Năm 2021, cổ phiếu niêm yết được xem là kênh đầu tư có mức sinh lời hấp dẫn nhất, từ đó đã thu hút được dòng tiền cuồn cuộn chảy vào đẩy điểm số cũng như thanh khoản lên mức cao chưa từng có. Bước sang năm 2022, chia sẻ trong buổi toạ đàm "Triển vọng đầu tư 2022 – FiinGroup Invest Summit", bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng nhóm phân tích dữ liệu, Khối dịch vụ Thông tin Tài chính FiinGroup đánh giá triển vọng thị trường chứng khoán sẽ vẫn rất tươi sáng, tuy nhiên mang nhiều điểm khác biệt.
Cụ thể, nếu như năm 2021, tăng trưởng lợi nhuận chỉ tập trung vào một số nhóm ngành nhất định như ngân hàng, chứng khoán, logistics, thép, phân bón… và chủ yếu trong quý 1 và quý 2, thì sang tới năm 2022, bà Vân cho rằng tăng trưởng lợi nhuận khối tài chính sẽ tích cực hơn khối phi tài chính, đồng thời một số nhóm hưởng lợi từ giá cả tăng cao như thép, cao su có khả năng sẽ không thể đạt được mức tăng lợi nhuận cao như trước đó.
Mặt khác, những doanh nghiệp hưởng lợi từ sự hồi phục hậu COVID được cho sẽ có khả năng sẽ tăng tốc để đạt mức tăng trưởng lợi nhuận đột biến.
Thị trường chứng khoán Việt Nam có còn thực sự hấp dẫn?
Cho tới hiện tại, định giá của VN-Index đang ở mức 17,2 lần, tương đương mức trung bình của thị trường trong giai đoạn từ năm 2018 đến nay. Có thể thấy, nếu nhìn riêng mức định giá này, thị trường chứng khoán vẫn rất hấp dẫn. Tuy nhiên, bà Vân cũng đã chỉ ra thêm nhiều điều đáng lưu tâm về định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay.
Cụ thể, bà Vân cho rằng định giá của VN-Index đang chịu ảnh hưởng rất lớn từ khối ngân hàng, khi nhóm này đang chiếm tới gần 1/3 giá trị vốn hoá cũng như lợi nhuận của toàn thị trường. Do đó, để nhìn một cách chi tiết hơn, nhà đầu tư cần tách riêng nhóm ngân hàng và nhóm doanh nghiệp phi tài chính. Vì thông thường nhà đầu tư sẽ sử dụng chỉ số P/E để định giá những doanh nghiệp phi tài chính trong khi sử dụng chỉ số P/B để định giá các doanh nghiệp tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm…).
Bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng nhóm phân tích dữ liệu, Khối dịch vụ Thông tin Tài chính FiinGroup
"Hiện, định giá của nhóm phi tài chính P/E đang ở vùng cao so với lịch sử trong khi P/B nhóm ngân hàngđang tiệm cận mức 2 lần với độ lệch chuẩn trung bình 10 năm – vùng định giá khá cao và không thường xuyên xuất hiện trong quá khứ. Như vậy có thể đánh giá rằng thị trường chứng khoán đang bắt đầu năm 2022 với một nền định giá không còn thấp như những năm trước nữa", bà Đỗ Hồng Vân chia sẻ.
Ba nhóm cổ phiếu cho năm 2022
Dựa theo triển vọng về tăng trưởng lợi nhuận năm 2022, bà Vân đưa ra ba chủ đề mà nhà đầu tư có thể dựa vào để đưa ra những quyết định đúng đắn.
Đầu tiên, nhà đầu tư có thể lựa chọn nhóm cổ phiếu mang tính chất phòng thủ, cụ thể hơn là những nhóm ngành tránh được rủi ro lạm phát như ngành điện và ngành dược. Đây cũng là nhóm ngành có triển vọng lợi nhuận tích cực hậu COVID-19.
Theo đó, riêng với các doanh nghiệp dược, bà Vân đánh giá một số doanh nghiệp đã và đang mở rộng hoạt động sản xuất thông qua việc đưa thêm các dây chuyền, nhà máy vào hoạt động. Đây chính là yếu tố tác động giúp tăng trưởng lợi nhuận cho nhóm dược phẩm không chỉ trong năm 2022 mà còn trong cả năm 2023.
Tiếp theo, bà Vân chỉ điểm nhóm cổ phiếu kỳ vọng hưởng lợi từ đầu tư công gồm: ngân hàng, bất động sản và vật liệu xây dựng.
Trong đó, nhóm ngân hàng được kỳ vọng sẽ có những bước tăng trưởng tốt trong năm nay nhờ các yếu tố như tăng trưởng tín dụng, NIM có thể tiếp tục duy trì kể cả khi lãi suất huy động tăng do một số ngân hàng không còn phải hỗ trợ lãi suất như trong năm 2021; thu nhập từ phí của nhóm ngân hàng hồi phục và nhiều ngân hàng đã thực hiện trích lập dự phòng trước thời hạn nên sẽ không phải trích lập trong năm 2022, thậm chí còn có thể hoàn nhập.
Đối với nhóm vật liệu xây dựng, bà Vân cho rằng giãn cách xã hội là một yếu tố khiến tăng trưởng lợi nhuận bị suy giảm trong năm 2021. Sang đến năm nay, khi những yếu tố bất lợi đã qua đi, vật liệu xây dựng được cho có thể nhanh chóng chuyển từ suy giảm mạnh sang tăng trưởng cao trong năm 2022.
Cuối cùng, vị chuyên gia điểm đến nhóm ngành sở hữu câu chuyện hưởng lợi từ phục hồi hậu Covid-19 như bán lẻ, cá nhân và thuỷ sản.
Đối với nhóm ngành bán lẻ, bà Vân đánh giá triển vọng tăng trưởng năm 2022 sẽ khá phân hóa, trong đó cơ hội sẽ có thể đến với những doanh nghiệp có lợi nhuận năm 2021 tăng trưởng thấp hơn so với trung bình ngành. Tương tự, những doanh nghiệp ngành hàng cá nhân thì câu chuyện tăng trưởng năm 2022 sẽ xuất phát từ mức nền tăng trưởng thấp, thậm chí suy giảm trong năm 2021.
Với nhóm ngành thủy sản, dù năm 2021 đã ghi nhận mức tăng trưởng khá tích cực, tuy nhiên nếu mà so với giai đoạn trước khi Covid-19 xảy ra thì mức tăng trưởng lợi nhuận hiện vẫn chưa thực sự hồi phục, do đó dư địa cho năm nay vẫn còn.
Nhìn chung, theo bà Vân, việc chi phí vận chuyển hạ nhiệt và chi phí liên quan đến COVID-19 được cắt giảm mạnh được cho sẽ là yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp trong ba nhóm ngành được đề cập ở trên cải thiện biên lợi nhuận trong năm 2022.