Project Syndicate: Ấn Độ, Việt Nam và các nước đang phát triển khác sẽ 'chịu trận' thế nào sau làn sóng dịch bệnh mới?

28/05/2021 13:51
Trong khi Hoa Kỳ và một số nước đang phát triển, điển hình như Việt Nam, Thái Lan và Bangladesh đang từng bước phục hồi sau cuộc khủng hoảng và có thể phát triển nhanh hơn so với giai đoạn trước đại dịch, thì nhiều nền kinh tế mới nổi, cũng như các nước thu nhập thấp có thể sẽ trì trệ trong một thời gian dài.

Không như những đại dịch trong quá khứ, khiến cả người giàu và người nghèo đều đối mặt với khó khăn, đại dịch lần này lại chỉ tác động dai dẳng chủ yếu đến các nền kinh tế đang phát triển. Trừ khi chính phủ các quốc gia này hành động nhanh chóng, nếu không mối đe doạ hiện hữu sẽ trở thành hiện thực.

Hiện nay, cả thế giới đang bị ảnh hưởng bởi làn sóng mới của đại dịch Covid-19 quét qua nhiều khu vực, đặc biệt là châu Á, châu Phi và Nam Mỹ. Bên cạnh đó, các vấn đề kinh tế sẽ có thể bị ảnh hưởng rất lâu sau khi làn sóng này qua đi.

Ở cấp độ toàn cầu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trước đó đã cảnh báo về "sự phân hoá lớn", khi các quốc gia phát triển có tốc độ phục hồi mạnh mẽ, song các quốc gia khác lại bấp bênh. Bằng chứng gần đây cho thấy một số nền kinh tế tiên tiến, đặc biệt là Hoa Kỳ và một số nước đang phát triển, điển hình như Việt Nam, Thái Lan và Bangladesh dường như đang từng bước phục hồi sau cuộc khủng hoảng và có thể phát triển nhanh hơn so với giai đoạn trước đại dịch.

Tuy nhiên, nhiều nền kinh tế mới nổi, cũng như các nước thu nhập thấp có thể sẽ trì trệ trong một thời gian dài. "Sự phân hoá lớn" này có thể nhìn thấy ngay cả trong các nền kinh tế. Đại dịch đã làm tổn thương sâu sắc đến các lĩnh vực như dịch vụ, du lịch... song lại thúc đẩy phát triển các lĩnh vực khác như dược phẩm, nền tảng số hay công nghệ.

Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi thị trường chứng khoán thời gian vừa qua trở nên sôi động hơn hẳn, tài sản của nhóm người giàu ngày càng tăng. Trong khi người nghèo lại bị tác động mạnh hơn bao giờ hết.

Điều này đã khiến tình trạng những khoản nợ tại khắp các nền kinh tế mới nổi đang tăng nhanh. Một số nước như Zambia hay Argentina đã vỡ nợ. Năm 2020, nền kinh tế khu vực Mỹ Latinh suy giảm 7,7%; Philippines và Ấn Độ thậm chí còn bị tác động nặng nề hơn, với GDP giảm lần lượt là 9,5% và 9,6%. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng ước tính rằng đại dịch có thể đã đẩy tới 40 triệu người ở châu Phi vào cảnh nghèo cùng cực.

Mặc dù chưa có dữ liệu chính xác về tác động kinh tế của làn sóng dịch bệnh lần này, nhưng bức tranh về kinh tế nhìn chung vẫn rất ảm đạm. Theo Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ (CMIE), khoảng 7 triệu người lao động đã bị mất việc làm, nâng tỷ lệ thất nghiệp trên toàn Ấn Độ tăng từ mức 6,5% trong tháng 3 lên đến 8% trong tháng 4. Bên cạnh đó, năm ngoái, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở Ấn Độ đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 23,75%.

Tháng trước, lạm phát theo chỉ số giá bán buôn của Ấn Độ đã tăng lên 10,5%, mức cao nhất trong 11 năm. Điều này phản ánh sự chênh lệch lớn về cung và cầu. Giới chuyên gia nhận định, nếu không khắc phục sớm, Ấn Độ sẽ có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lớn, gây mất cân đối kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng đến thương mại và dòng chảy tài chính.

Ấn Độ cần nhanh chóng đưa ra các chính sách để đối phó với cuộc khủng hoảng. Các nhà hoạch định chính sách cần nhận ra rằng, khi hàng hoá như oxy y tế, vaccine hay thực phẩm bị thiếu hụt, các biện pháp can thiệp tài chính thuần tuý có thể không hiệu quả, bởi nhóm người giàu sẽ sẵn sàng chi bất cứ thứ gì cần thiết để có được những mặt hàng này, thậm chí sẽ chi thừa để đề phòng.

Nếu hỗ trợ tiền mặt cho người nghèo để đảm bảo họ có thể đáp ứng các nhu cầu sinh tồn cơ bản, thì giá hàng hoá sẽ tăng. Tình hình khi ấy sẽ chẳng có gì thay đổi. Đây là vấn đề ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế, đặc biệt đối với vaccine Covid-19.

Trong khi nhiều nước phát triển đang tăng nguồn dự trữ thì các nước nghèo, bao gồm phần lớn châu Phi, lại không được tiếp cận với nguồn cung. Đặc biệt, không chỉ Chính phủ Ấn Độ và các nước đang phát triển cần nhanh chóng hành động, mà các tổ chức đa phương như WB, IMF và G20 cũng phải có động thái tương tự. Nếu không, mối đe doạ nền kinh tế ngày hôm nay sẽ trở thành hiện thực của ngày mai.

Tin mới

Lo xuất khẩu sầu riêng... hết thời
4 giờ trước
Thời hoàng kim của sầu riêng có thể đã qua khi sản lượng tăng nhanh nhưng đầu ra chưa đa dạng, chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Xe ga Suzuki thiết kế hoài cổ đẹp như Vespa, giá chỉ 35 triệu đồng
5 giờ trước
Chiếc Suzuki US125, với giá 35 triệu đồng và thiết kế hoài cổ đậm chất Vespa, đã mang lại làn gió mới cho phân khúc xe ga 125cc.
Trung Quốc vừa cấm xuất khẩu, một mặt hàng lập tức tăng giá gấp 3 lần: Là nguyên liệu cực kỳ quan trọng, Việt Nam cũng là ‘ông trùm’ thế giới với 3,5 triệu tấn
5 giờ trước
Hiện nước ta có trữ lượng mặt hàng này đứng top đầu của thế giới.
'Xe ga quốc dân' thế hệ mới gây sốt: Đẹp như SH Mode, rẻ hơn cả Vision - chỉ 29,5 triệu đồng
5 giờ trước
Mẫu xe tay ga hoàn toàn mới vừa ra mắt đã nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý của thị trường.
Khách nước ngoài thắc mắc mãi về xe diễu binh ở Việt Nam, chuyên trang xe của Mỹ giải đáp có chính xác?
6 giờ trước
Một chuyên trang xe của Mỹ đã giải đáp về chiếc xe mui trần trong lễ diễu binh vừa diễn ra.

Tin cùng chuyên mục

CEO Nvidia Jensen Huang lần đầu được tăng lương sau 10 năm
10 giờ trước
Tất nhiên, mức tăng lương kể trên chẳng thấm vào đâu so với lượng cổ phiếu Nvidia mà ông sở hữu.
Tim Cook cảnh báo Apple sẽ thiệt hại 900 triệu USD vì thuế quan trong quý này
12 giờ trước
Đây là lần đầu tiên Tim Cook nói về tác động của thuế quan đến hoạt động của Apple.
Nhận xong lập tức trả lại Mỹ 2 món hàng trị giá 100 triệu USD, Trung Quốc gọi người bán là 'nạn nhân' của thuế quan Mỹ
3 ngày trước
Đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng hy vọng Mỹ sẽ lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp để tạo ra môi trường ổn định cho các hoạt động thương mại, đầu tư.
Ông Trump giảm nhẹ thuế quan cho ngành ô tô
3 ngày trước
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 29/4 ký hai sắc lệnh hành pháp nhằm điều chỉnh một phần chính sách thuế nhập khẩu gây tranh cãi đối với ngành sản xuất ô tô.