Liệu còn ai "chê" dầu của Moscow khi công ty dầu khí lớn nhất châu Âu mua 100.000 tấn dầu Nga sau cuộc đàm phán với chính phủ?

07/03/2022 07:39
Dầu của Nga là loại dầu nặng, có khả năng tạo ra các loại nhiên liệu hiệu suất cao và đặc biệt, nó rẻ hơn rất nhiều so với dầu thô của các nước khác.

Shell bảo vệ quyết định nhập khẩu dầu Nga

Sau khi hứng chịu những lời chỉ trích vì mua một lô dầu thô Nga, Shell, công ty dầu khí lớn nhất châu Âu, cho biết họ đang "điều hướng thị trường với sự hướng dẫn của chính phủ".

Tuy nhiên, công ty đặt trụ sở tại London, Vương quốc Anh, không cho biết họ đã nói chuyện với chính phủ nước nào. Một quan chức Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp của Vương quốc Anh thì từ chối bình luận về vấn đề này.

Hôm 4/3, Shell đã mua lô hàng 100.000 tấn dầu Urals từ Tập đoàn Trafigura có trụ sở tại Singapore. Dầu Urals là dầu thô của Nga, được pha trộn giữa dầu chua nặng của vùng Urals và vùng Volga với dầu nhẹ của Tây Siberia. Hiện tại, loại dầu này đang được bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với dầu thô tiêu chuẩn quốc tế vì các nhà buôn lo ngại những liên đới khi phương Tây liên tiếp áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga dù chưa nhằm tới lĩnh vực dầu và khí tự nhiên.

"Chúng tôi tiếp tục lựa chọn các giải pháp thay thế cho dầu Nga nếu có thể. Tuy nhiên, điều này không thể xảy ra một sớm một chiều vì Nga có tầm quan trọng vô cùng lớn đối với nguồn cung dầu toàn cầu. Chúng tôi đã đàm phán căng thẳng với các chính phủ và tiếp tục tuân theo hướng dẫn của họ về vấn đề an ninh của nguồn cung này", Shell cho biết.

Tuy nhiên, việc công ty dầu khí lớn nhất châu Âu mua dầu của Nga dưới sự điều hướng của một chính phủ có thể là tín hiệu cho thấy các đối tác khác sẽ tiếp tục mua các sản phẩm năng lượng của Nga bất chấp cuộc xung đột ở Ukraine có diễn biến ra sao.

Dầu của Nga sẽ "hấp dẫn" trở lại?

Dù đã thoái vốn khỏi các dự án liên quan tới Nga nhưng rõ ràng, Shell sẽ không thể đoạn tuyệt với dầu Nga. Bản thân công ty này cũng phải thừa nhận một thực tế chung rằng: "Nếu không có nguồn cung cấp dầu thô liên tục cho các nhà máy lọc dầu, ngành công nghiệp năng lượng không thể đảm bảo tiếp tục cung cấp các sản phẩm thiết yếu cho người dân trên khắp châu Âu trong những tuần tới. Hàng hóa từ các nguồn cung thay thế sẽ không thể đến kịp để tránh gây ra gián đoạn nguồn cung của thị trường".

Kể từ sau khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặt biệt ở Ukraine, Nga trở thành tâm điểm trong các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nhiều biện pháp trừng phạt nặng nề chưa được có cũng đã được triển khai nhằm tổn hại nghiêm trọng nhất tới nền kinh tế Nga, trong đó có việc loại 7 ngân hàng Nga khỏi SWIFT (với khả năng cho phép các ngân hàng xử lý một lượng giao dịch lớn nhanh chóng và an toàn, SWIFT được xem là một hệ thống nền tảng cho thương mại quốc tế. Hiện SWIFT đã liên kết hơn 11.000 tổ chức tài chính trên 209 quốc gia và vùng lãnh thổ).

Trong khi đó, hàng loạt các tỷ phú Nga cũng đang bị trừng phạt trên khắp thế giới. Nhiều người phải bán tháo tài sản, số khác bị tịch thu du thuyền, biệt thự đang ở châu Âu. Thậm chí, Mỹ còn thành lập hẳn đội đặc nhiệm chuyên đi săn lùng tài sản của Nga trên toàn cầu để trừng phạt. Ở chiều ngược lại, các cá nhân, tổ chức nước ngoài cũng khó lòng rút tiền hay thoái vốn khỏi lãnh thổ Nga khi Moscow ban bố biện pháp để ngăn chặn họ làm điều đó. Chúng tạo ra sự không chắc chắn và lo ngại trên quy mô toàn cầu.

Đó cũng chính là lý do dầu Nga bị "ế". Việc sợ bị "vạ lây" khiến nhiều người mua chủ động tránh xa mặt hàng này dù nó rẻ hơn rất nhiều so với dầu của các nước khác. Tuy nhiên, việc Shell mua dầu Nga dưới sự đồng ý của một Chính phủ nào đó cho thấy rằng sản phẩm này không đáng sợ như người ta vẫn quan ngại. Cần nhấn mạnh rằng, động thái của Shell chưa vi phạm bất cứ lệnh trừng phạt nào của phương Tây.

Trong khi đó, nước Mỹ cũng đang loay hoay trước quyết định có cấm dầu mỏ của Nga hay không. Dù là quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới nhưng Mỹ vẫn phải nhập khẩu dầu của Nga để đáp ứng nhu cầu của các nhà máy lọc dầu được xây dựng từ nhiều thập niên trước, vốn cần tới loại dầu nặng.

Với hàm lượng lưu huỳnh cao hơn, dầu của Nga có thể sản xuất ra loại nhiên liệu công suất cao. Nhập khẩu dầu từ Nga là cách duy nhất để các nhà máy lọc dầu thế hệ cũ của Mỹ tiếp tục sinh lời. Ngoài ra, việc Mỹ trừng phạt Iran và Venezuela, hai nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới khác, cũng đã khiến cho dầu của Nga trở nên quan trọng hơn nữa nhờ "lấp vào chỗ trống".

Bản thân người Mỹ cũng cho biết việc trừng phạt dầu Nga sẽ không gây ảnh hưởng quá lớn tới thị trường năng lượng Mỹ, nhất là khi Moscow chỉ đóng góp một con số cho nhập khẩu dầu của Mỹ. Tuy nhiên, động thái như vậy có thể khiến nhiều quốc gia khác làm theo và gây ra sự hỗn loạn đối với kinh tế toàn cầu. Nga chiếm 12% tổng lượng cung dầu của thế giới.

Một biện pháp như vậy sẽ gây tổn thất nặng nề cho châu Âu, đồng minh thân cận của Mỹ nhưng lại do Nga cung cấp tới 40% tổng nhu cầu khí đốt và 25% nhu cầu với dầu mỏ. Quay lưng với dầu Nga chắc chắn sẽ gây ra lạm phát nghiêm trọng ở châu Âu và tác động nặng nề nhất tới các hộ gia đình nghèo, những người dành phần lớn thu nhập cho nhiên liệu và lương thực.

Chính bởi thế, trừng phạt dầu khí Nga sẽ là quyết định khó khăn và cần phải cân nhắc kỹ lưỡng đối với phương Tây.

Tham khảo: Bloomberg

https://cafef.vn/cong-ty-dau-khi-lon-nhat-chau-au-mua-100000-tan-dau-nga-sau-cuoc-dam-phan-voi-chinh-phu-lieu-con-ai-che-dau-cua-moscow-20220306235534925.chn

Tin mới

Xe tay ga giống hệt Honda Vision xuất hiện: Giá rẻ chỉ 26 triệu đồng, còn tiết kiệm xăng hơn
6 giờ trước
Mẫu xe tay ga này chỉ tiêu thụ khoảng 1,79 lít xăng cho mỗi 100 km di chuyển, ít hơn cả Honda Vision.
Sầu riêng Thái đi luồng xanh vào thẳng Trung Quốc, vì sao ‘vua trái cây’ Việt vẫn mãi loay hoay?
4 giờ trước
Trong khi sầu riêng Thái Lan được Trung Quốc mở cửa "luồng xanh" thông quan 24/7, ngành sầu riêng Việt Nam vẫn đang mắc kẹt giữa những đợt tái kiểm 100% tại cửa khẩu. Câu chuyện "vượt khủng hoảng" của người Thái trở thành tấm gương soi chiếu cho một ngành hàng tỷ USD của Việt Nam đang loay hoay tìm đường phát triển bền vững.
Hyundai Elantra, Sonata thế hệ mới: Có hybrid, thêm bản N mạnh 300 mã lực, dễ khiến khách Việt ngóng đợi
3 giờ trước
Dù đã phần nào thất thế trước những dòng SUV mới nhưng khả năng cao bộ đôi sedan Hyundai là Elantra và Sonata đều sẽ có thế hệ mới ra mắt trước 2027.
Phá 2 đường dây buôn lậu bình ắc quy, phụ tùng xe điện hàng trăm tỉ đồng từ Trung Quốc
2 giờ trước
Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá 2 đường dây buôn lậu bình ắc quy và phụ tùng xe điện từ Trung Quốc về nước tiêu thụ
Xe ga siêu tiết kiệm xăng của Yamaha về đại lý: Trang bị vượt Honda Vision, động cơ hybrid - giá chỉ 35 triệu đồng
2 giờ trước
Mẫu xe ga này "gây sốt" với những trang bị hiện đại và giá bán hấp dẫn.

Tin cùng chuyên mục

‘Nên hỗ trợ chi phí cho chủ xe nâng cấp để đạt chuẩn khí thải’
18 giờ trước
Cựu Tổng Thư ký VAMA, ông Vũ Tấn Công, cho rằng dự thảo quy chuẩn quốc gia về khí thải đối với ô tô có ý nghĩa quan trọng đối với môi trường, nhưng để thành hiện thực cần đáp ứng nhiều yếu tố.
Doanh số bán xe Việt Nam tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á, hơn 118.000 ô tô được mua nhờ kinh tế thuận lợi, tiêu dùng nội địa cải thiện
1 ngày trước
Nếu cộng số liệu thống kê chung của ngành, doanh số bán xe của Việt Nam là 118.813 ô tô đã vượt qua Philippines, nơi chỉ bán được 117.074 xe trong 3 tháng đầu năm 2025.
Tài chính Toyota tung gói vay ưu đãi, thu hút nhiều khách hàng "lên đời"
2 ngày trước
Tháng 05/2025, Công ty Tài chính Toyota Việt Nam (TFSVN) phối hợp với Toyota Việt Nam và hệ thống đại lý toàn quốc triển khai chương trình trả góp với chính sách ưu đãi hấp dẫn, giúp người tiêu dùng Việt dễ dàng sở hữu xe hơi.
Khủng hoảng niềm tin bủa vây Xiaomi sau sự cố xe điện SU7
2 ngày trước
Xiaomi đối mặt với giai đoạn thử thách sau khi mẫu xe điện SU7 vướng sự cố gây chết người, kéo theo một cuộc khủng hoảng lòng tin sâu sắc từ người tiêu dùng.