Nhiều người có lẽ đã quen với thuật ngữ "petrostates", thường dùng để chỉ các quốc gia có mối liên hệ chặt chẽ với ngành công nghiệp dầu mỏ. Ả rập Xê Út, UAE, Kuwait hay Iran là những "petrostates" điển hình.
Nhưng khi động lực điện khí hoá toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ, các nhà khoa học đã gọi tên một thuật ngữ mới có tên "electrostates " – nói về các quốc gia đạt được nhiều tiến bộ nhất trong quá trình chuyển đổi công nghệ phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch sang các giải pháp thay thế chạy bằng điện.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), điện khí hoá là "một trong những chiến lược quan trọng nhất để giảm phát thải carbon từ năng lượng". Và, giống nhiều lĩnh vực khoa học khác, Trung Quốc đã nổi lên là quốc gia dẫn đầu trong cuộc đua điện khí hoá, vượt qua Mỹ và châu Âu.
Theo một nghiên cứu mới đây, tỷ lệ điện khí hoá của Trung Quốc đã đạt 30%, vượt xa Mỹ và EU – nơi tỷ lệ điện khí hoá ổn định ở mức xấp xỉ 22% những năm gần đây.
Cũng theo nghiên cứu này, Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về tỷ lệ điện khí hoá các toà nhà nhưng Trung Quốc gần đây đã bắt kịp Mỹ và châu Âu về điện khí hoá công nghiệp và vượt qua 2 "ông lớn" này về điện khí hoá giao thông.
Vào năm 2024, xe điện (EV) chiếm khoảng 47,9% tổng doanh số bán xe du lịch tại Trung Quốc, tăng mạnh so với mức chỉ 6,3% của năm 2020. Trong khi đó, EV chiếm chưa đến 23% doanh số bán ô tô mới tại châu Âu cùng thời điểm.
Sự mở rộng nhanh chóng của mạng lưới đường sắt hiện đại của Trung Quốc cũng giúp thúc đẩy quá trình điện khí hoá ngành giao thông nước này. Trung Quốc tự hào có mạng lưới đường sắt cao tốc dài 45.000 km, gấp 5 lần so với EU. Con số đó dự kiến tăng lên 60.00 km vào năm 2030.
Hiện tại, Trung Quốc không chỉ đang nhanh chóng tiến tới đảm bảo an ninh năng lượng mà còn kiểm soát các khoáng sản quan trọng làm nền tảng cho các công nghệ trong tương lai.
"Không ai lo lắng về an ninh năng lượng, các ngành công nghiệp quan trọng và thực phẩm trong khi Trung Quốc đã tập trung giải quyết vấn đề đó trong nhiều năm", Andrew Gilholm, Giám đốc phân tích tại công ty tư vấn Control Risks cho biết.
Trung Quốc hiện đạt những bước tiến lớn trong điện khí hoá, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo, robot và IoT. Và giống như việc dầu mỏ thúc đẩy các quốc gia của thế giới Ả Rập trước đây, các công nghệ năng lượng sạch đang thúc đẩy Trung Quốc.
Cụ thể, năng lượng tái tạo chiếm mức kỷ lục 10% GDP của Trung Quốc vào năm 2024, thúc đẩy mở rộng nền kinh tế, theo CREA. Ngoài an ninh năng lượng và tăng trưởng kinh tế, điện khí hoá dự kiến đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
"Chúng ta không thấy bất cứ cách nào để đạt được nền kinh tế không phát thải carbon ngoài trừ điện khí hoá ồ ạt", ông Adair Turner, người đứng đầu Uỷ ban Chuyển đổi Năng lượng cho biết.
Điều này đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc – nơi gây ô nhiễm và phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới. Than vẫn là chủ đề gây tranh cãi tại Trung Quốc, khi Bắc Kinh cho biết sẽ bắt đầu giảm dần lượng tiêu thụ than cho đến năm 2030. IEA dự đoán sản lượng than ở Trung Quốc có thể đạt đỉnh vào năm nay và giảm dần trong các năm sau đó.