Dựa trên dữ liệu khảo sát, Standard Chartered đã đánh giá và so sánh các sở thích phân bổ tài sản hiện tại và dự định ở những người giàu mới nổi, giàu lâu đời và người siêu giàu (triệu phú, có tài sản trên 1 triệu USD).
Báo cáo chỉ ra rằng, lạm phát, nguy cơ suy thoái và những thay đổi địa chính trị đang khiến các nhà đầu tư ngày càng cảm thấy không chắc chắn. Đầu tư là một lĩnh vực phức tạp, và thậm chí còn phức tạp hơn khi có nhiều thách thức như lạm phát cao và rủi ro suy thoái toàn cầu gia tăng.
Một phát hiện quan trọng là các nhà đầu tư có cố vấn chuyên nghiệp có danh mục đầu tư đa dạng hơn và ít có khả năng mất niềm tin vào danh mục đầu tư của họ, so với những người không có cố vấn. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của các cố vấn tài sản trong việc giúp các nhà đầu tư duy trì lộ trình, điều rất quan trọng để đạt được các mục tiêu tài chính.
84% người trả lời cho biết họ đã đặt mục tiêu mới cho việc để dành tiền trong năm vừa rồi. 46% dành tiền để chăm sóc sức khỏe tốt hơn, 39% đặt mục tiêu cho hưu trí và 38% đặt mục tiêu tiết kiệm cho con cái.
Còn về đầu tư, trong một thế giới lạm phát cao, cổ phiếu, nghiêng về phân khúc giá trị, được coi là một loại tài sản tốt để chống lạm phát và là một phần quan trọng của danh mục đầu tư.
Các nhà đầu tư đang xem xét lại việc nắm giữ cổ phiếu, khi sự biến động của thị trường gia tăng, nhưng cổ phiếu vẫn là một phần không thể thiếu trong danh mục đầu tư. Trong số những người hiện đang đầu tư vào cổ phiếu, nhóm nghiên cứu ước tính việc phân bổ cổ phiếu trong danh mục sẽ giảm 9% trong năm tới.
Các nhà đầu tư cũng đang xem bất động sản và vàng như những hàng rào chống lại lạm phát. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng bất động sản có thể phải đối mặt với những thách thức ngắn hạn vì chi phí huy động vốn gia tăng cũng như rủi ro suy thoái kinh tế. Trong khi đó, nhóm nghiên cứu cũng không coi vàng là một công cụ phòng ngừa lạm phát, đặc biệt là trong ngắn hạn.
Đáng chú ý, nhóm nghiên cứu lại thấy rằng tài sản kỹ thuật số tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư, bất chấp sự hỗn loạn gần đây trên thị trường tiền điện tử. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho biết, cuộc khảo sát được thực hiện trước khi sàn giao dịch tiền điện tử FTX sụp đổ . Hơn 60% số người được hỏi tin rằng tài sản kỹ thuật số là một phần quan trọng trong danh mục đầu tư và khoảng một phần ba (35%) tin rằng chúng là một khoản đầu tư dài hạn. Nhóm cho rằng những diễn biến trong vài tuần qua có thể làm giảm sự hứng thú của nhà đầu tư với loại tài sản này.
Hiện tại, những người giữ tiền mặt đang phân bổ 26% tài sản của họ dưới dạng tiền mặt . Tuy nhiên, cuộc khảo sát cho thấy rằng tỷ lệ này dự kiến sẽ thay đổi, có thể là do lạm phát gia tăng.
Cũng theo báo cáo, hơn 90% nhà đầu tư/người tiêu dùng giàu có được khảo sát tại Việt Nam cho biết họ đã có sự thay đổi mục tiêu trong vòng 18 tháng trở lại đây. Họ đang dành tiền cho 3 mục tiêu: giáo dục con cái (53%), kỳ nghỉ và các hoạt động tận hưởng khác (52%) và chăm sóc người già (48%).
Tuy nhiên, các nhà đầu tư/người tiêu dùng giàu có dự đoán lạm phát (36%), biến động trên thị trường tài chính (29%) và nguy cơ suy thoái (21%) sẽ là những thách thức đối với các mục tiêu này.
Trong khi đó, các quốc gia Đông Nam Á khác được khảo sát lại dành tiền cho những mục đích khác. Người giàu ở Thái Lan dành tiền cho việc nghỉ hưu (47%), để lại tài sản thừa kế (46%) và bắt kịp chi phí sống gia tăng (39%). Ở Singapore, những người này dành tiền cho việc cải thiện sức khỏe (38%), theo kịp chi phí sống gia tăng (35%) và theo đuổi các dự án cá nhân, thay đổi lối sống (34%). Ở Malaysia, người trả lời cho biết họ dành tiền để nghỉ hưu (54%), bắt kịp chi phí sống gia tăng (48%) và trải nghiệm, đi nghỉ (45%).
Tài sản kỹ thuật số là một trong số những tài sản phổ biến ở Việt Nam. Nghiên cứu của Standard Chartered cho thấy 8/10 (80%) người trả lời khảo sát hiện đang đầu tư vào tài sản kỹ thuật số và 73% tin rằng tài sản kỹ thuật số là một yếu tố quan trọng trong danh mục đầu tư. Tuy nhiên, cuộc khảo sát được thực hiện trước khi sàn giao dịch tiền điện tử FTX sụp đổ.
Mặc dù chỉ một phần tư (27%) tin tưởng vào tài sản kỹ thuật số trong dài hạn, nhưng phần lớn số người được hỏi (54%) vẫn đang tìm cách gia tăng tài sản kỹ thuật số vào danh mục đầu tư của họ.
Các nhà đầu tư/người tiêu dùng giàu có ở Việt Nam cũng rất quan tâm đến các khoản đầu tư bền vững. 57% hiện đang đầu tư vào các quỹ bền vững. 40% nhà đầu tư làm như vậy vì họ tin vào tầm quan trọng của việc đầu tư cho tương lai, trong khi 39% làm vậy vì cảm thấy hài lòng về những khoản đầu tư tốt cho hành tinh và xã hội. 38% cũng thu về lợi nhuận tốt từ các khoản đầu tư bền vững của họ.
Hơn một nửa (54%) số nhà đầu tư trả lời khảo sát có kế hoạch tăng đầu tư vào năm 2023, trong đó 26% đang xem xét mở rộng danh mục đầu tư bền vững của họ một cách đáng kể.
Đây là năm thứ ba Standard Chartered thực hiện Báo cáo Kỳ vọng Tài sản kể từ năm 2019. Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu được chứng nhận bởi Hội đồng Thăm dò ý kiến Anh của Portland, tiến hành bỏ phiếu trực tuyến trên 14 thị trường, bao gồm Trung Quốc đại lục, Ấn Độ, Pakistan, UAE, Việt Nam, Hồng Kông (Trung Quốc), Kenya, Nigeria, Indonesia, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Thái Lan, Singapore và Hàn Quốc.
Những người được hỏi được yêu cầu cho biết tỷ lệ mà họ đã phân bổ cho 16 loại tài sản cụ thể bao gồm tiền mặt, chứng khoán, bất động sản nhà ở và tài sản kỹ thuật số... trong năm 2022 và dự kiến cho năm 2023.