàng chủ lực này phải cố gắng mở rộng sang thị trường Nam Mỹ và Trung Đông. Doanh nghiệp cần phải đề phòng những thị trường lớn thường hay có chính sách phát triển riêng. Chẳng hạn như chính quyền Mỹ luôn hướng đến “thương mại công bằng”, có nghĩa là làm sao giảm được thâm hụt thương mại càng nhiều càng tốt. Vì thế “ông lớn” này rất có thể thay đổi thuế quan để đạt được điều này.

PGS.TS Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội, cũng bày tỏ quan điểm, để phát triển thị trường xuất khẩu ngành hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may , da giày, đồ gỗ, nông lâm thủy sản…thì bắt buộc phải mở rộng và đa dạng thị trường. Tức là khách mua càng nhiều, càng đa dạng thì cơ hội giữ vững và mở rộng thị phần càng lớn.

Để làm được điều này, bà Yến cho rằng doanh nghiệp cần tranh thủ sự trợ giúp của các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, hình thành đại diện của doanh nghiệp, hiệp hội ở các thị trường mới và xác định kênh phân phối nào tốt nhất để kết nối như siêu thị, nhà nhập khẩu, nhà phân phối, hoặc đại lý tại nước ngoài...

Mặt khác, doanh nghiệp phải tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương quốc tế để tăng cơ hội tìm kiếm thị trường mới phù hợp.

“Đặc biệt, khi tìm được các nhà nhập khẩu tiềm năng, doanh nghiệp Việt cần tìm hiểu kỹ các quy định, tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa của họ để tuân thủ và thực thi hiệu quả”, bà Yến nói.

Theo số liệu của Cục Thống kê, quý I/2025, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 202,52 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 17,0%.

Có 18 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 84,5% tổng kim ngạch xuất khẩu , trong đó có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, đó là: Điện tử, máy tính và linh kiện; Điện thoại các loại và linh kiện; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; Hàng dệt, may; Giày, dép.

Tin mới

Điện thoại gập không còn là "đồ chơi nhà giàu": Galaxy Z Fold7 và Flip7 khiến người Việt chịu chi hơn bao giờ hết, xếp hàng từ tận 7 giờ sáng để mua máy mới
7 giờ trước
Ngày 26/7, dòng Galaxy Z series thế hệ mới chính thức mở bán tại Việt Nam, nhưng không đơn thuần là chuyện mở bán, sự kiện này cho thấy người dùng đã dần sẵn sàng nâng cấp sang điện thoại gập. Điều gì khiến hàng loạt khách hàng xếp hàng nhận máy sớm?
Cấm xe máy chạy xăng, cây xăng có thể chuyển thành trạm sạc xe điện?
6 giờ trước
Một số doanh nghiệp cho biết việc chuyển từ cửa hàng xăng dầu sang trạm sạc xe điện lo nhất là hiệu quả kinh tế.
1 mặt hàng Made in China tràn vào ồ ạt khiến gã khổng lồ của Nga ế hàng ngay trên sân nhà
7 giờ trước
Do giảm doanh số nên gã khổng lồ của Nga dự kiến sẽ chuyển sang chế độ làm việc 4 ngày/tuần.
Một thương hiệu băng vệ sinh vướng nghi vấn chứa chất gây ung thư vượt ngưỡng cho phép 16.000 lần
8 giờ trước
Loạt sản phẩm băng vệ sinh của thương hiệu này bị phát hiện chứa hàm lượng cực cao thio-urea, chất bị nghi có nguy cơ gây ung thư và tổn hại nội tạng.
Nhà xuất khẩu LNG lớn thứ 3 thế giới bất ngờ đe dọa cắt nguồn cung khí đốt của châu Âu, chuyện gì đang xảy ra?
8 giờ trước
Đây là cứu tinh năng lượng cho châu Âu kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra.

Tin cùng chuyên mục

Mazda CX-5 thế hệ mới 'rục rịch' đến Indonesia năm 2026, sẽ về Việt Nam nhưng muộn hơn vì lý do này
1 ngày trước
Mazda CX-5 thế hệ mới nhiều khả năng sẽ có mặt ở Indonesia vào cuối năm 2026.
Hãng Việt có 2 nhà máy ở Lạng Sơn bán xe điện giá 20 triệu, đổi pin ở trạm khắp Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng
1 ngày trước
Thay vì chờ sạc vài tiếng, người dùng chỉ mất vài phút ở trạm đổi là có pin đầy.
Người Indonesia trầm trồ vì thiết kế mạnh mẽ, đậm chất châu Âu của VinFast VF 7
1 ngày trước
“Thể thao”, “phong cách”, “tương lai”, mang đậm màu sắc châu Âu và lý tưởng dành cho gia đình là những gì khách hàng tại Indonesia mô tả về mẫu xe VF 7 ở Triển lãm Ô tô Quốc tế Gaikindo Indonesia 2025.
Ở Việt Nam có chiếc xe đi 1 km 'đánh rơi' hơn 2 triệu đồng, đi chưa tới 5.000 km đã rớt giá gần 40%
2 ngày trước
Người bán khẳng định mua chiếc xe này "tiết kiệm được rất nhiều tiền".