Bloomberg dẫn lời một số quan chức Trung Quốc cho rằng sau 2 ngày cuối tuần với đầy ắp những thông điệp không nhất quán và nhiều tín hiệu khó hiểu, giờ đây chính thái độ thay đổi quá nhanh của Tổng thống Trump lại trở thành trở ngại lớn nhất ngăn Trung Quốc tiến đến 1 thỏa thuận. Chỉ có rất ít nhà đàm phán của Bắc Kinh tin rằng chiến tranh thương mại sẽ chấm dứt trước khi cuộc bầu cử Mỹ năm 2020 diễn ra, mà một phần là bởi bất kỳ ai cố vấn cho Chủ tịch Tập Cận Bình ký vào một thỏa thuận thương mại cũng sẽ "gặp nguy hiểm" khi mà ông Trump có thể phá bỏ thỏa thuận ấy bất cứ lúc nào.
Hôm đầu tuần, tin tức tràn ngập trên các mặt báo rằng Trung Quốc đã tỏ ra thiện chí hơn, thậm chí thị trường chứng khoán đã tăng vọt, nhưng không ai ở Bắc Kinh biết ông Trump đang nói về điều gì. Thậm chí điều này còn khiến một số người củng cố quan điểm cho rằng không thể quá tin vào những gì ông ấy nói, dẫn đến "gần như không thể đạt được thỏa thuận nhanh chóng", theo Tao Dong – chuyên gia của Credit Suisse chi nhánh Hồng Kông.
Phía Trung Quốc so sánh lối tiếp cận của Mỹ hiện nay giống như thời chiến tranh liên Triều, tức là Mỹ thích vừa đánh vừa đàm phán và sẽ sử dụng các cuộc tấn công để đẩy nhanh tiến trình đàm phán. Trung Quốc đã chuẩn bị các kế hoạch khẩn cấp trong trường hợp không thể đạt được thỏa thuận, trong đó bao gồm đặt các công ty Mỹ vào danh sách các thực thể không đáng tin cậy và tung các biện pháp kích thích kinh tế.
Gần như ngay sau những phát biểu của ông Trump, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố họ không biết những cuộc điện đàm mà ông nhắc tới. Một trong những người đầu tiên lên tiếng là Hu Xijin, tổng biên tập của tờ Thời báo hoàn cầu, người trước đó cho rằng Tổng thống Mỹ đang làm quá về tầm quan trọng của những cuộc đàm phán cấp thấp và vị thế của Trung Quốc không hề thay đổi.
Mặc dù các quan chức ở Bắc Kinh vẫn sẵn sàng đàm phán, họ đã có tâm thế sẵn sàng hơn cho kịch bản hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tách rời, nhất là sau khi ông Trump dọa sẽ ra lệnh cho các công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc. Và trên thực tế không cần đến lệnh của ông Trump thì các công ty đã phải tìm kiếm phương án thay thế trong bối cảnh có quá nhiều bất ổn như hiện nay, theo Tim Stratford – Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ ở Trung Quốc.
Xung đột thương mại đã gây ra ít nhiều tổn hại cho kinh tế Trung Quốc, với tốc độ tăng trưởng GDP đã rơi xuống mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ trong khi các nhà hoạch định chính sách vẫn đang đau đầu tìm cách giảm nợ và rủi ro tài chính. Tuy nhiên Trung Quốc vẫn có lợi thế khi còn nhiều dư địa để điều chỉnh chính sách. Tuần trước NHTW Trung Quốc đã thực hiện 1 cải cách lớn khi thay đổi chính sách lãi suất để hạ chi phí đi vay, đồng thời đang xem xét cho phép các địa phương phát hành thêm trái phiếu cho đầu tư cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên về mặt chính trị thì ông Tập không có quá nhiều dư địa. Những người có quan điểm cứng rắn trong chính phủ ngày càng trở nên mất bình tĩnh sau mỗi lần ông Trump đưa ra những phát ngôn và cả nhiều động thái gây sốc như gọi Trung Quốc là kẻ thù hay vùi dập Huawei.
Mặc dù Trung Quốc sẵn sàng tăng mua nông sản Mỹ, rất khó để ông Tập ký vào 1 thỏa thuận cho phép Mỹ tiếp tục duy trì những loại thuế quan trừng phạt đã được áp dụng từ khi chiến tranh thương mại bùng nổ. Ông cũng không thể đồng ý tư nhân hóa nhiều phần của nền kinh tế bởi điều đó sẽ làm lung lay quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Quyền lực của đảng, lòng tự tôn dân tộc, đặc biệt là vị thế của người Trung Quốc trên thế giới là những điều quan trọng khó có thể từ bỏ để thỏa hiệp.
Hiện nay, về kỹ thuật thì cả 2 bên đang ủng hộ việc nối lại đàm phán trực tiếp vào tháng tới. Từ phía Trung Quốc, diễn biến tiếp theo sẽ phụ thuộc rất lớn vào những toan tính chính trị của ông Trump trước thềm bầu cử.