NFT trở thành cơn sốt trên toàn cầu từ tháng 3/2021, khi tấm ảnh ghép kỹ thuật số Everydays: The First 5000 Days của nghệ sĩ Beeple (Mỹ) được mua với mức giá kỷ lục 69 triệu USD. Theo dữ liệu từ Google Trends, số lượt tìm kiếm NFT thậm chí còn vượt qua các chủ đề hot như tiền ảo, metaverse. Cuối năm 2021, Từ điển Collins còn tuyên bố NFT là Từ của năm 2021, cho thấy sự bùng nổ của xu hướng này trong ngành tiền tệ, công nghệ và nghệ thuật.
Vậy NFT là gì mà có sức hút lớn đến thế? NFT (Non Fungible Token) là một loại tài sản ảo không thể thay thế hay sao chép, thường được gắn với một tài sản thật. Thay vì mua một tác phẩm nghệ thuật ngoài đời, người dùng có thể sở hữu chúng trên Internet. Nhờ công nghệ blockchain, mỗi vật phẩm NFT được gán một mã xác thực duy nhất, không thể được sửa đổi và đảm bảo rằng chỉ có một chủ sở hữu tại một thời điểm.
Không giống như hệ thống tiền số, người dùng không thể đổi một NFT này lấy một NFT khác. Giá trị của NFT dựa vào sự hiếm có và độ độc đáo. Không chỉ hình ảnh, NFT còn có thể đại diện cho âm thanh, GIF hay video.
Về mặt công nghệ, việc tạo ra NFT khá đơn giản. Những người có kinh nghiệm chỉ mất vài phút để "đúc" vật phẩm NFT, tức là đưa vật phẩm này vào mạng lưới blockchain.
Cụ thể, ngoài các vật phẩm như đoạn âm thanh, phim hay ảnh, người tạo cũng cần chuẩn bị ví tiền số đi kèm một khoản phí nhỏ để đúc và chọn chuỗi khối để tạo token không thể thay thế. Trên một vài sàn giao dịch, các thao tác để tạo một token không thể thay thế chỉ tương tự như việc đăng tải hình ảnh, một đoạn phim hay tệp âm thanh lên mạng xã hội.
Ông Noah Davis, người đứng đầu bộ phận bán hàng kỹ thuật số tại Christie's, lạc quan về tương lai của NFT, đặc biệt là với các nghệ sĩ, nhà sáng tạo trẻ đang bước vào không gian NFT. "Đây là một không gian thực sự coi trọng cộng đồng và bản sắc của nghệ sĩ đứng sau dự án, điều mà trước đây gần như không được quan tâm", ông nói, "Tương lai là đây".
Một tác phẩm NFT
Với sức hút khủng cùng cách tiếp cận linh hoạt, thị trường tiền số từng xuất hiện nhiều bộ sưu tập NFT trị giá hàng triệu USD. Bored Ape Yacht Club (BAYC) hiện là bộ sưu tập thu hút nhiều sự chú ý và đắt giá nhất hiện nay với bức ảnh rẻ nhất có giá 280.000 USD. Tổng vốn hóa thị trường của bộ sưu tập đạt hơn 2,8 tỷ USD.
Bất kỳ ai từ bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể kiếm tiền từ thị trường NFT. Trong số đó có ông Cam Rackam, một nghệ sĩ 42 tuổi đến từ California. Nếu 11.000 USD là số tiền lớn nhất mà ông kiếm được từ một tác phẩm truyền thống thì ở thị trường số, con số này là hơn 738.000 USD thu về từ 10.000 NFT bán hết chỉ trong 32 phút kể từ khi ra mắt.
Ông Rackham không phải cá nhân duy nhất thành công. Benyamin Ahmed, một cậu bé 12 tuổi, thậm chí còn chưa có tài khoản ngân hàng, đã bán bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật số có tên "Weird Whales" với giá gần 400.000 USD. Tính đến hết năm 2021, doanh số bán tài sản kỹ thuật số đã đạt 17,6 tỷ USD.
Ngoài việc tạo ra tác phẩm NFT, các nhà đầu tư còn kiếm tiền bằng cách mua bán NFT. Một báo cáo của Cointelegraph tiết lộ rằng, doanh số bán NFT trên Ethereum - blockchain hỗ trợ các hợp đồng thông minh - đã vượt qua 9 tỷ USD vào năm 2021, tăng 2.500% so với năm 2020.
Người chơi các tựa game NFT cũng có thể kiếm hàng triệu USD nhờ xây dựng nhân vật, công trình ảo hoặc giao dịch các vật phẩm có tính duy nhất. Bởi với sự xuất hiện của blockchain và GameFi, doanh thu của ngành game sẽ không còn chảy về tay của nhà sản xuất. Thay vào đó, người chơi có thể tự tạo thu nhập cho mình thông qua NFT.
Sau thành công từ các bộ sưu tập triệu USD, trào lưu NFT đã lan sang các quốc gia Đông Nam Á, dù thị trường này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo nhận định của Nikkei, dù bị nhiều đánh giá tiêu cực nhưng NFT cũng đang góp phần thay đổi cuộc sống của nhiều người dân Đông Nam Á. Nhiều người lao động cũng như các nghệ sĩ đã có thêm thu nhập nhờ loại tài sản mới này.
Cụ thể, theo ông Gabby Dizon, nhà sáng lập nhóm Yield Guild Games chuyên chơi game NFT kiếm tiền, có hơn 80% người chơi Axie Infinity đến từ các nền kinh tế mới nổi.
"Đó là những nơi có tỷ lệ lạm phát cao hoặc khó kiếm việc làm. Nhiều người chuyển sang chơi những game này như một cách để có thêm thu nhập hay thậm chí thay cho công việc chính", ông Dizon nói.
Theo ông Nguyễn Thành Trung, nhà phát triển tựa game tỷ đô Axie Infinity, NFT còn có thể ứng dụng cho các nhân vật và tài sản trong game.
Dù nhiều người kiếm được tiền, giới chuyên gia vẫn cảnh báo người chơi cần thận trọng khi tham gia thị trường này.
"Tính thanh khoản của NFT là một rủi ro tiềm ẩn. Nếu mua với mục đích sưu tầm, bạn sẽ không gặp quá nhiều vấn đề. Tuy nhiên, nếu mua NFT với mục đích đầu tư, thanh khoản thị trường thấp sẽ khiến bạn không thể bán được chúng khi cần", đại diện công ty Digital Entertainment Asset cho biết.