Indonesia muốn hợp tác với Việt Nam để thiết lập hệ sinh thái xe điện khu vực ASEAN

12/03/2023 11:31
Chủ tịch KADIN Indonesia cũng nhấn mạnh, phía Indonesia mong muốn hợp tác với các DN và chính phủ Việt Nam để thiết lập hệ sinh thái xe điện khu vực ASEAN.

“Chúng tôi muốn lắng nghe DN Việt Nam cùng các bên liên quan đề xuất và mong muốn gì để có thể thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác tiềm năng”. Đây là chia sẻ của ông Arsjad Rasjid, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Indonesia (KADIN), đồng thời cũng là Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN 2023 (ASEAN-BAC 2023) trong cuộc phỏng vấn của phóng viên VOV tthường trú tại Indonesia, trước thềm chuyến thăm đến Việt Nam trong hai ngày 13 và 14/3, nhằm quảng bá các chương trình nghị sự kinh tế và doanh nghiệp ưu tiên trong năm chủ tịch ASEAN.

Với nỗ lực xây dựng cộng đồng ASEAN "Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng” chuyến thăm đến Việt Nam của Chủ tịch KADIN Indonesia không chỉ là để quảng bá cho các chương trình nghị sự trong năm Chủ tịch của Indonesia, mà còn muốn thúc đẩy hội nhập và hợp tác kinh tế khu vực, nhằm đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN, giúp ASEAN trở thành tâm điểm của tăng trưởng.

Theo ông Arsjad Rasjid, ASEAN có tốc độ tăng trưởng trung bình là 5,5%, với các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao khu vực như Việt Nam, Indonesia hay Philippines. Ngoài ra các nước ASEAN cũng kiểm soát tốt lạm phát và đóng góp đối với nền kinh tế toàn cầu hơn cả EU hay Mỹ… Do đó, ASEAN có thể là nhân tố lớn tiếp theo của nền kinh tế thế giới. Với sức nặng kinh tế tổng hợp, sức sống và sự đa dạng của 10 nền kinh tế ASEAN, đã đến lúc ASEAN cần thiết lập một tiếng nói chung gửi tới thế giới, đoàn kết, đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng, mang lại lợi ích cho người dân toàn khu vực.

Indonesia muốn hợp tác với Việt Nam để thiết lập hệ sinh thái xe điện khu vực ASEAN - Ảnh 1.

Ông Arsjad Rasjid, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Indonesia (KADIN), đồng thời cũng là Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN 2023 (ASEAN-BAC)

Riêng đối với Việt Nam, với tổng GDP của Indonesia và Việt Nam chiếm hơn 60% tổng GDP của ASEAN, khiến cả hai quốc gia đều đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu này. Do đó, Indonesia mong muốn hợp tác với Việt Nam để thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực ưu tiên đã được chính quyền của Tổng thống Indonesia Joko Widodo xác định như phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, công nghệ cao và chuyển đổi kỹ thuật số, đưa ASEAN trở thành tâm điểm tăng trưởng toàn cầu.

Các sáng kiến được giới thiệu tại Việt Nam

Chủ tịch Phòng công nghiệp KADIN Indonesia cho biết, các nội dung trong chương trình quảng bá lần này theo tầm nhìn chiến lược của ASEAN-BAC là “Vai trò trung tâm của ASEAN: Đổi mới hướng tới tính toàn diện hơn” thông qua những đổi mới nhằm thúc đẩy tính bao trùm lớn hơn trong khu vực. Bao trùm nghĩa là không để ai hay quốc gia nào bị bỏ lại phía sau mặc dù các quốc gia đều có sự khác biệt từ kinh tế đến văn hóa. Vì vậy, các sáng kiến phải có tính bao trùm và toàn diện với 5 vấn đề ưu tiên bao gồm chuyển đổi kỹ thuật số, phát triển bền vững, đảm bảo tính bền vững của y tế, an ninh lương thực, thuận lợi hóa các hoạt động đầu tư.

Ngoài ra có 7 kế thừa bao gồm: Hệ thống Mã QR ASEAN: Hệ thống mã QR ASEAN giúp cải thiện đáng kể thanh toán xuyên biên giới và kết nối thanh toán trong khu vực, giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, cải thiện thương mại và du lịch giữa các nước ASEAN. Kết nối ASEAN thông qua thanh toán xuyên biên giới QR ASEAN đã được thực hiện giữa 3 quốc gia là Thái Lan, Malaysia và Singapore và dự kiến có thêm nhiều quốc gia tham gia vào sáng kiến này.

Nền tảng cho vay kỹ thuật số: Đây là một nỗ lực hỗ trợ các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) và hỗ trợ tài chính toàn diện thông qua công nghệ tài chính. Điều này mang đến cơ hội mở rộng khả năng tiếp cận cho vay kỹ thuật số cho các MSMEs cải thiện lộ trình chuyển đổi kỹ thuật số và tài chính toàn diện của ASEAN

Chiến dịch One Shot: ASEAN-BAC quảng bá chiến dịch One Shot nhằm xây dựng 1 chương trình bảo vệ sức khỏe lâu dài, thông qua mở rộng phạm vi tiêm chủng thường xuyên, từ khi nhỏ đến khi đã trưởng thành. One Shot cũng cho phép triển khai vaccnine dành cho người trưởng thành để giải quyết các bệnh có thể phòng ngừa được hiện nay.

Doanh nghiệp Wiki ASEAN: Các MSMEs đã và đang là trụ cột của nền kinh tế Việt Nam và Indonesia. Nền tảng này sẽ cho phép MSMEs kết nối các doanh nghiệp trên toàn ASEAN để tiếp cận thị trường khu vực và toàn cầu, đồng thời nâng cao khả năng sẵn sàng mở rộng quy mô.

Ngoài ra, các sáng kiến bao gồm khử cacbon trong công nghiệp thông qua ASEAN Net Zero Hub và Carbon Center of Excellence cũng như vòng khép kín toàn diện đối với mặt hàng gạo thông qua hợp tác với Chương trình nâng cao chuỗi giá trị gạo (RVCEP). Ông cho rằng, tại Việt Nam có một chương trình tương tự giúp tăng năng suất và thành lập các HTX nông dân cũng như thúc đẩy quan hệ đối tác với khu vực tư nhân. Bằng cách tích hợp vòng khép kín toàn diện của ASEAN với các chương trình tại Việt Nam, có thể cải thiện an ninh lương thực trong ASEAN thông qua nông nghiệp bền vững, tiếp cận thị trường tốt hơn và gia tăng giá trị.

KADIN Indonesia muốn lắng nghe đề xuất của doanh nghiệp Việt Nam

Đề cập các lĩnh vực tiềm năng cụ thể KADIN Indonesia quan tâm hợp tác để xây dựng quan hệ đối tác với các DN và các bên liên quan tại Việt Nam, ông Arsjad Rasjid cho rằng điều quan trọng là phía Indonesia cũng muốn lắng nghe các DN Việt Nam đề xuất những gì để thúc đẩy hợp tác với Indonesia cũng như Việt Nam muốn Indonesia đầu tư vào lĩnh vực nào.

Theo thỏa thuận song phương hai nước, có các hợp tác trong việc phát triển nền kinh tế xanh hay lương thực thực phẩm… với rất nhiều tiềm năng. Chính vì vậy chuyến quảng bá lần này tại Việt Nam, KADIN Indonesia mong muốn lắng nghe tiếng nói của các DN cũng như là cơ hội để các bên liên quan ở cấp độ chính phủ tìm hiểu tiềm năng hợp tác. Trong khuôn khổ khu vực các chính phủ ASEAN cũng đang thảo luận và đưa ra các đề xuất để có thể hợp tác, tìm ra tiếng nói chung. Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh ASEAN vào tháng 9 tới là cơ hội không chỉ thúc đẩy hợp tác nội khối, mà còn đưa ra các đề xuất của ASEAN với thế giới và với các đối tác.

Chủ tịch KADIN Indonesia cũng nhấn mạnh, phía Indonesia mong muốn hợp tác với các DN và chính phủ Việt Nam để thiết lập hệ sinh thái xe điện khu vực ASEAN. Ông cho rằng, thị trường Đông Nam Á có tiềm năng rất lớn đối với xe điện, với giá trị thị trường dự kiến là 2,7 tỷ USD vào năm 2027. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất là thiếu cơ sở hạ tầng xe điện. Theo Cơ quan năng lượng quốc tế, tính đến năm 2020, toàn khu vực ASEAN chỉ có khoảng 9.000 điểm sạc công cộng, thấp hơn nhiều so với con số cần thiết để hỗ trợ sự tăng trưởng dự kiến của thị trường xe điện trong khu vực.

Để vượt qua những thách thức này, phía KADIN Indonesia đang tích cực tìm cách hợp tác với chính phủ và các bên liên quan, để thúc đẩy chính sách thân thiện với xe điện với các ưu đãi tài chính. Ngoài ra, Indonesia cam kết thúc đẩy sự hợp tác giữa ngành công nghiệp xe điện (EV) của Indonesia và Việt Nam. Cả hai quốc gia đều có tiềm năng lớn về xe điện, với Việt Nam là thị trường xe điện lớn thứ ba ở Đông Nam Á và Indonesia là thị trường ô tô lớn nhất trong khu vực. Bằng cách hợp tác và chia sẻ kiến thức cũng như nguồn lực, hai quốc gia có thể khai thác toàn bộ tiềm năng của thị trường xe điện trong khu vực ASEAN.

Indonesia muốn hợp tác với Việt Nam để thiết lập hệ sinh thái xe điện khu vực ASEAN - Ảnh 2.

Ông Arsjad Rasjid, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Indonesia (KADIN), đồng thời cũng là Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN 2023 (ASEAN-BAC) trả lời phỏng vấn của Đài TNVN

Việt Nam - Nhân tố chủ chốt của nền kinh tế ASEAN

Đánh giá về vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, ông Arsjad Rasjid nhấn mạnh, kể từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tham gia tích cực và đóng vai trò năng động trong việc thúc đẩy hòa bình và hợp tác nội khối, cũng như hợp tác của ASEAN với các đối tác khác như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và EU.

Trong vài thập kỷ qua, Việt Nam đã nổi lên là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hàng năm trên 6% kể từ năm 1986. Việt Nam hiện là nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN và có tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, điều này đang thúc đẩy tiêu dùng và thu hút đầu tư nước ngoài. Việt Nam cũng tích cực tham gia vào các nỗ lực hội nhập kinh tế khu vực, trong đó có việc tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC); là động lực chính trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Chủ tịch KADIN đồng thời cũng là Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN 2023 nhấn mạnh, với tư cách là những nhân tố chủ chốt trong nền kinh tế khu vực, Việt Nam và Indonesia có thể hợp tác để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm, tăng cường hội nhập khu vực và giải quyết những thách thức chung như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng và nghèo đói.

Tin mới

SHB cấp hạn mức thấu chi lên tới 300 triệu đồng hỗ trợ khách hàng mở rộng kinh doanh
2 giờ trước
Với hạn mức thấu chi hấp dẫn cùng nhiều ưu đãi thanh toán, gói giải pháp tài chính của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) sẽ góp phần giúp các hộ kinh doanh tháo gỡ khó khăn và bổ sung nguồn vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Khu vực Nam Hà Nội ở đâu là đích ngắm mới của nhà đầu tư bất động sản?
2 giờ trước
Trong bối cảnh bất động sản trung tâm Hà Nội liên tục tăng mạnh, Thường Tín nhanh chóng trở thành cái tên được chú ý nhờ chuẩn bị lên quận, cùng hàng loạt quy hoạch lớn.
Bất thường lượng điện tiêu thụ dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
2 giờ trước
Theo quy luật hàng năm, mức tiêu thụ điện vào các kỳ nghỉ lễ, tết thường giảm mạnh so với trước lễ nhưng đối với dịp 30/4-1/5 năm nay thì lại trái ngược.
Loạt tour du lịch nước ngoài dưới 10 triệu đồng hút khách dịp cao điểm hè
3 giờ trước
Doanh nghiệp lữ hành đang chào bán hàng loạt tour du lịch nước ngoài cho dịp cao điểm hè với giá chưa tới 10 triệu đồng, thu hút sự quan tâm của khách hàng.
Tiêu thụ điện trong 5 ngày nghỉ lễ tăng kỷ lục, miền Bắc bị cảnh báo "nóng" về điện
4 giờ trước
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), so với kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm 2023, kỳ nghỉ lễ này trong năm tiêu thụ điện tăng cao kỷ lục, sản lượng điện tăng 37,2%, công suất tiêu thụ cực đại toàn hệ thống tăng hơn 30,6%.

Tin cùng chuyên mục

Huế thu được bao nhiêu tiền qua 2 năm tăng tần suất phát hành xổ số để lấy vốn bảo tồn di sản?
4 giờ trước
Theo Sở Tài chính tỉnh Thừa Thiên Huế, bên cạnh những thuận lợi, việc tăng tần suất phát hành xổ số truyền thống để huy động vốn phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô Huế đã gặp nhiều khó khăn.
"Cuộc chơi" ngân hàng 0 đồng: Lộ điểm hấp dẫn "trí mạng" đối với Vietcombank, MB, HDBank và VPBank
4 giờ trước
Nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém nhận được sự quan tâm của cổ đông tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024. Có ý kiến cho rằng, xét về góc độ tài chính, hầu hết các ngân hàng không thiết tha tham gia "cuộc chơi" này. Vậy điều gì "hấp dẫn" Vietcombank, MB, HDBank hay VPBank?
Giá USD hôm nay 2/5: Đồng bạc xanh giảm ngay sau công bố giữ nguyên lãi suất của Fed
5 giờ trước
Giá USD hôm nay 2/5: Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ngày 2/5 hiện đang ở mức 24.242 đồng, giảm 22 đồng so với ngày hôm qua. Với biên độ +/-5%, tỷ giá sàn và tỷ giá trần áp dụng cho các ngân hàng thương mại là 23.030-25.454 đồng.
Ford báo lỗ hơn 1 tỷ USD vì xe điện
10 giờ trước
Nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Mỹ Ford đã lỗ hơn một tỷ USD cho xe điện trong quý I/2024, với mức lỗ trên mỗi xe lên tới 130.000 USD.