Theo dữ liệu từ nền tảng phân tích Volza, Việt Nam hiện đứng thứ hai thế giới về số chuyến xuất khẩu lá chuối , chiếm khoảng 8% thị phần toàn cầu với gần 3.859 chuyến hàng, chỉ sau Ấn Độ (77%) và xếp trên Thái Lan, Philippines.
Các thị trường nhập khẩu chủ yếu gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Đông, là những nơi có nhu cầu cao sử dụng lá chuối trong chế biến thực phẩm truyền thống và bao bì sinh học.
Thống kê từ các nguồn thương mại cho biết, doanh thu xuất khẩu lá chuối của Việt Nam đạt hơn 1 triệu USD trong năm 2022 và đạt khoảng 722.000 USD chỉ trong 10 tháng đầu năm 2023.
Tính đến năm 2025, giá FOB (Free on Board) thông thường cho lá chuối đông lạnh từ Việt Nam dao động trong khoảng 0,60–1,20 USD/kg, tùy vào kích thước, quy cách và yêu cầu kỹ thuật. Trong nước, lá chuối vẫn được bán với giá thấp khoảng 4.000–10.000 đồng/kg – cho thấy dư địa nâng cao giá trị sản phẩm còn rất lớn.
Lá chuối được ép thành đĩa dùng một lần (ảnh minh hoạ).
Lãng phí từ thói quen trồng chuối lấy quả
Chuối là loại cây quen thuộc với nhiều vùng nông thôn Việt Nam, nhưng phần lớn người dân chỉ trồng chuối để lấy quả.
Theo các chuyên gia, phần quả chỉ chiếm khoảng 12% tổng sinh khối cây chuối, phần còn lại gần như chưa được khai thác hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên, giảm thu nhập và thậm chí ảnh hưởng đến môi trường do việc đốn hạ, xử lý thân cây sau thu hoạch.
Lá chuối có mùi thơm tự nhiên, màu xanh bắt mắt, được sử dụng phổ biến trong gói bánh chưng, bánh tét, bánh gói, xôi và nhiều món ăn truyền thống khác.
Ngày nay, lá chuối còn được ứng dụng trong sản xuất bao bì sinh học. Một số dự án khởi nghiệp như Vibale đã thành công trong việc ép lá chuối thành đĩa, hộp thay thế nhựa dùng một lần. Các sản phẩm này có thể phân hủy sinh học trong vòng 45 ngày, được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo quản trong 12 tháng mở ra tiềm năng lớn cho bao bì xanh thân thiện môi trường.
Ngoài ra thị trường xuất khẩu lá chuối cũng đang được rộng mở. Tuy nhiên, để lá chuối xuất khẩu phải đạt các tiêu chuẩn nghiêm ngặt: kích thước rộng tối thiểu 30 cm, không rách, giữ được màu xanh tự nhiên, không bị nấm mốc. Lá cần được rửa sạch, xử lý và cấp đông ở –18 độ C, đóng gói chân không hoặc theo tiêu chuẩn food-grade. Ngoài ra, mỗi lô hàng cần có các chứng nhận như phytosanitary, HACCP, ISO 22000, và tùy từng thị trường có thể yêu cầu thêm chứng nhận hữu cơ.
Lá chuối (ảnh minh hoạ).
Hướng đi kinh tế phát triển nông nghiệp bền vững
Việc tận dụng lá chuối để chế biến, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu không chỉ là hướng đi kinh tế mà còn mang lại nhiều lợi ích cho phát triển bền vững.
Lá chuối, vốn là phụ phẩm, nếu được thu mua và chế biến sẽ giúp giảm lãng phí, tăng giá trị kinh tế cho cây chuối. Với khả năng thay thế bao bì nhựa, lá chuối góp phần bảo vệ môi trường. Người trồng cũng có thêm thu nhập từ lá, hoa, thân chuối nếu được xử lý đúng cách. Xuất khẩu lá chuối đòi hỏi canh tác sạch, thúc đẩy chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, việc ứng dụng vào bao bì sinh học mở ra hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, sáng tạo và bền vững cho ngành nông nghiệp.
Tận dụng lá chuối là ví dụ điển hình cho tư duy khai thác toàn diện tài nguyên nông nghiệp: “1 cây – nhiều giá trị”. Nếu được đầu tư đúng mức, liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và chế biến, lá chuối có thể là một mặt hàng “xuất khẩu xanh”, góp phần vào mục tiêu phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hiện đại và sinh thái của Việt Nam.