Kinh tế “rơi thẳng đứng”, đại biểu Quốc hội đề xuất hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp

08/11/2021 17:28
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sau đại dịch còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, mức lợi nhuận khó bù đắp được chi phí lãi suất vay cao như thị trường.

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, chiều 8/11, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn đại biểu TP.Hà Nội) nhận định qua 4 tháng chống dịch, kinh tế Việt Nam đã “rơi thẳng đứng” từ mức tăng trưởng dương 6,61% trong quý 2 xuống âm 6,17% vào quý 3.

Cùng với đó, hàng chục nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa mỗi tháng, hàng nghìn người mất việc làm phải rời bỏ về quê hương.

“Điều này cho thấy sức chống chịu của nền kinh tế rất yếu, tiềm lực của nền kinh tế đang bị suy kiệt”, ông Cường nhìn nhận.

KHÔNG ĐỂ TIỀN VỐN GIÁ RẺ ĐỔ VÀO CÁC LĨNH VỰC ĐẦU CƠ TÀI SẢN

Để kinh tế Việt Nam không bị lỡ nhịp với đà phục hồi của kinh tế thế giới, ông Hoàng Văn Cường cho rằng các doanh nghiệp không chỉ cần thêm nguồn lực để phục hồi mà còn cần vượt lên, đặt chân vào khâu sản xuất có giá trị cao trong bối cảnh thế giới đang phân bố lại chuỗi cung ứng.

Theo ông Cường, để làm được điều này, các doanh nghiệp và nền kinh tế phải được tăng cường thêm nguồn lực đầu tư theo hai hướng chính.

Thứ nhất, cần có chính sách cấp bù lãi suất để doanh nghiệp được vay vốn với mức lãi suất tương đương tỷ lệ lạm phát , vì hoạt động kinh doanh sau đại dịch còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, mức lợi nhuận khó bù đắp được chi phí lãi suất vay cao như thị trường.

Trong khi các tổ chức tín dụng đang phải duy trì mức lãi suất để đảm bảo kinh doanh đồng thời phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro trong bối cảnh nợ xấu đang tiềm ẩn, gia tăng.

Theo đại biểu, nếu ngân sách dành ra 30.000-40.000 tỷ để cấp bù thì Việt Nam sẽ có 1 triệu tỷ đồng tiền vốn lãi suất thấp để giúp doanh nghiệp phục hồi. Kèm theo đó, phải có cơ chế kiểm soát để các doanh nghiệp đều được tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ, không để tiền vay ngân hàng chạy vòng quanh trở thành tiền gửi để kiếm lời từ chênh lệch lãi suất, hoặc không để tiền vốn giá rẻ đổ vào các lĩnh vực đầu cơ tài sản như bất động sản, chứng khoán.

Phải có cơ chế kiểm soát để các doanh nghiệp đều được tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ, không để tiền vay ngân hàng chạy vòng quanh trở thành tiền gửi để kiếm lời từ chênh lệch lãi suất, hoặc không để tiền vốn giá rẻ đổ vào các lĩnh vực đầu cơ tài sản như bất động sản, chứng khoán.Đại biểu Hoàng Văn Cường

Thứ hai, bên cạnh các giải pháp kích cầu truyền thống là đẩy mạnh đầu tư công, thì cần phải có giải pháp mới mang tính khác biệt là đặt hàng để doanh nghiệp trong nước sản xuất các sản phẩm ưu tiên tạo nên những đột phát cho phát triển.

Theo đó, có ba lĩnh vực cần ưu tiên đặt hàng. Một là, đường sắt bởi những đô thị lớn nước ta đang phát triển các đường sắt đô thị, với địa hình đất nước kéo dài, tuyến đường sắt Bắc-Nam cũng cần được phát triển.

"Chúng ta không thể cứ đi thuê các nhà đầu tư nước ngoài về để xây các tuyến đường sắt riêng lẻ, hệ lụy không chỉ là những vướng mắc nhãn tiền như vừa qua mà đang để lại hậu quả lâu dài do tính không đồng bộ, thiếu khả năng kết nối và phụ thuộc lâu dài vào những nhà cung cấp nước ngoài", ông Cường nói.

Theo ông Cường nếu được Chính phủ đặt hàng và cam kết dành chia thị phần, các nhà đầu tư trong nước sẽ hợp tác hoặc mua lại công nghệ của nhà đầu tư nước ngoài kết hợp với các thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 Việt Nam sẽ có ngành công nghệ đường sắt hiện đại của riêng mình.

Hai là, kinh tế biển là lĩnh vực còn đầy tiềm năng chưa được khai thác, Chính phủ cần đặt hàng để hình thành nên các tổ hợp đầu tư phát triển công nghiệp vận tải biển, bắt tay kết nối với các cảnh bên bờ Thái Bình Dương để biến Vân Phong thành một trung tâm vận tải biển có lợi thế không thua kém so với Singapore và còn lợi thế hơn nhiều các cảng khác trong khu vực Đông Bắc Thái Bình Dương.

Ba là, để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia và bứt phá vươn lên trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam cần có hạ tầng công nghệ số của riêng mình để đi trước trong chuyển đổi số và kiểm soát, đảm bảo an toàn cho chuyển đổi số quốc gia. "Nếu được Chính phủ đặt hàng tôi tin rằng đội ngũ kỹ sư tin học của Việt Nam thừa sức phát triển được các sản phẩm khẳng định được vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ số" ông nói.

Về nguồn lực để hỗ trợ lãi suất và đặt hàng các dự án đầu tư mang tính đột phá, đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng, Việt Nam may mắn đang có dư địa rất lớn để tăng nguồn lực đầu tư khi những năm qua nước ta đã nỗ lực đưa tỷ lệ nợ công xuống thấp còn 43,7% so với mức trần là 60%. Do vậy, nên điều chỉnh tăng mức bội chi ngân sách tăng thêm từ 2-3% so với kế hoạch đặt ra trong vòng 2-3 năm để có nguồn lực để thực hiện các kế hoạch phục hồi và đầu tư bứt phá.

Theo ông Cường, việc tăng nợ công để trợ cấp toàn dân như một số nước vẫn làm sẽ là không phù hợp với điều kiện KTXH Việt Nam. Song việc tăng nợ công không phải để cho tiêu dùng mà để tăng đầu tư tạo ra những đột phá cho phát triển là điều mà nhiều nhà tư bản lớn vẫn thường lựa chọn.

"Phát hành trái phiếu chính phủ để vay nợ công là giải pháp nên được lựa chọn không chỉ nhằm khai thác các nguồn lực đầu tư trong nước mà còn có tác dụng thu hút các nguồn tiền nhàn rỗi góp phần kiểm soát lạm phát", ông Cường đề xuất và kỳ vọng các giải pháp đặt hàng trên, không chỉ giúp nền kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn, theo kịp đà phát triển của thế giới mà còn tạo ra các tập đoàn kinh tế mạnh, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế hùng cường.

RÚT KINH NGHIỆM GÓI HỖ TRỢ CŨ KHI BAN HÀNH GÓI MỚI

Đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) nhất trí với đề xuất Chính phủ cần sớm ban hành những gói hỗ trợ tiếp theo theo hướng có trọng tâm, trọng điểm.

Tuy nhiên, bà Vân cho rằng dù chính sách hỗ trợ là cần thiết cấp bách nhưng nguồn ngân sách là hữu hạn, nếu như gói hỗ trợ này được ban hành, thì cần rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ lãi suất 4% kích thích kinh tế sau khủng hoảng năm 2009 với quy mô lên tới 1 tỷ USD.

Theo đại biểu Trần Thị Vân gói hỗ trợ này đã khiến cho hệ thống ngân hàng gặp không ít khó khăn vì nợ xấu. Đến tận nhiều năm sau, khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu mới giải quyết được tình trạng trên.

Kinh tế “rơi thẳng đứng”, đại biểu Quốc hội đề xuất hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh)

"Để các tổ chức tín dụng phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo đáp ứng được nhu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh thì Chính phủ cần có một bộ phận hoặc tổ công tác giúp Thủ tướng theo dõi, tổng hợp, đánh giá, điều phối và giám sát gói hỗ trợ, đảm bảo các gói hỗ trợ này được thực hiện hiệu quả và đúng mục đích”, bà Vân đề xuất.

Bên cạnh đó, bà Vân cho rằng, Việt Nam hiện có trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể với 9 triệu lao động và chiếm 16,5% lực lượng lao động, đóng góp gần 30% GDP của cả nước. Số hộ kinh doanh này có những đóng góp lớn cho nền kinh tế. Với 80% số hộ kinh doanh cá thể trong lĩnh vực thương mại dịch vụ thì đây là khu vực kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.

Đại biểu này cho biết, trước kỳ hợp thứ hai, đoàn đại biểu tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành khảo sát những khó khăn và nhu cầu cần hỗ trợ với khoảng 200 hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn.

Theo đó, mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp vừa và nhỏ, tuy nhiên, hộ kinh doanh lại không phải chủ thể của những chính sách đó, vì thế đến nay chưa có một quy định cụ thể nào để hộ kinh doanh được hỗ trợ như các doanh nghiệp. Do đó, việc tiếp cận tín dụng rất khó khăn, vay vốn phải có tài sản đảm bảo, phương án và mô hình kinh doanh không được ngân hàng đánh giá cao, không mấy mặn mà và càng không thể lấy làm tài sản đảm bảo.

Đại biểu đoàn Bắc Ninh mong muốn Chính phủ ban hành những chính sách về vốn cụ thể và kịp thời để hỗ trợ đối tượng này, có thể gộp chung hộ kinh doanh với doanh nghiệp siêu nhỏ, hoặc có chính sách riêng gắn với chính sách vay vốn, tạo việc làm qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Tin mới

Nên mua xe ô tô nào với 600 triệu đồng?
57 phút trước
Với 600 triệu đồng, người mua ô tô hiện có nhiều lựa chọn hấp dẫn từ xe hatchback, sedan đến SUV/CUV 5 chỗ và MPV 7 chỗ.
Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản hàng đầu Đông Nam Á, làm thế nào để khai thác và chế biến hiệu quả?
30 phút trước
Việt Nam là một trong những quốc gia có trữ lượng khai thác khoáng sản lớn nhất Đông Nam Á.
Vé tàu từ Hà Nội đi các tỉnh, thành dịp 30/4-1/5 tăng cao nhất 6%
27 phút trước
Chiều 24/4, đại diện Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 Cty có kế hoạch bán hơn 100 nghìn vé tàu từ Hà Nội đi các tỉnh, thành. Đến nay, số lượng vé đã bán được hơn 50% và giá tăng trung bình từ 2- 6%.
Mercedes-Benz G-Class thuần điện chính thức ra mắt: Thiết kế gần như bê nguyên bản thường, mạnh tới 579 mã lực, nhưng đây mới là con số ấn tượng nhất
33 phút trước
Mẫu SUV biểu tượng của Mercedes-Benz là G-Class đã chính thức có phiên bản thuần điện với tên gọi khá lạ tai: Mercedes-Benz G580 EQ Technology.
Chuyện chưa từng có: Quốc gia láng giềng của Việt Nam chế tạo ra thứ đắt hơn vàng từ… hoa
49 phút trước
Quốc gia này tạo ra thứ đắt hơn vàng, chỉ 3 carat nhưng có giá hơn 1 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục

Blockchain và Trí tuệ nhân tạo: Cuộc cách mạng tương lai
13 giờ trước
Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII, trực thuộc Hiệp hội Blockchain Việt Nam, đặt mục tiêu đào tạo, phổ cập blockchain và AI cho 1 triệu lượt người đến năm 2030, trong đó bao gồm 100.000 sinh viên tại 30 trường Đại học trên cả nước.
VNPT - lá chắn trong kỷ nguyên số
15 giờ trước
VNPT VinaPhone Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo "Giải pháp an toàn thông tin toàn diện – Lá chắn trong kỷ nguyên số" nhằm đưa ra các giải pháp an toàn thông tin toàn diện trước sự phát triển thần tốc của công nghệ thông tin hiện nay.
Lợi nhuận tăng vọt, VPBank lãi trước thuế gần 4.200 tỷ đồng trong quý I/2024
17 giờ trước
VPBank khởi động quý I/2024 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng gần 66% so với cuối năm 2023 và 64% so với cùng kỳ.
VIB: Chiến lược cá nhân hóa chi tiêu qua thẻ theo từng phân khúc khách hàng
17 giờ trước
Theo sát hành trình chi tiêu không tiền mặt của khách hàng từ những ngày đầu ra mắt sản phẩm thẻ tín dụng đến cột mốc tái cấu trúc thẻ cách đây nhiều năm, dấu ấn của VIB không chỉ là những con số biết nói, vị thế dẫn đầu về công nghệ, ưu đãi và trải nghiệm người dùng, còn là sự tin tưởng, gắn bó của chủ thẻ.