Litva được xếp hạng 79 trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới và đứng thứ 36 trong danh sách các quốc gia giàu nhất toàn cầu. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 23.723 USD, tổng GDP ước đạt 66,45 tỷ USD.
Theo số liệu thống kê của ITC, Litva là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 12 trong khu vực EU, chiếm 1,2% tổng trị giá nhập khẩu thủy sản của EU. Mỗi năm, Litva chi khoảng 650 triệu USD để nhập khẩu thủy sản , cho thấy nhu cầu lớn và tiềm năng thị trường đáng chú ý đối với các quốc gia xuất khẩu mặt hàng này.
Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 6 cho Litva từ ngoài khối EU trong năm 2022, chiếm 3,54% tổng trị giá nhập khẩu thủy sản của EU.
Litva là cửa ngõ vào khu vực Trung Đông Âu. Do đó, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ đang nỗ lực khai phá thị trường này. Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Litva đang có xu hướng ngày càng tăng.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu (XK) cá ngừ sang thị trường này đã tăng từ mức 229.000 USD năm 2021 lên gần 16 triệu USD năm 2024, tăng gấp 69 lần. Tính riêng 5 tháng đầu năm 2025, kim ngạch XK cá ngừ sang Litva tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 8 triệu USD.
Các sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh (mã HS0304) đang là sản phẩm XK chính sang thị trường này, chiếm tới 98% tổng kim ngạch XK.
Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), việc các doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Litva đang đi đúng hướng và có nhiều cơ hội gia tăng XK trong thời gian tới.
Bởi lẽ, Litva đã là thành viên của Liên minh châu Âu từ năm 2004. Trong khi đó, trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và EU đã hình thành các khuôn khổ pháp lý để triển khai các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và các quốc gia EU. Điều này đã tạo cơ hội lớn cho hoạt động kinh tế của Việt Nam tại quốc gia này.
Cá ngừ là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam. Trữ lượng cá ngừ của Việt Nam ước đạt hơn 600.000 tấn; trong đó cá ngừ vằn là loài khai thác chính, chiếm hơn 50% tổng nguồn lợi cá nổi. Các đối thủ chính của Việt Nam trong hoạt động xuất khẩu cá ngừ sang Anh vẫn là Ecuador và Trung Quốc.
Hiện cá ngừ chiếm 10% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sau tôm và cá tra. Trong 5 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã thu về 405 triệu USD từ xuất khẩu cá ngừ, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2024.
Một số nhóm hàng có kim ngạch tăng như thịt/loin cá ngừ đông lạnh (HSO304) tăng 16% so với cùng kỳ. Cá ngừ chế biến khác (HS16) có mức tăng trưởng 23% so với cùng kỳ. Trong khi đó, các sản phẩm cá ngừ tươi, đông lạnh và khô (HS03, trừ HS0304) giảm 19% về giá trị so với 5 tháng đầu năm 2024. Cá ngừ đóng hộp cũng ghi nhận mức giảm 14% so với cùng kỳ.
VASEP nhận định, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng trong năm 2025, nhờ nhu cầu tiêu thụ toàn cầu vẫn gia tăng mạnh mẽ. Đặc biệt, các chính sách thuế quan mới tại những thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ được kỳ vọng sẽ trở thành đòn bẩy quan trọng, tạo thêm lợi thế cạnh tranh và mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ Việt Nam.