Nguồn cung ô tô dư thừa đang gây ra những thách thức lớn cho thị trường. Sản lượng xe sản xuất và nhập khẩu tăng nhanh chóng, nhưng sức mua lại giảm sút đáng kể. Tình trạng tồn kho gia tăng đã tạo ra áp lực lớn lên hệ thống phân phối, khiến nhiều doanh nghiệp phải cân nhắc lại chiến lược kinh doanh của mình. Điều này đòi hỏi sự điều chỉnh kịp thời để đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường.
Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê , 5 tháng đầu năm 2025, tổng lượng ô tô sản xuất trong nước đạt gần 190.000 chiếc, tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Ô tô nhập khẩu nguyên chiếc cũng đạt gần 90.000 xe, tăng hơn 43%.
Như vậy, chỉ trong vòng 5 tháng, thị trường đã tiếp nhận gần 280.000 chiếc xe mới. Cộng thêm hàng chục ngàn xe tồn kho từ năm trước, tổng nguồn cung đã vượt mốc 300.000 xe, mức kỷ lục trong bối cảnh sức mua suy yếu.
Điều đáng lo ngại là trong số hơn 300.000 xe này, chỉ khoảng 50% được tiêu thụ. Ước tính hiện có khoảng 150.000 chiếc đang tồn kho tại nhà máy, đại lý và bến bãi.
Các đại lý cho biết tình hình tồn kho hiện nay nghiêm trọng nhất trong 5 năm trở lại đây. "Xe nhập đã về đầy kho từ tháng 3, xe lắp ráp trong nước cũng được nhà máy đẩy xuống liên tục nhưng lượng khách đến showroom chỉ bằng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ các hãng phổ thông mà cả các thương hiệu cao cấp như BMW, Mercedes-Benz, Lexus cũng phải tung ra nhiều gói hỗ trợ tài chính, tặng bảo hiểm, phụ kiện nhưng sức mua vẫn chưa cải thiện" - một quản lý đại lý ô tô ở TP HCM chia sẻ.
Nhiều đại lý đã phải tạm ngưng nhận xe mới hoặc cắt giảm đơn hàng để giảm áp lực chi phí lưu kho. Một số cửa hàng chấp nhận "bán cắt lỗ" để thu hồi vốn. Thực tế, mỗi xe bán ra, đại lý được chiết khấu 5%-6% từ hãng nhưng để hút khách, họ buộc phải nhường luôn khoản này, thậm chí "đạp giá" thêm, dẫn đến lỗ chồng lỗ. Áp lực lãi vay ngân hàng càng khiến bài toán kinh doanh thêm ngột ngạt, do các đại lý phải vay vốn nhập xe theo hình thức "tiền trao cháo múc" ngay từ nhà máy.
Xe dư thừa tại các đại lý cho dù giá bán giảm sâu
Ưu đãi lớn vẫn không ăn thua
Áp lực giải phóng hàng tồn buộc các hãng xe tung ra hàng loạt chính sách kích cầu mạnh như giảm giá sâu, hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ, tặng quà và khuyến mãi lớn. Một số còn áp dụng gói vay 0% lãi suất trong 12 tháng.
Mới đây nhất, hãng Toyota Việt Nam thông báo hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ cho khách mua xe Veloz Cross (tối đa 66 triệu đồng) và Avanza Premio (cao nhất 60 triệu đồng). Đồng thời, Công ty Tài chính Toyota Việt Nam áp dụng ưu đãi lãi suất vay từ 1,99%/năm cho 2 mẫu MPV cỡ B này.
Honda Việt Nam cũng có những ưu đãi tương tự như tặng 100% lệ phí trước bạ cho mẫu Honda City, 50% cho CR-V (bản L/G) và HR-V (bản G); đồng thời ưu đãi bảo hiểm, lãi suất vay cho các mẫu khác.
Mitsubishi triển khai chương trình ưu đãi lệ phí trước bạ cho toàn bộ dải sản phẩm, cao nhất 100% cho Attrage MT, 50% cho các phiên bản khác, kèm theo quà tặng, phụ kiện… Dù vậy, theo ghi nhận, lượng khách đến showroom hoặc tham khảo qua nhân viên tư vấn vẫn khá thưa thớt.
Theo lý giải của các đại lý, sức mua yếu một phần nguyên nhân là yếu tố mùa vụ của ngành ô tô, đặc biệt thị trường sắp bước vào tháng 7 âm lịch (tháng cô hồn), nên nhiều người kiêng kỵ mua sắm tài sản lớn như nhà, xe.
Các chuyên gia trong ngành chỉ ra một trong những nguyên nhân chính khiến nguồn cung dư thừa là do các hãng xe đặt kỳ vọng quá cao vào đà phục hồi kinh tế hậu đại dịch, cùng nhu cầu thay xe sau giai đoạn "nén" mua sắm 2021-2023. Tuy nhiên, thực tế lãi suất vay mua xe vẫn ở mức cao, chi phí sinh hoạt, giá xăng dầu, bảo hiểm đều tăng, khiến người tiêu dùng càng thận trọng.
Theo ông Phạm Quang Thắng, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Ô tô Hà Nội, thị trường ô tô hiện khá trầm lắng do kinh tế còn nhiều khó khăn, phải thích ứng với các chính sách, quy định mới và thay đổi địa giới hành chính.
Thủ tục đăng ký xe thay đổi, nhiều người chưa thích nghi được khiến thời gian nộp thuế, bấm biển kéo dài, đôi khi tới nửa tháng. Ngoài ra, nhiều ngành nghề bị quản lý chặt, kể cả các làng nghề, cũng phần nào ảnh hưởng sức tiêu thụ của ngành ô tô.
Một yếu tố khác là do các hãng kỳ vọng vào tăng trưởng kinh tế và thị trường Việt Nam còn nhiều tiềm năng. Ngược lại, thị trường ô tô các nước Đông Nam Á đang có dấu hiệu chững lại, như Thái Lan ghi nhận doanh số ô tô giảm mạnh. Do đó, lượng xe từ Thái Lan, Indonesia đang được ưu tiên chuyển sang Việt Nam.
Ông Trần Đình Kỷ, Phó Tổng Giám đốc Moveo New City, cho biết các đại lý bị ép doanh số để thăm dò thị trường, còn xe nhập khẩu vướng thủ tục hải quan nên hạn chế về nguồn cung.
Việc sáp nhập địa giới hành chính cũng tác động không nhỏ khi phí đăng ký tăng, nhiều khách phải cân nhắc lại, thậm chí hủy hợp đồng đã ký. Một số địa phương còn tạm dừng bấm biển, khiến người mua phải chờ đợi lâu hơn.
Điều chỉnh kế hoạch nhập khẩu
Trước diễn biến này, nhiều hãng đang tính giảm sản lượng trong nửa cuối năm, đồng thời điều chỉnh kế hoạch nhập khẩu để phù hợp hơn với sức mua thực tế. Ông Đào Công Quyết, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), cho rằng: "Hiện nguồn cung đang dư thừa là do kế hoạch của các hãng từ cuối năm ngoái, dựa trên kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm nay. Nay thị trường yếu, chắc chắn các hãng sẽ điều chỉnh cho 6 tháng cuối năm để cân đối lại".