TS Nguyễn Trí Hiếu: Vì dịch Covid-19,Chính phủ cần “bơm” tiền trực tiếp vào nền kinh tế

31/03/2020 17:11
(Dân Việt) "Các thành phần kinh tế, kể cả người dân đang “đuối sức” và rất cần được bơm tiền trực tiếp để có sức vượt qua đại dịch Covid-1", TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, cho rằng nên có gói hỗ trợ trực tiếp như cách làm của Chính phủ Mỹ. Đó là “bơm” thẳng tiền vào nền kinh tế, vào cho người dân thông qua ngân sách Chính phủ. Còn nếu cứ đợi hỗ trợ từ gói tín dụng 285 nghìn tỷ thì không đủ.

ts nguyen tri hieu: vi dich covid-19,chinh phu can “bom” tien truc tiep vao nen kinh te hinh anh 1

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế - tài chính (Ảnh: IT)

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề, ông đánh giá thế nào về những nỗ lực cũng như các giải pháp mà Chính phủ đưa ra gần đây, để vực dậy nền kinh tế?

- Trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, tôi cho rằng Chính phủ đã làm rất tốt trên cả hai mặt trận là vừa chống dịch bệnh vừa đảm bảo phát triển kinh tế. Quyết tâm thực hiện 2 chiến lược kép "vừa chống dịch vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng" vừa qua có thể giúp giữ vững niềm tin cho người dân và doanh nghiệp để họ cố gắng bám trụ sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Chính phủ thực hiện loạt giải pháp giãn, giảm thuế, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, đồng thời gia hạn hoặc miễn giảm lãi vay, tung các gói vay lãi suất tốt... đã được triển khai khá bài bản.

Hiệu quả của các giải pháp này trước hết là tránh gây tâm lý hoang mang, hoảng loạn, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân với cộng đồng trong việc chống dịch và phát triển kinh tế.

Trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ cần làm sao giữ ổn định sản xuất, ổn định hoạt động của doanh nghiệp cũng như đảm bảo việc làm cho người dân. Đồng thời cố gắng hạn chế tối đa tình trạng phá sản xảy ra hàng loạt để khi dịch bệnh đi qua sẽ dễ giúp nền kinh tế phục hồi. Tôi tin là Chính phủ đang đi đúng hướng.

Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các gói kích thích kinh tế được chính phủ nhiều nước tung ra, thậm chí có nước còn tặng tiền mặt để người dân chi tiêu. Theo ông, Việt Nam hiện nay có cần được hỗ trợ bằng các giải pháp đó?

- Cần nói rõ, hiện tại, chúng ta chỉ có gói 285 nghìn tỷ đồng mà Chính phủ đưa ra, sau khi có Chỉ thị số 11 của Thủ tướng. Gói 285 nghìn tỷ đồng này có 2 phần, gồm 250 nghìn tỷ thuộc về các ngân hàng, dưới sự quản lý của NHNN để yêu cầu các ngân hàng dùng vốn của mình tái cơ cấu, hỗ trợ các DN… Gói này chẳng có đồng nào của ngân sách cả, toàn là tiền của các NHTM thôi. Còn gói 35 nghìn tỷ thuộc về Bộ Tài chính được hỗ trợ cho các mục tiêu giãn thuế, hoãn thuế…

Nói chung gói 285 nghìn tỷ đồng này là cần thiết, là tốt cho nền kinh tế nhưng không đủ. Chính phủ cần phải có gói hỗ trợ “bơm” thẳng tiền vào nền kinh tế.

Tôi nghe nói ở TP.HCM, UBND thành phố này đã có quyết định hỗ trợ mỗi người lao động 1 triệu đồng. Đây là một cách làm rất hay, phải đưa tiền tận tay cho người dân và các DN. Hiện tại, rất nhiều người lao động đang mất việc làm, cuộc sống như treo  sợi chỉ vậy. Rồi có nhiều DN đã đóng cửa, tạm ngưng hoạt động, có DN thì sống cầm chừng… Với những DN như thế thì phải bơm một lượng tiền trực tiếp cho họ, bơm tiền dưới hình thức chẳng hạn như cho không, cho vay trong một thời gian ân hạn ít nhất trong năm nay. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính phải có gói hỗ trợ kinh tế trực tiếp chứ không thể đu theo gói 250 nghìn tỷ mà Chính phủ giao cho các ngân hàng được. Vì gói này các ngân hàng sẽ tùy theo khả năng của mình mà đóng góp, không thể làm như thế được, phải nên có gói trực tiếp hỗ trợ như Chính phủ Mỹ, họ đưa vào tận tay mỗi gia đình, hai vợ chồng 400 USD, mỗi đứa con 500 USD, chẳng hạn như thế…

Và cũng nên có những gói hỗ trợ trực tiếp cho DN, bên cạnh các vấn đề như hoãn thuế, giảm thuế; các ngân hàng cũng đồng thời giãm lãi suất, tái cơ cấu lại nợ…

Tóm lại là phải có kế hoạch để bơm tiền trực tiếp vào nền kinh tế thông qua ngân sách của Chính phủ.

Mới đây, Chính phủ đã đề xuất cho DN vay không lãi để trả lương cho nhân viên, ông đánh giá gì về phương án này?

- Cho DN vay không lãi là rất tốt và phải có một thời gian ân hạn, nghĩa là không có trả gốc ít nhất là cho tới cuối năm nay. Sau khi DN phục hồi rồi thì sẽ có chương trình trả nợ cho Chính phủ.

Hiện nay, có những DN nào đang lao đao, sống dở chết dở… bởi vì vấn đề hiện tại của tất cả nền kinh tế, các DN, ngân hàng… là vấn đề thanh khoản, tức là khả năng chi trả. Đó có thể là trả tiền thuê mặt bằng, trả tiền cho người lao động, trả tất cả chi phí hoạt động, kể cả trả nợ ngân hàng và thuế… đứng trước những gánh nặng như thế thì phải bơm thẳng tiền vào cho họ, giúp họ có tính thanh khoản, tức là còn giữ được khả năng trả nợ. Nếu DN họ mất thanh khoản thì sẽ chết ngay, bị đào thải và đi đến phá sản.

Theo ông, liệu Việt Nam có phải điều chỉnh các mục tiêu tăng trưởng trong thời gian tới?

- Dĩ nhiên phải điều chỉnh rồi, không thể giữ mục tiêu 6,8% như kế hoạch. Nên nhớ, Covid-19 đang tác động rất mạnh lên toàn cầu, riêng nền kinh tế Việt Nam cũng đang ảnh hưởng rất lớn, sản xuất kinh doanh đình trệ, công suất hiện tại nền kinh tế Việt Nam đang thấp hơn trước rất nhiều. Chưa có một báo cáo nào về công suất kinh tế Việt Nam giảm bao nhiêu, nhưng đa số cửa hàng đều đang đóng cửa, người dân, người lao động ở trong nhà không đi làm… rất nhiều công xưởng đang ngưng trệ. Trong một nền kinh tế như thế này, chúng ta không thể nào không điều chỉnh các mục tiêu kinh tế.

Chỉ có điều chưa ai dám điều chỉnh cả. Chính phủ cũng rất băn khoăn vì dịch bệnh mới đang ở trong giai đoạn bùng phát, chưa ai biết được điểm dừng của dịch bệnh là ở đâu cả. Ngay ở bên Hoa Kỳ, Chính phủ nước này cũng chỉ mới dự đoán điểm dừng của dịch bệnh nó ở đâu đó vào khoảng tháng 7, tháng 8, nhưng đó cũng chỉ mới là dự đoán, còn cao điểm của dịch bệnh thì chưa thể nói trước được. Thành ra tác  động của dịch bệnh là rất kinh khủng với kinh tế toàn cầu và cả ở Việt Nam.

Vì không thể đo lường được mức độ thiệt hại sẽ diễn biến thế nào nên Chính phủ có lẽ cũng đang phân vân trong vấn đề điều chỉnh lại các chỉ tiêu. Tất nhiên không thể nào không điều chỉnh được, đây là điều bắt buộc.

Tôi cho rằng có 2 kịch bản có thể xảy ra: Kịch bản thứ nhất, tăng trưởng ở mức 5% - thấp hơn mức 6,8% như mục tiêu đề ra. Và kịch bản xấu nhất, có thể là tăng trưởng âm.

Tăng trưởng âm như thế nào, bao nhiêu phần trăm thì tới thời điểm hiện tại chưa thể định đoán được, năm ngoái GDP đạt 267 tỷ USD, tính theo cách cũ, thì năm nay nếu trong kịch bản tăng trưởng âm thì GDP sẽ dưới 267 tỷ USD nữa. Thế nhưng, thời điểm này chưa thể nói trước được, chưa thể định đoán được kịch bản sẽ thế nào. Nếu có tăng trưởng, trong kịch bản tốt nhất thì cũng chỉ đạt mức 5% mà thôi…

Xin cảm ơn ông!

Tin mới

Xuất khẩu 8 triệu tấn mỗi năm nhưng Việt Nam cũng sắp trở thành nhà nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới mặt hàng cực quan trọng này
11 giờ trước
Việt Nam được dự báo sẽ xuất khẩu ít hơn và tăng nhập khẩu "hạt ngọ trời" trong năm 2025.
Bất ngờ tạm dừng đấu giá 6 lô đất của UBND TP.Quy Nhơn vì lý do rất "khó tin"
25 phút trước
Có 6 lô đất thuộc quỹ đất do UBND TP.Quy Nhơn (Bình Định) quản lý, buộc phải tạm dừng đấu giá, do nhân viên công ty đấu giá nhầm lẫn, dẫn tới sai sót.
So sánh khác biệt giữa VinFast VF3 và Wuling Mini EV
45 phút trước
Hai mẫu xe điện mini VinFast VF3 và Wuling Mini EV hiện là tâm điểm chú ý của người tiêu dùng Việt khi sở hữu mức giá rất dễ tiếp cận. Dưới đây là những so sánh về thông số kỹ thuật và trang bị đi kèm của hai mẫu xe này.
Bứt phá giới hạn: Xe điện Trung Quốc chinh phục 2.000km chỉ với một lần sạc - Bí ẩn công nghệ nào nằm sau?
2 giờ trước
Để thay thế hoàn toàn xe chạy bằng nhiên liệu truyền thống, xe điện cần quãng đường di chuyển dài hơn, tốc độ sạc nhanh hơn và trải nghiệm sử dụng an toàn hơn. Hiện tại, giải pháp tốt nhất là pin thể rắn. Về lý thuyết, pin thể rắn có thể cho phép xe điện có phạm vi lái xe hơn 2.000 km. Làm thế nào để đạt được mật độ lưu trữ như vậy?
Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cảnh báo "nóng" khi nguồn lực xã hội bị “chôn” vào nhà đất do đầu cơ, thổi giá
2 giờ trước
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội lo ngại, nguồn lực xã hội thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm lại bị "chôn" vào đất, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Tin cùng chuyên mục

Phó Thủ tướng: Đã đủ hồ sơ, điều kiện phê duyệt chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng yếu kém
2 giờ trước
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, đã chuẩn bị hồ sơ, điều kiện để xem xét phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống.
Giá USD hôm nay 20/5: Đồng bạc xanh "chôn chân" ở mốc 104
5 giờ trước
Giá USD hôm nay 20/5: Trên thế giới, chỉ số USD trụ vững mốc 104 kể từ giữa tuần trước tới nay vì đang gặp ngưỡng kháng cự quan trọng tại mốc 105. Trong nước, tỷ giá USD trên thị trường tự do bất ngờ tụt dốc không phanh.
‘Hyundai, Kia cần đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam để tránh phụ thuộc Trung Quốc và bị Mỹ áp thuế nặng’
10 giờ trước
Hyundai-Kia đang tìm cách mở rộng sản xuất bên ngoài Trung Quốc như một biện pháp phòng ngừa quy định mới có thể được chính phủ thông qua. Đáng chú ý, cái tên Việt Nam cũng được nhắc đến.
Tờ giấy ăn của Messi được bán đấu giá gần 1 triệu USD
1 ngày trước
Tờ giấy ăn mà Barcelona dùng để kí hợp đồng đầu tiên với Messi vừa được đấu giá thành công với số tiền gần 1 triệu USD.