Vải thiều là loại trái cây đặc sản của Việt Nam. Mặt hàng nông sản này hàng năm đem lại nguồn thu ngoại tệ không hề nhỏ cho nền kinh tế trong nước.
Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, vụ vải thiều 2025 được đánh giá là được mùa, sản lượng dự kiến đạt 303.000 tấn, tăng khoảng 30% so với năm 2024. Bộ Nông nghiệp và Môi trường dự kiến sẽ đẩy mạnh xuất khẩu khoảng 40% sản lượng .
Sản lượng tăng nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi trong thời kỳ phân hóa mầm hoa, ra hoa, đậu quả và sinh vật gây hại được kiểm soát tốt.
Theo báo cáo của tỉnh Bắc Giang , năm nay toàn tỉnh có khoảng 29.700 ha vải thiều , trong đó vải sớm 8.000 ha, còn lại là vải chính vụ. Hiện nay các trà vải đang giai đoạn phát triển quả, tỷ lệ đậu quả ước đạt hơn 80%, dự kiến sản lượng đạt trên 165.000 tấn.
Theo Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường nông sản, một bước tiến đáng kể trong niên vụ vải năm nay, là việc Nhật Bản chấp thuận để Việt Nam tự giám sát quá trình xử lý kiểm dịch xuất khẩu vải, thay vì cử chuyên gia sang giám sát như các năm trước. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ vừa phê duyệt thêm ba mã số vùng trồng tại Bắc Giang , đưa tổng số mã vùng được cấp phép của tỉnh lên hơn 240, tương ứng với gần 18.000 ha.
Vải thiều Việt Nam tại hệ thống siêu thị AEON Nhật Bản.
Trong khi đó, tỉnh Hải Dương có sản lượng đạt 60.000 tấn, trong đó sẽ có khoảng 35.000 tấn vải Thanh Hà. Dự kiến hơn 2.000 tấn vải thiều Thanh Hà sẽ xuất khẩu sang những thị trường cao cấp như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Trung Đông và các nước châu Âu.
Phần lớn diện tích vải của Hải Dương đều được sản xuất theo quy trình an toàn, với 12 vùng đã được chứng nhận GlobalGAP và 56 vùng đạt chứng nhận VietGAP, với tổng diện tích 721 ha. Hiện, toàn tỉnh đã được cấp 198 mã số vùng trồng vải, riêng huyện Thanh Hà có 167 mã số để phục vụ xuất khẩu theo yêu cầu của các thị trường quốc tế như Nhật Bản, Mỹ, các nước châu Âu...
Mặc dù quả vải tươi của Việt Nam đã xuất khẩu đi hơn 20 nước trên thế giới nhưng thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường trọng yếu, chiếm đến 90% sản lượng xuất khẩu . Trang tin Sohu (Trung Quốc) từng thừa nhận rằng, mặc dù Trung Quốc cũng trồng vải và có sản lượng lớn nhất thế giới (hơn 2 triệu tấn/năm), nhưng nước này vẫn nhập khẩu số lượng lớn từ Việt Nam do điều kiện nhiệt độ tại Việt Nam phù hợp hơn cả, giúp vải chín nhanh hơn, đồng thời cho chất lượng tốt hơn.
Vụ thu hoạch vải của Trung Quốc thường diễn ra rất ngắn và kết thúc sớm vào tháng 5 hàng năm, sớm hơn vụ chính của Việt Nam hơn 1 tháng. Vì vậy, đây là lợi thế rất lớn cho quả vải Việt Nam ở thị trường Trung Quốc, và thực tế tốc độ tiêu thụ vải Việt Nam ở thị trường Trung Quốc đang tăng trưởng tích cực, trong đó chủ yếu được đưa vào hệ thống siêu thị với giá bán rất cao.