Một số nhà đầu tư Cocobay Đà Nẵng bị chấm dứt hợp đồng mua bán

21/02/2020 14:23
3 nhà đầu tư thuộc dự án Cocobay Đà Nẵng xác nhận vừa nhận văn bản tuyên bố chấm dứt hợp đồng từ phía chủ đầu tư là CTCP Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô.  Nhà đầu tư cho biết bất bình trước hành động của chủ đầu tư Cocobay, 1 trong 3 người đang làm đơn kiện chủ đầu tư. Chủ tịch Thành Đô xác nhận việc gửi thông báo huỷ hợp đồng với nhà đầu tư và cho biết có nhiều hơn 3 nhà đầu tư phải nhận thông báo này.

3 nhà đầu tư thuộc ban đại diện dự án Cocobay Đà Nẵng gồm bà Đặng Thị Minh Điểm, Nguyễn Thị Mai Lan và ông Trần Công Hoan xác nhận vừa nhận được văn bản tuyên bố chấm dứt hợp đồng từ phía chủ đầu tư là CTCP Thành Đô. Nguyên nhân được chủ đầu tư đưa ra là 3 nhà đầu tư này đã không chọn phương án giải quyết theo đúng thời hạn mà chủ đầu tư yêu cầu.

Bà Đặng Thị Minh Điểm cho hay nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng mua bán căn hộ của Thành Đô vào chiều 19/2. Trong văn bản, Thành Đô cho biết bà Điểm đã không hợp tác để thống nhất phương án giải quyết. Chủ đầu tư này khuyến khích nhà đầu tư mang luật sư đến để giải quyết, đồng thời chậm nhất ngày 25/2 các khách hàng trên phải liên hệ làm việc, giải quyết quyền lợi.

Trao đổi với Người Đồng Hành, bà Đặng Thị Minh Điểm cho biết việc đơn phương chấm dứt hợp đồng của Thành Đô là không thỏa đáng và cho rằng hành vi này của Thành Đô với 3 nhà đầu tư trong ban đại diện “giống như khủng bố tinh thần, tung hỏa mù”. "Không ít nhà đầu tư chưa đồng ý với các phương án cũng như điều kiện mà Thành Đô đưa ra nhưng hiện chủ đầu tư chỉ gửi đến 3 cá nhân là những người thuộc ban đại diện”, bà Điểm nói.

Nhà đầu tư thứ cấp này cho biết thêm bà không thể thu xếp tài chính để tất toán ngay với SHB. "Số tiền lớn như vậy cũng cần ít nhất 6 tháng tôi mới chuẩn bị được. Trong 6 tháng đó, Thành Đô không trả lãi vay khoản tiền 95% họ huy động từ tôi nhưng tôi vẫn phải trả lãi 13,5%/năm cho SHB, chưa kể lãi suất phạt chậm trả", bà chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Mai Lan, người xưng là đại diện phụ trách truyền thông của ban đại diện, cũng cho rằng đang bị chủ đầu tư chọn để “đánh phủ đầu”. “Tôi rất bất bình và đang làm đơn tố cáo chủ đầu tư”, bà Lan nói.

Bà Điểm, bà Mai cho biết trước khi nhận được văn bản lần này của Thành Đô, ban đại diện các chủ sở hữu đã có 2 buổi làm việc với chủ đầu tư để tìm kiếm phương án giải quyết. Những hướng giải quyết mà Thành Đô đưa ra trước đó, theo bà Điểm, vẫn chưa thuyết phục được các nhà đầu tư nên 2 bên chưa thống nhất được hướng xử lý phù hợp.

Bà Điểm cho biết cá nhân bà cũng như nhiều chủ sở hữu khác phải vay ngân hàng để đầu tư vào dự án Cocobay Đà Nẵng. Bà Điểm mua 3 căn hộ condotel ở dự án và ký hợp đồng mua bán với chủ đầu tư từ tháng 8/2017 và đến 25/12 cùng năm thì nhận được thu nhập cam kết lần đầu.

"Việc Thành Đô tuyên bố chấm dứt hợp đồng sẽ khiến quyền tài sản thế chấp của chúng tôi tại SHB trở nên vô giá trị, như vậy chúng tôi có thể bị ngân hàng khởi kiện đòi nợ ngay lập tức. Ngoài ra, thông báo của Thành Đô không kèm cam kết việc hoàn trả lại tiền sau thanh lý và ngày hoàn trả, như vậy chúng tôi không biết đường nào mà lần", bà Điểm nói.

Một số nhà đầu tư Cocobay Đà Nẵng bị chấm dứt hợp đồng mua bán - Ảnh 1.

Ngày 14/2, các chủ đầu tư dự án Cocobay đã tập trung tại trụ sở công ty Thành Đô để đòi quyền lợi. Ảnh: Nhà đầu tư cung cấp.

Sáng 21/2, ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch CTCP Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô, xác nhận với Người Đồng Hành đã gửi văn bản chấm dứt hợp đồng mua bán với một số chủ sở hữu dự án Cocobay Đà Nẵng do chậm đưa ra phương án giải quyết so với thời hạn đã đưa ra trước đó. Con số cụ thể về nhà đầu tư bị hủy hợp đồng không được ông Thành tiết lộ. Tuy nhiên, ông cho biết số nhà đầu tư bị hủy hợp đồng nhiều hơn 3 nên không thể nói chủ đầu tư "đánh phủ đầu" hay "tung hỏa mù" những cá nhân thuộc ban đại diện nhà đầu tư dự án.

Trước đó, trong văn bản 289 gửi nhà đầu tư ngày 19/12/2019, Thành Đô làm rõ 3 phương án giải quyết sau khi chấm dứt cam kết lợi nhuận, trong đó có nhóm giải pháp thanh lý hợp đồng mua bán, chủ sở hữu nhận bàn giao lại tài sản và tiền mua nhà từ chủ đầu tư. Theo văn bản này, phương án chỉ áp dụng đối với chủ sở hữu đã thanh toán đến 95% giá trị căn hộ và đủ điều kiện nhận thu nhập cam kết.

Theo Thành Đô, nếu chủ sở hữu chọn phương án này, chủ đầu tư sẽ trả tiền cho chủ sở hữu sau khi trừ đi các loại chi phí như: 50% chi phí bán hàng, tương ứng 2,5% giá trị căn hộ; chi phí hỗ trợ lãi vay ngân hàng nếu có; chi phí phát hành bảo lãnh nếu có.

Thành Đô cam kết trả tiền trước ngày 30/9/2020, cam kết sẽ được bảo lãnh bởi ngân hàng nếu chủ sở hữu yêu cầu. Trong thời gian chủ sở hữu chưa nhận được tiền thanh lý hợp đồng, chủ đầu tư sẽ chịu trách nhiệm thanh toán lãi suất 10%/năm cho số tiền chưa được thanh toán. Đồng thời, chủ sở hữu sẽ nhận đủ thu nhập cam kết của các kỳ 2017, 2018 và 2019 trước ngày 30/9/2020 theo thỏa thuận đã ký.

Ngoài phương án này, Thành Đô cũng đề xuất 3 phương án khác. Phương án thứ nhất là chuyển đổi từ căn hộ khách sạn - condotel (không hình thành đơn vị ở) thành căn hộ chung cư (để ở) và giao lại cho Thành Đô hoặc đơn vị được ủy quyền thực hiện việc quản lý khai thác kinh doanh. Phương án thứ 2 là chủ sở hữu sẽ giữ nguyên căn hộ condotel và giao cho chủ đầu tư hoặc đơn vị được ủy quyền thực hiện việc khai thác kinh doanh. Chủ sở hữu sẽ được hưởng quyền lợi giống như ở phương án 1.

Phương án 3 được áp dụng cho khách hàng mua condotel vay vốn ngân hàng và thực hiện thế chấp tài sản bằng chính căn hộ tại dự án muốn tiếp tục đồng hành với Công ty Thành Đô nhưng không có khả năng trả các khoản nợ đến hạn của hợp đồng tín dụng đã ký với ngân hàng.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico, hành động đơn phương chấm dứt hợp đồng của Thành Đô thể hiện sự thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư dự án đối với các nhà đầu tư và thị trường bất động sản. Ông cho biết các văn mà Thành Đô đưa ra cũng không có tính pháp lý vì chưa có thống nhất giữa 2 bên mua và bán. Theo ông, nhà đầu tư có thể khởi kiện Thành Đô nhưng "việc kiện cáo sẽ không dễ dàng".

Dự án Cocobay Đà Nẵng được khởi công vào giữa năm 2016, chia thành nhiều giai đoạn đầu tư. Tổng diện tích dự án khoảng 31 ha, bao gồn nhiều loại hình bất động sản như biệt thự, căn hộ nghỉ dưỡng, condotel và tiện ích như trung tâm hội nghị, phòng chăm sóc sức khỏe, nhà hàng, khu vui chơi giải trí...

Thời điểm ban đầu, Empire cam kết lợi nhuận 12%/năm trong 8 năm đầu tiên với khách hàng sở hữu condotel. Tuy nhiên, chủ đầu tư vừa thông báo ngừng chính sách cam kết lợi nhuận này đến hết năm 2019. Từ năm 2020, khách hàng chọn phương án khác như chuyển đổi thành chung cư; thanh lý hợp đồng tự kinh doanh; thanh lý hợp đồng hoàn lại tiền; tự đề xuất giải pháp hợp lý hơn.

Tin mới

Toyota Vios giảm sốc chỉ còn hơn 400 triệu đồng, rẻ như xe hạng A
7 giờ trước
Sau khi cộng dồn hàng loạt khuyến mãi, giá xe Toyota Vios trên thực tế chỉ rơi vào khoảng chưa đến 450 triệu đối với phiên bản thấp nhất, tức là ngang ngửa với nhiều mẫu xe hạng A.
Người giàu mua xe sang thường đứng tên công ty để bớt tiền thuế nhưng quốc gia này có cách chặn đứng điều đó
7 giờ trước
Việc chính phủ Hàn Quốc đổi luật nhằm hạn chế tình trạng lách luật mua xe siêu sang, siêu xe của giới đại gia nước này đã có tác dụng.
Mẫu Android người Mỹ đang háo hức có thể rẻ hơn, cấu hình cao hơn nếu mua ở Việt Nam?
6 giờ trước
Lý do là vì nhà sản xuất nổi tiếng này có quyền đặt mức giá bán lẻ cũng như các cấu hình khác nhau tùy thuộc từng khu vực.
Nhật Bản trầy trật với xe điện: Nhiều công ty không đủ năng lực, tương lai phải dựa vào trợ cấp, yếu tố kìm hãm nằm ở văn hóa kinh doanh
5 giờ trước
Một số thương hiệu đang phải vật lộn bắt kịp cầu xe điện bùng nổ và điều này rủi ro tạo ra những nút thắt trong ngành công nghiệp xe điện.
Miễn thuế 9 loại gạo Việt xuất châu Âu, không có ST25
4 giờ trước
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, hiện Việt Nam có 9 giống gạo thơm được hưởng ưu đãi thuế trong hạn ngạch khi xuất khẩu sang châu Âu (EU), song chưa có giống gạo ST24 và ST25.

Tin cùng chuyên mục

Sang Indonesia, Tim Cook được đón bằng Mercedes-Benz S-Class nhưng lại là xe nợ thuế
3 giờ trước
Chiếc Mercedes-Benz S-Class chở CEO của Apple, Tim Cook, đến gặp Tổng thống Indonesia đã bị truyền thông nước này phát hiện là chưa nộp thuế.
Tăng 444%, doanh số VinFast đứng đầu thị trường Việt quý I?
2 giờ trước
Doanh số VinFast trong quý I/2024 lọt nhóm những hãng xe bán chạy nhất thị trường Việt Nam.
Chỉ 3 tháng đầu 2024, một mặt hàng của Việt Nam được trên 140 quốc gia đặt hàng, thu về hơn 3,5 tỷ USD
2 giờ trước
Mặt hàng này của Việt Nam rất được ưa chuộng tại thị trường Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới.
Nếu Chery đang tính ‘chơi lớn’ tại Việt Nam thì đây là những câu hỏi cần được trả lời
49 phút trước
Chery trở lại Việt Nam sau 14 năm với tham vọng lớn hơn khi hợp tác với Geleximco để xây nhà máy, chọn phân phối những dòng sản phẩm cao cấp hơn và tiếp cận thị trường xe điện vẫn còn đang mới mẻ.