Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (Mã: SBT) vừa tổ chức Hội nghị các nhà phân tích từ các công ty chứng khoán và quỹ đầu tư nhằm cập nhật kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh bán niên 2017 - 2018, bức tranh hiện trạng ngành mía đường và chiến lược kinh doanh trong thời gian sắp tới.
Giá đường thế giới tiếp tục trong chu kỳ giảm
Bà Trần Quế Trang, Phó Tổng giám đốc thường trực cho biết niên độ 2017 - 2018, ngành đường thế giới ở chu kỳ dư thừa với mức dư thừa khoảng 6 triệu tấn, tăng 8% so với năm trước. Theo thông tin cập nhật mới nhất, con số dư thừa này có thể lên tới 9 triệu tấn.
Nguyên nhân của sự dư thừa trên có thể kể đến từ việc Ấn Độ tăng sản xuất từ 20 triệu tấn lên 26 triệu tấn, tức tăng 30% trong niên vụ 2016 - 2017; các nước EU cũng tăng sản lượng 3 - 4 triệu tấn.
Ngoài ra, Thái Lan đang xem xét bãi bỏ chính sách bảo hộ ngành đường theo Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) nhưng để dàn xếp việc này, chính phủ Thái Lan lại đang tìm một số cách bảo hộ khác. Ở Trung Quốc, Chính phủ tiếp tục giữ mức giá nội địa cao để bảo hộ đường trong nước, mở thêm cơ chế nhập khẩu đường từ các nước không sản xuất đường từ mía. Như vậy bối cảnh chung là các quốc gia tiếp tục bảo hộ ngành đường trong nước.
Với các dự báo trên, giá đường thế giới 2017 – 2018 sẽ tiếp tục trong chu kỳ giảm. Giá đường đang ở mức 12,5 – 13 cents. Theo đánh giá, mức giá này khó phục hồi trong 2018. Dự kiến 2019 còn một đợt giảm giá nữa và phục hồi vào 2020. Chu kỳ giảm giá ngành đường trong 3 năm, hiện đang trong chu kỳ giảm.
Trong bối cảnh đó, ngành đường Việt Nam sẽ sản xuất 1,3 triệu tấn vào niên độ 2017 - 2018, tăng gần 200.000 tấn so với niên độ trước và phân bổ ở khắp 3 miền nhưng miền Trung - Tây Nguyên được xem là vựa đường chính của cả nước, chiếm gần 50%. Đây cũng là khu vực SBT tăng vùng nguyên liệu và tập trung sản xuất.
Bà Trang đánh giá Hiệp định CPTPP không ảnh hưởng tới ngành đường, Hiệp định ATIGA chưa có thông tin chính thức về thời điểm thực thi. Bà cho rằng giới chuyên môn và Hiệp hội mía đường đều thống nhất ngành đường là ngành buộc phải bảo hộ để đảm bảo tính cân bằng. Như đã nói, các quốc gia khác cũng đang gia tăng bảo hộ ngành đường trong nước.
Trong bối cảnh chung của chu kỳ giảm, ngành đường Việt Nam còn nhiều điểm sáng. Quy mô kinh tế và quy mô dân số tăng là động lực tiêu thụ đường, trong khi mức tiêu thụ đường bình quân của người Việt còn thấp, khoảng 16 kg/người/năm trong khi của Thái Lan là 37 kg/người/năm, EU là 38 kg/ng/năm, Mỹ 48 kg/người/năm. Nhu cầu tiêu thụ cũng được dự báo sẽ đạt 1,8 - 2 triệu tấn/năm và đạt tối đa 3 triệu tấn/năm vào 2026.
Tồn kho SBT thấp hơn 27% năm trước
Bà Trang cho biết tính đến tháng 3/2018, SBT có lượng tồn kho là 150.000 tấn đường, chiếm 37% tổng tồn kho của cả nước. Tuy nhiên, con số tồn kho này vẫn thấp hơn 27% so với cùng kỳ năm trước.
Bà Trang giải thích, đặc thù của ngành đường VN là sản xuất trong 6 tháng nhưng tiêu thụ tới 1 năm. Việc tồn kho của ngành là bình thường, không phải là tồn kho không bán được. Trước đây, do tập quán kinh doanh cung thấp hơn cầu, các thương lái đã mua sẵn đường sau khi kết thúc niên vụ, các nhà máy đóng máy, đường đã hết tại kho nên có thể hiểu tồn kho nằm ở các thương lái. Gần đây, khi đường Thái Lan không chênh giá nhiều so với đường Việt Nam, các thương lái không còn tích trữ đường nên đường nằm tồn kho tại các nhà máy. Vì vậy, tồn kho ngành đường chỉ đang chuyển từ dạng này qua dạng khác mà thôi. Về bản chất, tồn kho của SBT đang thấp hơn cùng kỳ năm trước.
Đến năm 2020, SBT đặt mục tiêu sản xuất 1,1 triệu tấn đường, chiếm hơn 50% thị phần đường Việt Nam và tăng trưởng 100% so với hiện tại. Sản lượng tiêu thụ bình quân tăng 37%/năm và doanh thu tăng bình quân 28%/năm.
Cụ thể, doanh thu đến 2020 đạt 16.526 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.180 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt 32.075 tỷ đồng với vốn điều lệ 6.500 tỷ đồng. ROE ước đạt 12%.
Để đạt được các chỉ tiêu này, SBT dự kiến nâng tổng diện tích lên 60.534 ha với tổng công suất 49.600 tấn mía/ngày. Tổng sản lượng đường sản xuất của SBT sẽ chiếm khoảng 40% so với cả nước.
Đặc biệt, SBT lên kế hoạch giảm chi phí mía tiệm cận với chi phí của Thái Lan, tức giảm 1.050 bath/tấn, tương đương khoảng 700.000 đồng/tấn. Ngoài ra, SBT cũng tăng năng suất vùng tồng từ 68 tấn/ha lên 78 tấn/ha niên vụ 2020 - 2021.