CEO Vinasamex Nguyễn Thị Huyền: Nếu đã có đích đến thì cần gì phải vội!

29/01/2023 11:15
Với mục tiêu nâng tầm nông sản Việt, đưa sản phẩm quế, hồi và gia vị ra thế giới, CEO Vinasamex Nguyễn Thị Huyền cho rằng, chỉ cần kiên trì, nỗ lực và cố gắng thì chắc chắn sẽ được hưởng trái ngọt.

Những ngày đầu năm 2023, Công ty CP Sản xuất và Xuất khẩu Quế hồi Việt Nam (Vinasamex) tất bật cho việc khai trương trụ sở chính tại huyện Gia Lâm, Hà Nội, đánh dấu quá trình 10 năm hình thành và phát triển.

Ngay sau đó là cuộc trò chuyện giữa Nhadautu.vn với bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng Giám đốc Vinasamex để nhìn lại những kết quả đạt được trong năm 2022 và hoạch định chiến lược cho năm mới.

Cơ duyên nào đã đưa bà đến với ngành quế, hồi?

CEO Vinasamex Nguyễn Thị Huyền: Nếu đã có đích đến thì cần gì phải vội! - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng Giám đốc Vinasamex.

CEO Nguyễn Thị Huyền: Cơ duyên đến với ngành quế, hồi với tôi rất đặc biệt. Thực tế, người nhận ra tiềm năng và đặt những nền móng đầu tiên với ngành quế hồi là ông Nguyễn Quế Anh, Chủ tịch HĐQT Vinasamex, là chồng của tôi.

Trong một lần dẫn khách Ấn Độ, tôi đã say mê trước vẻ đẹp và hương thơm đặc biệt của rừng quế, hồi. Khi nghiên cứu sâu hơn, tôi nhận ra rằng, quế, hồi là một sản phẩm tiềm năng.

Thực tế, trên thế giới chỉ có 5 nước có quế, hồi, trong đó có Việt Nam. Và đặc biệt, chỉ có Việt Nam và Trung Quốc là hai nước trên thế giới sở hữu cây hồi. Có thể thấy, vẫn còn rất nhiều tiềm năng và cơ hội cho công ty để tiếp cận và chiếm lĩnh thị phần trong ngành quế, hồi.

Tôi nhớ như in, những ngày đầu của công ty vô cùng gian nan. Chúng tôi đã đặt mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu organic ngay từ giai đoạn đó. Khi ấy, nhiều người nói chúng tôi là "hâm" và không biết lượng sức mình.

Tuy nhiên, kiên định với mục tiêu và những đánh giá của bản thân, tôi đã quy hoạch vùng nguyên liệu quế organic đầu tiên với diện tích 1.000ha, sau đó mở rộng hơn 400ha và đã thành công. Cùng với đó, nhà máy sử dụng hệ thống máy móc hiện đại, có công suất sấy 20 tấn hàng tươi/ngày và có khả năng cung cấp 15 tấn hàng khô/ngày được xây dựng.

Chúng tôi đã vượt qua nhiều gian khó, đi vào rừng quế, hồi để thuyết phục và sau đó là đào tạo người nông dân trồng quế theo tiêu chuẩn quốc tế. Hiện tại, đã có hơn 2.000 hộ nông dân hợp tác với Vinasamex để trồng quế, hồi hữu cơ. Mỗi năm, công ty cũng triển khai ít nhất 2 khoá đào tạo cho các hộ dân.

Để vào được các thị trường khó tính, trước hết sản phẩm phải đáp ứng được những tiêu chuẩn của thị trường đó. Với các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ, chúng tôi cần có một lộ trình dài hơi phát triển vùng nguyên liệu, đào tạo người nông dân để có được một sản phẩm chất lượng cuối cùng.

Đồng thời, công ty cũng thực hiện các tác động xã hội, tích cực đóng góp cho cộng đồng. Giá trị xã hội mà doanh nghiệp tạo ra được đánh giá rất cao tại các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ. Nhiều khách hàng của chúng tôi đã bày tỏ sự quan tâm thực sự tới những giá trị mà công ty đem lại cho cộng đồng, và thậm chí sẵn sàng trả cao hơn 10-20% so với giá thị trường.

Để tiếp cận khách hàng, chúng tôi chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu nhằm lan toả những giá trị của doanh nghiệp. Mong rằng những điều tốt đẹp mà chúng tôi muốn truyền tải sẽ đến được với đối tác, câu chuyện của Vinasamex sẽ tới được nhiều quốc gia, và hơn hết sẽ góp phần nâng tầm thương hiệu nông sản Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Sau 10 năm thành lập, Vinasamex là thương hiệu quế, hồi cao cấp đầu tiên tại Việt Nam xây dựng, sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín, đã và đang khẳng định thương hiệu nước nhà trên trường quốc tế. Năm vừa qua, công ty đã đạt được những thành tựu gì đáng chú ý?

CEO Nguyễn Thị Huyền: Năm vừa qua là một năm khó khăn với mọi doanh nghiệp, Vinasamex vẫn tiếp tục giữ vững vị thế trên thị trường. Doanh thu của công ty ổn định so với giai đoạn 2020-2021.

Empty

Nếu đã có đích đến thì cần gì phải vội, mà nếu không biết đích đến thì vội để làm gì. Nếu đã có một mục tiêu rõ ràng, tôi tin là chỉ cần nỗ lực và cố gắng thì chúng ta chắc chắn sẽ được hưởng trái ngọt

CEO Nguyễn Thị Huyền

Bên cạnh đó, công ty vẫn tiếp tục trên con đường hướng tới mục tiêu IPO 620 triệu USD vào năm 2026 bằng cách liên tục cải tiến hoạt động, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, mở rộng vùng nguyên liệu và xây dựng mở rộng nhà máy sản xuất.

Năm 2022, về hoạt động kinh doanh, công ty đã bắt đầu quay trở lại tham gia các hoạt động hội chợ quốc tế, và đưa những sản phẩm đầu tiên lên nền tảng thương mại điện tử châu Âu Miss Linh. Về kêu gọi đầu tư, công ty đã tổ chức thành công vòng gọi vốn Angel - vòng gọi vốn dành cho các nhà đầu tư Thiên thần.

Đồng thời, công ty cũng tiến hành khởi công xây dựng thêm 1 nhà máy mới tại Bảo Thắng - Lào Cai, phục vụ cho việc chiết xuất tinh dầu. Bên cạnh đó, công ty đạt được nhiều giải thưởng như: Quán quân Doanh nhân cộng đồng Blue Venture Awards, Top 4 giải Doanh nhân Phượng Hoàng và là doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam nhận giải thưởng Doanh nghiệp Kinh Doanh bao trùm ASEAN 2022 diễn ra tại Campuchia.

Nhìn chung, năm 2022 là năm khó khăn với công ty nhưng cũng là cơ hội, là tiền đề chuẩn bị để đón chào một năm 2023 nhiều bứt phá.

Hiện nay, ngoài văn phòng đặt tại Hà Nội, công ty có 1 nhà máy tại Yên Bái; 3 nhà máy khác đang đưa vào xây dựng tại Lào Cai và Lạng Sơn. Tại nhà máy đang hoạt động tại Yên Bái, sản lượng chế biến có thể đạt 40 tấn/ngày. Các nhà máy đang xây dựng tại Lào Cai và Lạng Sơn hướng đến việc chiết xuất các tinh chất từ tinh dầu phục vụ cung ứng cho ngành dược mỹ phẩm.

Các sản phẩm của công ty đạt đủ tiêu chuẩn đi tới khắp các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, công ty tập trung vào các thị trường cao cấp như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Năm 2022 đi qua, tình hình kinh tế trong và ngoài nước có nhiều biến động, công ty đã gặp những khó khăn, thách thức gì, thưa bà?

CEO Nguyễn Thị Huyền: Do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, năm 2022 là một năm khó khăn và đầy biến động đối với nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Các doanh nghiệp theo đó cũng chịu nhiều ảnh hưởng và công ty cũng không phải là một ngoại lệ.

Năm vừa qua, khi kinh tế ảm đạm, người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm chi tiêu, và chỉ ưu tiên mua những sản phẩm thiết yếu. Sản phẩm của công ty là các sản phẩm gia vị, tiêu dùng thường xuyên. Vì lý do này mà sự ảm đạm của nền kinh tế không tác động quá lớn đến hoạt động của công ty. Từ năm 2020-2021, doanh thu công ty tăng và giữ ổn định trong giai đoạn 2021-2022.

Để vượt qua những khó khăn trong giai đoạn này, công ty đã từng bước thay đổi chiến lược kinh doanh. Công ty đang xây dựng thêm 2 nhà máy để phục vụ việc chế biến các dòng sản phẩm khác thiết yếu, tập trung vào nhóm ngành hàng sản xuất tinh dầu hữu cơ. Các loại tinh dầu này dùng để bán cho các nhãn hàng hoá mỹ phẩm.

Các nhà máy sẽ hướng tới chiết xuất các tinh chất trong tinh dầu. Trong đó, nhà máy tại Bảo Thắng, Lào Cai lấy ra Curmarin dùng cho thuốc chống đột quỵ, axit shikimic dùng làm thuốc kháng viêm, điều trị trong quá trình trị xạ, làm thuốc chống HIV và tăng cường hệ miễn dịch và tốt cho mạch máu; Nhà máy ở Lạng Sơn sẽ chiết xuất ra axit shikimic bán cho công ty làm thuốc tamiflu chống cúm.

Việc chuyển đổi định hướng về khách hàng sẽ là cơ hội để giải quyết bài toán khó khăn trong năm 2023, thay vì việc khách hàng chỉ sản phẩm để trang trí, công ty sẽ hướng đến các sản phẩm thiết yếu hơn và có nhu cầu cao hơn như: thuốc, sản phẩm chăm sóc sắc đẹp. Đồng thời, sản phẩm sản xuất ra có giá trị gia tăng cao hơn, nhắm đến các đối tượng có tiềm năng hơn.

Ngoài ra, công ty cũng phải cắt giảm chi phí, hệ thống quy trình hoá để tiết kiệm chi phí, ổn định dòng tiền. Song song, công ty cũng có kế hoạch phát triển các kênh kinh doanh bổ trợ thêm: phát triển kênh B2C và đưa sản phẩm tốt với giá hợp lý nhất lên các nền tảng thương mại điện tử: Amazon, Miss Linh tại châu Âu để khách hàng mua trực tiếp thay vì mua qua nhiều khâu, nhiều cầu, từ đó khách hàng có thể mua được sản phẩm tốt với giá hợp lý hơn.

Vậy, kế hoạch trong năm mới và những năm tiếp theo của công ty ra sao?

CEO Nguyễn Thị Huyền: Trong năm 2023 và những năm tiếp theo, công ty vẫn sẽ kiên trì và kiên định với mục tiêu đã đề ra. Với định hướng nâng tầm nông sản Việt, đưa các sản phẩm quế, hồi và gia vị của Việt Nam ra thế giới, công ty luôn không ngừng áp dụng những yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng.

Công ty đã có những mục tiêu rất rõ ràng. Tôi thường chia sẻ cho các nhân viên rằng, nếu đã có đích đến thì cần gì phải vội, mà nếu không biết đích đến thì vội để làm gì. Nếu chúng ta đã có một mục tiêu rõ ràng, tôi tin là chỉ cần nỗ lực và cố gắng thì chúng ta chắc chắn sẽ được hưởng trái ngọt.

Những năm tới, công ty tiếp tục theo định hướng hướng tới các sản phẩm chế biến sâu, mang lại giá trị gia tăng cao hơn, cung cấp đầu vào không chỉ cho ngành chế biến thực phẩm mà còn mở rộng sang ngành dược, hoá mỹ phẩm...

Xin trân trọng cám ơn!


Tin mới

4 mặt hàng nông lâm, thủy sản xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong Quý I
34 phút trước
Các nhóm hàng xuất khẩu đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái, với 4 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, gồm gỗ; rau quả; gạo và cà phê.
Trong khi các hãng xe ráo riết tìm nơi xây tổ, Trung Quốc lại nắm trong tay một 'thiên đường' xe cực hấp dẫn: Sẵn có nhiều nhà máy với giá cực rẻ, thu lợi nhuận cao chót vót trong năm 2023
53 phút trước
Thậm chí Trung Quốc được coi là vị cứu tinh đối với ngành ô tô quốc gia này.
Vụ kho hàng "hot girl" Mailystyle: Giá trị hàng hóa vi phạm hơn 20 tỷ đồng, chuyển hồ sơ sang Công an điều tra
43 phút trước
Cục QLTT Hà Nội cho biết, vụ việc vi phạm ở kho hàng Mailystyle có tính chất phức tạp, số lượng hàng hóa vi phạm giá trị lớn.
Hóa đơn tiền điện trong tháng 3 của người dân TPHCM sẽ tăng mạnh
7 phút trước
Lượng sử dụng điện tăng sẽ dẫn đến hóa đơn tiền điện của người dân TPHCM trong tháng 3 cao hơn các tháng trước. Dự báo, sản lượng điện tiêu thụ sẽ tiếp tục tăng cao và lập kỷ lục mới trong tháng 4 và 5.
Cận cảnh tiệc cưới Quang Hải: Thực khách ấn tượng với món quả cầu vàng chiên thơm
4 phút trước
Những hình ảnh của bữa cỗ chính trong đám cưới Quang Hải - Chu Thanh Huyền tại nhà trai hôm nay (28/3) đã lộ diện.

Tin cùng chuyên mục

Nóng: Novaland đạt thỏa thuận gia hạn 2 lô trái phiếu đầu tiên
24/03/2023 12:39
Lần đầu tiên, Novaland đạt thỏa thuận với trái chủ trong việc gia hạn thời gian đáo hạn với 2 lô trái phiếu có tổng giá trị 1.750 tỷ đồng.
Startup xe đạp trợ lực Wiibike của nữ CEO xinh đẹp từng được Shark Phú "săn đón" hiện kinh doanh ra sao?
24/03/2023 10:47
Sau 1 năm lên sóng Shark Tank mùa 4, Startup Wiibike của nữ CEO xinh đẹp Thu Hằng đã tăng doanh thu hơn 6 lần. Công ty này cũng mở nhượng quyền mô hình cà phê xe đạp.
Cơn đau đầu của Starbucks: Khách hàng chỉ 'tự thưởng' ly cà phê giá 100.000 đồng 1 lần/tuần, chịu thua trước những chuỗi bán giá 17.000 đồng/ly
24/03/2023 09:39
Starbucks đang ở trong cuộc chiến giá khốc liệt khi cà phê của họ được liệt vào dạng "bán xa xỉ".
Con đường nào đưa Toshiba từ biểu tượng về thiết bị điện tử, năng lượng hạt nhân... đến bán mình, hủy niêm yết?
24/03/2023 09:02
Không chỉ tại Việt Nam mà ở nhiều nơi trên toàn thế giới, cái tên Toshiba là sự đảm bảo cho chất lượng của những sản phẩm điện máy. Với lịch sử gần 150 năm tuổi, Toshiba đã gây dựng được thương hiệu của mình ở khắp nơi.