Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu trong hơn 20 năm qua khi chiếm 40% sản lượng , 60% thị phần thế giới. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 4 đạt hơn 26 nghìn tấn với trị giá hơn 184 triệu USD, tăng mạnh 31,7% về lượng và tăng 31,1% về trị giá so với tháng trước đó.
Lũy kế trong 4 tháng đầu năm hạt tiêu đã thu về hơn 508 triệu USD với hơn 73 nghìn tấn, giảm 11,3% về lượng nhưng tăng mạnh 44,4% so với cùng kỳ năm 2024.
Xét về thị trường, Mỹ đang trở thành thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam với hơn 17 nghìn tấn, trị giá hơn 132 triệu USD, giảm 22% về lượng nhưng tăng mạnh 32% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu sang Mỹ tăng đến 70%, đạt 7.461 USD/tấn.
Đứng thứ 2 là Đức với hơn 6,6 nghìn tấn, trị giá hơn 49 triệu USD, tăng 21% về lượng và tăng 87% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024. Giá bình quân tăng 55% so với năm trước, đạt 7.401 USD/tấn.
Ấn Độ là thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn thứ 3 của Việt Nam với 5,7 nghìn tấn, trị giá hơn 41 triệu USD, tăng 4% về lượng tăng tăng 84% về trị giá. Mức giá xuất khẩu bình quân đạt 7.139 USD/tấn, tăng 77%.
Mỹ là thị trường quan trọng đối với ngành hồ tiêu Việt Nam. Trước đó, ngày 5/4/2025, Mỹ áp dụng thuế đối kháng tạm thời 10% trong thời gian đàm phán 90 ngày đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Mức thuế đối ứng với Việt Nam có thể lên tới 46%, cao nhất trong nhóm chịu thuế. Nếu không đạt thỏa thuận, hồ tiêu Việt Nam sẽ mất lợi thế cạnh tranh trước các nước có mức thuế thấp hơn như Brazil (10%), Indonesia (32%) hay Malaysia (24%).
Chính sách thuế quan mới buộc ngành hồ tiêu phải tái cấu trúc hệ sinh thái xuất khẩu , phân bổ lại thị trường một cách linh hoạt hơn. Tuy nhiên, theo nhận định của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), từ giờ đến cuối năm, cung cầu vẫn là yếu tố quyết định. Mỹ có áp thuế đối ứng với Việt Nam hay không thì thế giới vẫn thiếu hàng và giá có thể tăng trở lại.
Thị trường hồ tiêu thế giới được dự báo sẽ tăng từ 7,51 tỷ USD năm 2024 lên 9,8 tỷ USD vào năm 2032, tương ứng tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm - CAGR 3,38%. Động lực chính bao gồm: xu hướng tiêu dùng tự nhiên, hữu cơ, bền vững; nhận thức ngày càng cao về lợi ích sức khỏe (chống viêm, kháng khuẩn); nhu cầu tăng ở thị trường phát triển như Bắc Mỹ, châu Âu.
Sản lượng tiêu niên vụ 2024/25 của Việt Nam dự kiến đạt 172.000 tấn, giảm khoảng 2% so với năm trước và giảm 47% so với mức 322.000 tấn của niên vụ 2018/19. Dự báo sản lượng tiêu toàn cầu sẽ tiếp tục giảm trong năm 2025, do diện tích canh tác thu hẹp tại Việt Nam cùng thời tiết bất lợi ở Ấn Độ. Sản lượng hạt tiêu toàn cầu trong năm 2025 dự kiến giảm xuống còn 434.000 tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ vẫn ở mức cao.
VPSA cho biết nguyên nhân chính nguồn cung sụt giảm tại Việt Nam là thiếu quỹ đất mới dành cho hồ tiêu. Nông dân chuyển sang các loại cây khác có lợi nhuận cao hơn như sầu riêng, cà phê.