9 tháng đầu năm, tiêu dùng sữa trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cho thấy một sự chững lại, điều nay thực tế gây nhiều khó hiểu cho chuyên gia, cũng như người trong ngành nói chung. Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh trong nước trải qua 3 quý đầu năm kinh doanh giảm nhiệt, đơn cử Sữa Mộc Châu ghi nhận doanh số tiêu thụ giảm, con số Hanoimilk thì gần như đi ngang cùng kỳ. Hay với "ông lớn" Vinamilk (VNM), câu chuyện cũng không khá hơn là bao, được biết riêng năm 2018 đơn bị này đề ra kịch bản tăng trưởng ở mức thấp nhất là 5%.
Tại VNM, mục tiêu mặc định chia làm 3 mức tăng trưởng: (i) tăng trưởng cao là 10%, (ii) tăng trưởng trung bình là 7% và (iii) tăng trưởng thấp là 5%. Năm 2018, VNM vẫn chỉ dừng lại kỳ vọng ở mức tăng trưởng thấp, tức đạt 5% không được như mọi năm, thậm chí có năm đạt đến 10%. Không ai nghĩ tiêu dùng năm nay đi xuống, do vậy năm nay lợi nhuận sẽ không đạt mức tăng trưởng 4%, đại diện Công ty từng chia sẻ.
Xu hướng tiêu dùng đang quay lại, mức tăng trưởng năm 2019 sẽ cao hơn
Mặc dù vậy, ghi nhận 3 quý đầu năm, tăng trưởng bán ra VNM có đạt được, tuy doanh số nhập vào có giảm so với cùng kỳ nhưng chiều ngược lại bán ra tăng. Điều này được lý giải một phần bởi VNM tăng được thị phần, một nguyên nhân khác nhiều khả năng xu hướng tiêu dùng đang trở lại. Đặc biệt trong quý cuối năm nay, chỉ mới dăm 10 ngày đầu VNM ghi nhận tăng trưởng tốt cả 2 chiều nhập vào và bán ra, so với tháng trước và so với cả cùng kỳ năm ngoái. Điều này theo đại diện VNM – bà Mai Kiều Liên - rất đáng ghi nhận, bởi thông thường đầu tháng cái bán hàng không bằng thời điểm giữa và cuối tháng vì nhân viên thường chỉ lo hoàn thành KPIs vào những ngày cuối tháng.
"Chúng tôi nghĩ là bắt đầu tín hiệu tiêu dùng đã trở lại, hy vọng này mong sẽ kéo dài từ quý 4/2018 và tiếp tục phục hồi đến năm 2019", nữ tướng nói. Riêng tại VNM tính đến nay tất cả nhóm sản phẩm đều tăng trưởng hoặc không, có nghĩa là trong xu hướng giảm thì ngành hàng của VNM không có đơn vị nào đi lùi, đây cũng là kết quả của việc tăng thị phần. VNM dự báo, khác với mọi năm kinh doanh thường chậm vào quý 3-4 (điển hình năm 2017 lợi nhuận thời gian này VNM rất thấp, chỉ đạt đâu đó 2.000 tỷ), quý cuối năm nay bối cảnh sẽ khá hơn và VNM đang cố gắng trong vòng 3 tháng tới. Hơn nữa, trong dự báo xu hướng tiêu dùng bắt đầu tăng, mọi người bắt đầu quay lại dùng sữa thì mức tăng trưởng năm 2019 sẽ cao hơn.
Thị trường 1,4 tỷ dân - Miền đất hứa!
Không dừng lại nội địa, thị trường quốc tế cũng đang được nhiều doanh nghiệp chú trọng. Đặc biệt, thông tin liên quan đến việc hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc về ngành sữa từ cuối năm 2017 được quan tâm. Khi mà, dư địa xuất khẩu sữa sang Trung Quốc là rất lớn với số dân đông 1,3-1,4 tỷ dân.
Chưa kể, hiện nay ở quốc gia này, sau khi xảy ra vụ sữa bột nhiễm melanine chính người dân Trung Quốc nghi ngại khi sử dụng sữa trong nước, chất lượng bò sữa cũng có vấn đề do đồng cỏ bị ô nhiễm.
Chi tiết, năm 2008, Trung Quốc đã đối mặt vụ bê bối sữa nhiễm chất melamin. Bê bối này không phải là duy nhất, chính phủ Trung Quốc đã cố gắng khôi phục niềm tin của người tiêu dùng bằng việc đưa ra những quy định về sản xuất sữa được cho là chặt chẽ nhất thế giới. Sản phẩm đưa ra thị trường phải vượt qua bài kiểm tra an toàn của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc (FAD). Sau khi có quy định này, gần 2/3 sản phẩm sữa công thức cho trẻ em bị cấm lưu hành. Đến nay, FAD chỉ chấp thuận 940 sản phẩm sữa công thức cho trẻ sơ sinh được bán trên thị trường (trước đó, con số là hơn 2.300).
Đến nay, FAD chỉ chấp thuận 940 sản phẩm sữa công thức cho trẻ sơ sinh được bán trên thị trường (trước đó, con số là hơn 2.300).
Trong một lần chia sẻ gần đây, nói về việc ký kết hai bên, bà Liên phân trần thời gian khi nào nghị định trên được được ký kết thì phụ thuộc phần lớn vào nước bạn, doanh nghiệp nội địa chúng ta chỉ việc chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng. "Theo thông tin VNM có được, khác với những thương vụ khác thường ký kết chung cho tất cả mặt hàng sữa, gạo… thì lần này Trung Quốc sẽ xem xét ký kết riêng mặt hàng sữa trước. Còn VNM thì đã sẵn sàng mọi công tác", người đứng đầu VNM nói thêm.
Thực tế, VNM đã và đang tập trung xuất khẩu sữa chua sang Trung Quốc. Đặc biệt, thời gian qua lãnh đạo cùng cán bộ bên Trung Quốc đã có chuyến thăm nhằm kiểm tra chất lượng, đánh giá các doanh nghiệp sữa Việt nam, trong đó có VNM và gần như họ không có ý kiến cần cải thiện điều gì.
Một "ông lớn" khác, THTruemilk mới đây cũng chia sẻ "Để cung ứng sữa tươi cho thị trường Trung Quốc, Tập đoàn TH đã có kế hoạch phát triển đàn bò sữa, đa dạng hóa các sản phẩm sữa phù hợp với khẩu vị và đặc thù tiêu dùng". Hiện Trung Quốc mở cửa cho các sản phẩm sữa với thành phần sữa tươi nguyên liệu dưới 80%, bởi vậy, TH đang xuất khẩu các sản phẩm sữa chua ăn, sữa chua uống, sữa hạt TH true NUT. Tới đây, khi Hiệp định xuất khẩu sản phẩm sữa giữa Việt Nam và Trung Quốc (Protocol) được ký kết, tập đoàn TH tiếp tục triển khai xuất khẩu các sản phẩm sữa tươi thanh trùng, tiệt trùng và các dòng sản phẩm sữa tươi công thức.
Không kém cạnh VNM, TH cũng đã có công ty chi nhánh thực hiện việc phân phối sản phẩm tại Quảng Châu, trong đó triển khai hợp tác với các chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn như C- Store (chuỗi 420 cửa hàng); Circle -K (chuỗi 76 cửa hàng). Cùng với đó, TH đã xây dựng hệ thống nhà phân phối ở Thâm Quyến, Quảng Tây và Hong Kong. Mục tiêu tiếp theo của Tập đoàn TH là mở rộng hệ thống phân phối tại Bắc Kinh và Thượng Hải.
Nhà phân phối sỉ đi tìm cơ hội đầu tư khác
Trở lại với mức tiêu thụ từ đầu năm đến nay, chia sẻ về dấu chấm hỏi ngành sữa giảm nhiệt, bà Liên cho biết: "Năm nay thực sự tiêu thụ sữa Việt Nam và cả thế giới chững lại, lý giải thì nhiều người có nói là bây giờ có quá nhiều thứ để tiêu dùng, chứ không riêng mặt hàng sữa. Vì thế cho nên không riêng VNM mà ngay cả thương hiệu Pháp nổi tiếng Danone – một công ty đa quốc gia với mức tiêu thụ sữa lớn nhất nhì thế giới - cũng chia sẻ tổng tiêu thụ giảm đến 6% sau 9 tháng đầu năm".
Bà Mai Kiều Liên: "Trong một xu hướng giảm, người tiêu dùng giảm tiêu thụ cộng thêm hệ thống phân phối như vậy thì nó ảnh hưởng đến VNM".
Đối với Việt Nam, khi quý 1 đi qua VNM cũng hơi ngạc nhiên, và sau khi có kết quả báo cáo của các công ty độc lập thì thấy rõ ràng xu hướng tiêu dùng sữa ở cả thành thị lẫn nông thôn đều giảm. Ngồi lại hạ hồi phân giải, bà Liên cho biết nhận thấy thị trường sữa chúng ta mười mấy năm nhu cầu sữa luôn tăng, và mức tăng này phù hợp với xu hướng chung cả thế giới, đặc biệt riêng nước ta thì mức tiêu dùng trên đầu người vẫn còn rất thấp. Vậy, trở lại câu hỏi tại sao tiêu thụ sữa Việt Nam giảm?
Việc đầu tiên là đi kiếm nguyên nhân, VNM mới phát hiện ra một sự trùng hợp. Chi tiết, thời điểm năm 2006-2007, chứng khoán bùng nổ, bất động sản bùng nổ… theo đó tất cả các nhà phân phối đặc biệt là điểm bán sỉ lớn họ bắt đầu không quan tâm phân phối. Không biết các ngành khác thế nào, tuy nhiên riêng ngành sữa thì các nhà bán sỉ lớn lúc bấy giờ có thể lấy vốn 400-500 triệu đồng trong vòng 1 tuần đi mua bất động sản có thể thu về mức lời gấp đôi. Như vậy, chính kênh phân phối đã đi tìm những cơ hội đầu tư mới, đến hôm nay thì câu chuyện 10 năm trước đang lặp lại?
Riêng tại hệ thống phân phối của VNM, ngày xưa thì gần như khoảng 80-90% là bán lẻ, và chỉ còn 10-20% là bán sỉ, số lượng bán sỉ như vậy được xem tương đối lớn. Và hệ thống bán sỉ mà không tập trung phân phối, lúc đó Công ty sẽ bị ảnh hưởng. Phân tích lại như vậy để thấy rằng số lượng hàng mà kênh bán sỉ phân phối giảm nó đã ảnh hưởng đến doanh số.
Tựu trung lại, trong một xu hướng giảm, người tiêu dùng giảm tiêu thụ cộng thêm hệ thống phân phối như vậy thì nó ảnh hưởng đến doanh nghiệp.