Hà Nội: Nhiều chủ dự án 'ôm' đất không hợp tác với chính quyền địa phương

06/04/2021 08:59
Theo báo cáo của UBND quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), một số chủ đầu tư dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất nhưng chậm triển khai trên địa bàn không liên hệ với chính quyền địa phương để làm thủ tục đưa dự án vào sử dụng.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà vừa dẫn đầu đoàn tái giám sát của HĐND thành phố làm việc với quận Nam Từ Liêm về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn quận.

Nhà đầu tư "ngó lơ" địa phương

Tại buổi giám sát, đại diện UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, theo tổng hợp của HĐND thành phố, trên địa bàn quận có 48 dự án chậm triển khai, 36 dự án đã được Sở TN&MT thanh, kiểm tra.

Hiện nay, 1 dự án (Khu dịch vụ đào tạo nhân sự cấp cao Phú Hoà và Văn phòng làm việc, tại phường Mễ Trì), UBND thành phố đã có Quyết định bãi bỏ quyết định thu hồi đất, với diện tích hơn 2.235 mét vuông; 3 dự án với diện tích hơn 60.000 mét vuông đã được UBND thành phố quyết định gia hạn sử dụng 24 tháng; 7 dự án diện tích hơn 610.000 mét vuông, đã thực hiện giải phóng mặt bằng nhưng còn vướng mắc chưa thực hiện xong, các chủ đầu tư đang hoàn thiện thủ tục, hồ sơ pháp lý để tiếp tục giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án. 20 dự án với diện tích hơn 434.000 mét vuông, đã hoàn thành giải phóng mặt bằng nhưng chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý để đầu tư xây dựng công trình; 5 dự án chủ đầu tư đã xây dựng công trình, đưa dự án vào hoạt động.

Với 12 dự án được chấp thuận đầu tư nhưng chưa được giao đất, cho thuê đất, Sở KH&ĐT đang tổng hợp, tham mưu UBND thành phố điều chỉnh quy hoạch, chấp thuận đầu tư và điều chỉnh gia hạn chủ trương đầu tư để tiếp tục hoàn thành giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hồ sơ pháp lý làm cơ sở trình UBND thành phố giao đất, cho thuê đất.

Theo lý giải từ UBND quận Nam Từ Liêm, một số dự án phải điều chỉnh theo quy hoạch phân khu, chủ trương đầu tư hết thời hạn phải xin điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư; một số dự án chuyển tiếp từ Luật Đất đai 2003 sang Luật Đất đai 2013, dự án đã có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng tiếp tục phát sinh vướng mắc chính sách về đất dịch vụ dẫn đến phát sinh đơn thư, khiếu kiện, ảnh hưởng đến tiến độ, thời gian thực hiện dự án.

Cùng với đó, công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất gặp nhiều khó khăn; nhà đầu tư có nguồn lực, năng lực còn hạn chế, chưa tích cực phối hợp với các Sở, ban, ngành của thành phố và quận để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, một số chủ đầu tư không liên hệ với UBND quận để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án.

Đơn cử, dự án Bãi đỗ xe Xuân Phương (phường Xuân Phương) của Cty Cổ phần Nhật Quân Anh, tháng 9/2020, Sở TN&MT có quyết định thanh tra, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra nhưng Cty có văn bản xin lùi thời gian kiểm tra, do đại diện theo pháp luật của Cty đi công tác nước ngoài, vướng cách ly COVID-19 không về làm việc với Đoàn kiểm tra được.

Phải mạnh tay

Tại cuộc giám sát, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga cho rằng, sau kết quả giám sát của HĐND thành phố, các đơn vị, địa phương đã vào cuộc, nhưng thực chất, thẩm quyền liên quan đến các dự án lại thuộc về các sở, ngành của thành phố, vướng mắc nhiều khâu vì thế, qua tái giám sát, dù đã có danh sách, giao trách nhiệm cho các đơn vị, sở, ngành, địa phương, nhưng ngoài thực địa thì… vẫn thế.

Có dự án cấp chủ trương đầu tư từ năm 2011, trải qua mấy lần điều chỉnh, lần gần nhất năm 2018, quy định khởi công năm 2018, hoàn thành năm 2019, nhưng đến nay vẫn không có gì. Nhiều dự án khác đến nay vẫn chưa đưa đất vào sử dụng.

Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân đặt vấn đề, với việc các chủ đầu tư không liên hệ với quận, không nhiệt tình thực hiện dự án thì nên có giải pháp thế nào.

“Nhà nước, địa phương tạo điều kiện, nhưng không liên hệ với chính quyền để làm thủ tục thì cần thiết nêu tên, địa chỉ, giám sát, kiến nghị với UBND thành phố để có giải pháp mạnh hơn”, ông Quân nói. Ông Quân cũng nêu, trường hợp lấy lý do đại diện pháp luật của đơn vị đang đi nước ngoài, phải cách ly phòng chống COVID-19 để lùi thời gian kiểm tra có chính đáng hay không?

Trưởng Ban Văn hoá – Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Thanh Bình nêu, các dự án chậm triển khai trên địa bàn đều “ôm” đất ở vị trí đắc địa, trung tâm, là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đang để rất lãng phí. “Nguồn lực cho phát triển rất lớn, nhưng lại đang nằm chết ở các dự án này”, ông Bình nói.

Phó Ban Kinh tế Ngân sách HĐND thành phố Vũ Ngọc Anh phân tích, tổng diện tích các dự án chậm triển khai của Nam Từ Liêm tương đương với 1/5 diện tích của quận Hoàn Kiếm; chiếm 4% diện tích của quận Nam Từ Liêm. Vì thế, phải làm rõ trách nhiệm của từng dự án; đợt giám sát trước đã làm rõ, kiến nghị thu hồi các dự án, cần thực hiện nghiêm.

Ông Ngọc Anh cho rằng, trách nhiệm của địa phương là một phần, nhưng có trách nhiệm rất lớn của các chủ đầu tư, của các sở ngành. “Việc giám sát, đánh giá đầu tư trên địa bàn thành phố có nhiều vấn đề. Việc gia hạn có đúng hay không. Tiêu chí thế nào? Tôi cho rằng, cần rà soát từng hồ sơ, báo cáo Thường trực HĐND thành phố, Thường trực Thành uỷ, thu hồi các dự án vi phạm để làm gương”, ông Ngọc Anh nói.

Cũng theo ông Anh, có những dự án trên địa bàn 10 năm nay “giậm chân tại chỗ”, rất lãng phí. “Phải có cách ứng xử sâu sát hơn với các sở, ngành, với các chủ đầu tư. Với việc chiếm dụng đất, lợi dụng chính sách, cần thiết nên tập hợp lại chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra. Với các sở, ngành, cần thiết có kiến nghị lập các đoàn kiểm tra công vụ”, ông Ngọc Anh đề xuất.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho rằng, việc thu hồi đất của dân để làm dự án đã lâu mà không đưa vào sử dụng thì rất lãng phí. Vì thế, cần phải quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa việc đưa các dự án vào sử dụng. Cần tìm rõ nguyên nhân, các tồn tại, để giải quyết tình trạng này.

Tin mới

Bộ Y tế ra quân kiểm tra, nhiều cửa hàng mỹ phẩm ngưng bán
4 giờ trước
Lo ngại bị kiểm tra đột xuất, nhiều cửa hàng tại TP HCM đã tạm thời đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng.
Giữ lời hứa ‘giải cứu’ dầu Nga, quốc gia BRICS mua hàng kỷ lục: Nhập khẩu 1,8 triệu thùng dầu mỗi ngày, nhu cầu chưa có dấu hiệu suy giảm
4 giờ trước
Nhà nhập khẩu dầu lớn thứ 3 thế giới tăng mạnh nhập khẩu những lô hàng giá rẻ của Nga trong tháng 5.
Đề nghị Bộ Công an điều tra, xử lý việc tung tin trứng giả
3 giờ trước
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến yêu cầu các đơn vị có liên quan đề nghị Bộ Công an điều tra, xử lý việc tung tin về trứng giả.
Từng là xe 'quốc dân' của người Việt, phân khúc này giờ đây không có mẫu xe nào vượt doanh số 1.000 chiếc sau 4 tháng đầu năm
3 giờ trước
Mẫu xe có doanh số cao nhất phân khúc chỉ đạt trên 800 xe/4 tháng, trung bình khoảng 200 xe/tháng.
Giá xăng giảm về sát 19.500 đồng từ 15 giờ chiều nay
3 giờ trước
Tại kỳ điều chỉnh hôm nay (22/5), giá xăng giảm 60 đồng/lít.

Tin cùng chuyên mục

Tuyến đường sắt cao tốc như 'kiệt tác trên cạn' của Trung Quốc: Mỗi ngày làm xong 1,2km, nhanh phi thường
13 giờ trước
Tuyến đường này thường được khen là một biểu tượng của sức mạnh công nghệ hạ tầng Trung Quốc và hình mẫu cho các hệ thống đường sắt cao tốc hiện đại trên thế giới.
"Vàng xám" của Việt Nam nhận tin vui siêu lớn: Thuế xuất khẩu giảm mạnh còn 5%, nước ta là trùm khu vực ASEAN
17 giờ trước
Sản xuất xi măng Việt Nam đứng đầu ASEAN và top 10 thế giới về sản lượng.
CEO Nvidia Jensen Huang: 'cấm xuất khẩu chip sang Trung Quốc là một thất bại'
20 giờ trước
CEO của công ty chip lớn nhất thế giới tin rằng Mỹ nên mở cửa để xuất khẩu chip và cơ sở hạ tầng đến các quốc gia khác, thay vì giới hạn như hiện tại.
Toyota RAV4 thế hệ mới ra mắt: Đấu Honda CR-V bằng màn lớn, chỉ còn hybrid, mạnh tới 320 mã lực, chạy không xăng 80km/sạc
21 giờ trước
Toyota RAV4 - dòng SUV cỡ trung bán chạy nhất toàn cầu trong nhiều năm và là một trong những mẫu xe định hình phân khúc này vừa ra mắt thế hệ mới.