Lãi suất cho vay ổn định, không giảm!

27/12/2017 09:35
Ngân hàng chưa thể giảm lãi suất cho vay là do kỳ vọng lạm phát và đòi hỏi của người gửi tiền vẫn muốn lãi suất trên 6%/năm.

Đó là nhận định của một số chuyên gia tại buổi công bố báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2017 của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia diễn ra sáng 26-12 ở Hà Nội.

Cạnh tranh lãi suất không lành mạnh

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên đã giảm khoảng 0,5%-1% so với đầu năm 2017. Đối với sản xuất - kinh doanh thông thường, lãi suất cho vay ở mức khoảng 6,8% - 11%/năm. Mặc dù thanh khoản hệ thống ngân hàng (NH) khá tốt, các điều kiện vĩ mô tương đối thuận lợi nhưng lãi suất chưa giảm như kỳ vọng.

Khác với nhận định phổ biến trên thị trường hiện nay là lãi suất cho vay đã giảm, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright - cho rằng năm 2016, lãi suất giảm đáng kể so với năm 2015 và so với cả giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, sang năm 2017, lãi suất ổn định chứ không giảm như các thông điệp của cơ quan điều hành đưa ra.

"Vì sao lại có vấn đề như vậy trong khi thanh khoản của hệ thống NH tốt lên và áp lực lạm phát giảm?" - ông Thành đặt vấn đề. Theo ông, nguyên nhân chưa thể giảm lãi suất là do kỳ vọng lạm phát và đòi hỏi của người gửi tiền vẫn muốn lãi suất trên 6%/năm. Đồng thời, vẫn có sự cạnh tranh lãi suất không lành mạnh, đẩy lãi suất lên để thu hút tiền gửi từ các NH yếu kém.

 Biểu lãi suất huy động của các ngân hàng hiện nay chênh nhau tới 1,8%/năm Ảnh: Huy Thanh

Biểu lãi suất huy động của các ngân hàng hiện nay chênh nhau tới 1,8%/năm Ảnh: Huy Thanh

Ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc NH Nhà nước, nêu ví dụ trong cùng một tòa nhà trên phố Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, có NH niêm yết lãi suất huy động tối đa 8,8%/năm trong khi NH khác huy động 7,5%/năm. "Tôi chưa thấy nền kinh tế nào có sự khác biệt lãi suất lớn như vậy. Chênh lệch lãi suất 1 điểm %/năm là chưa hề thấy" - ông Lê Đức Thúy nhấn mạnh.

Theo ông Thúy, nền kinh tế có giai đoạn khủng hoảng nên trong điều hành phải có chính sách bất thường và điều hành theo tình huống chứ không phải theo nguyên tắc nên thị trường méo mó. Nay, thị trường đã có những tiến bộ đáng kể nên cần xem xét gỡ bỏ những chính sách bất thường đó để điều hành theo tín hiệu thị trường. Ví dụ, nên bỏ hạn mức tín dụng, bỏ hoàn toàn trần lãi suất và không nên áp dụng lãi suất ưu tiên cho quá nhiều ngành. Bởi lẽ, theo thông lệ quốc tế, đây là lĩnh vực của NH chính sách, không thể bảo các NH thương mại cho vay với lãi suất ưu tiên được vì họ phải huy động cạnh tranh để tồn tại.

Cần kiểm soát tốt tín dụng tiêu dùng

Chiều cùng ngày, tại phiên họp quý IV/2017 của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, các thành viên hội đồng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo NH Nhà nước đánh giá kỹ tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam theo hướng kiểm soát tốt. Đồng thời, tăng cường củng cố vốn cho các NH thương mại, nhất là NH thương mại nhà nước trong năm 2018, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống.

Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng đề nghị Chính phủ cần ưu tiên chống thất thu thuế, mở rộng cơ sở thuế hơn là tăng mức thu; tích cực khẩn trương lập dự toán thu ngân sách trên cơ sở dữ liệu về kinh tế - xã hội; thực hiện chi theo dự toán và mức độ thu ngân sách; phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ trong huy động trái phiếu Chính phủ; sớm sửa Luật Đầu tư công, xử lý hài hòa mối quan hệ của các bên trong hình thức hợp tác đối tác công - tư, tăng cường trách nhiệm giải trình.

Ngoài ra, Chính phủ cần có động thái phát triển thị trường vốn nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng, chống các giao dịch nội gián và giao dịch làm giá trên sàn giao dịch chứng khoán, khẩn trương hoàn thành thị trường trái phiếu doanh nghiệp; đẩy mạnh đầu tư cho sáng tạo khởi nghiệp để tạo nền tảng vững chắc đối với nền kinh tế trong giai đoạn tới.

Nợ xấu ngân hàng vẫn còn cao

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, tính đến cuối năm 2017, nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã giảm từ mức 11,5% tổng dư nợ xuống còn 9,5%. Tổng nợ xấu các tổ chức tín dụng đã xử lý đạt hơn 70.000 tỉ đồng, chủ yếu sử dụng nguồn dự phòng trích lập rủi ro. Chất lượng tài sản hệ thống tổ chức tín dụng cải thiện. Tỉ lệ nợ xấu giảm mạnh chủ yếu do các khoản nợ xấu tiềm ẩn trong nợ cơ cấu lại, trái phiếu doanh nghiệp và các khoản phải thu khó đòi bên ngoài giảm.

Tin mới

Siêu thị thắng lớn, chợ vắng hoe dịp lễ 30-4
5 giờ trước
Lượng khách mua sắm tại các siêu thị khu vực trung tâm TP HCM tăng cao trong dịp lễ 30-4, doanh thu nhiều hệ thống lớn kỳ vọng tăng hơn mức 20%-30% theo dự kiến
Không phải dầu thô hay khí đốt, châu Âu bất ngờ săn lùng một mặt hàng của Nga bất chấp lệnh trừng phạt, nhập khẩu tăng hơn 10 lần
5 giờ trước
Châu Âu đã nhập khẩu hơn 474.000 tấn mặt hàng này từ Nga trong tháng 1/2025 so với chỉ hơn 36 nghìn tấn vào một năm trước.
Thị trường ngày 2/5: Giá dầu tăng gần 2%, cà phê giảm hơn 4%, vàng thấp nhất trong hai tuần
6 giờ trước
Kết thúc phiên 1/5 giá dầu tăng gần 2% sau khi Tổng thống Mỹ đe dọa áp đặt lệnh trừng phạt thứ cấp đối với Iran, vàng giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai tuần, đồng tăng sau đợt bán tháo mạnh, cà phê giảm mạnh.
Nước nào tiêu thụ cá tra Việt Nam lớn nhất thế giới?
7 giờ trước
Xuất khẩu cá tra tăng vọt trong những tháng đầu năm. Trong đó, Mỹ và Trung Quốc là hai nước mua nhiều cá tra Việt Nam nhất, với sản phẩm chủ lực là phile cá đông lạnh.
Vừa gia nhập thị trường Trung Quốc chưa được bao lâu, đối thủ sầu riêng của Thái Lan, Việt Nam bất ngờ gặp khó, năng suất thấp nhất trong 1 thập kỷ
7 giờ trước
Tham vọng chiếm lĩnh thị trường sầu riêng Trung Quốc của quốc gia này đang đứng trước thách thức.

Tin cùng chuyên mục

Không riêng Việt Nam, Su-30 được rất nhiều quốc gia chọn mua vì lý do đặc biệt này
11 giờ trước
Nhiều quốc gia sau khi cân nhắc với các lựa chọn phương Tây như Rafale cuối cùng đều chốt tiêm kích Su-30 của Nga.
Việt Nam rộng đường trong ngành kinh tế chục tỷ USD, rất "được lòng" người Mỹ
1 ngày trước
Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành kinh tế này.
‘Cháy’ xe khách về một số tỉnh thành, bến ‘tung’ xe tăng cường
1 ngày trước
Trong 2 ngày bắt đầu nghỉ lễ 30/4-1/5, khách ra các bến xe ở Hà Nội đã tăng cao, trên một số tuyến đã “cháy vé”, bến xe đã phải điều xe tăng cường.
Ngoài hàng quán, bãi giữ xe, một dịch vụ bất ngờ “hốt bạc” trong ngày diễu binh, diễu hành
1 ngày trước
Dù phải trả một mức giá cao hơn cho dịch vụ xe ôm chở đến gần các điểm diễu binh, diễu hành nhưng người dân vẫn vui vẻ chi trả, thậm chí gửi thêm.