Thâm nhập đường dây buôn bò lậu từ Campuchia về nội địa

18/12/2017 16:33
Đường biên giới giữa Việt Nam và Campuchia dài hàng trăm km, ranh giới chỉ là sông, rạch, đường đất nên rất khó kiểm soát, bò nhập lậu năm này qua năm khác, cứ đủng đỉnh "xâm nhập" về Việt Nam vô tư.

Ngày thường bò nhập lậu đã nhiều, ngày cuối năm khi nhu cầu thị trường tăng cao thì bò biên giới về càng tưng bừng "khí thế" hơn.

Nội hóa bò lậu

Chúng tôi đến xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng (Long An), nơi được coi bò lậu từ Campuchia xâm nhập thị trường nội địa nhiều nhất của tỉnh Long An, với con số bình quân theo ước tính của cơ quan chức năng khoảng 100 con/ngày thường, còn lúc cao điểm như những ngày cuối năm, gần lễ tết thì khó thống kê được.

 Cung đường biên giới chở bò lậu từ Campuchia về Việt Nam

Cung đường biên giới chở bò lậu từ Campuchia về Việt Nam

Từ TP Tân An, chúng tôi chạy xe máy lên thị trấn Tân Hưng, tuy đoạn đường dài hơn 100 km nhưng chỉ mất có 2 giờ do đường nhựa rộng rãi, ít ổ gà ổ voi, trái lại đoạn đường từ thị trấn Tân Hưng lên Đồn Biên phòng Sông Trăng, tuy dài có 17 km nhưng phải "vật lộn" mất gần cả tiếng đồng hồ do đường đất xấu, lổm chổm bụi mịt mù.

Ông Dương Văn T. (dân địa phương quen gọi ông Hai), một thương lái ở ấp Cây Me, chuyên mua bò Campuchia hẹn tôi đến điểm hẹn là cầu Hữu Nghị (còn gọi Trạm kiểm soát cửa khẩu phụ Tân Hưng) nằm vắt qua con sông Cái Cỏ dài gần 8 km. Ở đầu con lộ, bên bờ sông Cái Cỏ, tuyến biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Campuchia, là Trạm Kiểm soát biên phòng 79. Trạm này là chốt cuối cùng kiểm soát việc đưa trâu bò từ Campuchia về thị trường nội địa.

 Ông Dương Văn T., một thương lái bò Campuchia lâu năm có tiếng ở địa phương

Ông Dương Văn T., một thương lái bò Campuchia lâu năm có tiếng ở địa phương

Ông Hai ngồi đợi ở chân cầu Hữu Nghị, không rào trước đón sau, bảo tôi: “Mục đích em lên đây anh biết rồi, bây giờ đã chiều phải kiếm chỗ nghỉ ở lại, vì bò bên kia đưa lậu về vào sáng sớm. Tụi anh đi mua bò phải dậy sớm 4-5 giờ khuya, qua Campuchia mua khoảng vài chục con/ngày, trả giá tại chỗ rồi xịt sơn đánh dấu bò, sau đó họ dẫn sang Việt Nam thì mình mới trả tiền", ông Hai nói.

Cầu Hữu Nghị nằm vắt qua sông Cái Cỏ, được coi là biên giới giữa hai nước Việt Nam và Campuchia

Sau đó, ông Hai kiếm cho tôi chỗ tạm nghỉ qua đêm tại ấp Cây Me. "Mấy ông thương lái từ các tỉnh lên đây đi ô-tô mang theo cả tỷ đồng tiền mặt, họ mua bò nặng 200-300 kg có giá trên 20 triệu/con, bò lớn hơn là 25-30 triệu đồng. Một xe chở bình quân 20 con đã mất mấy trăm triệu đồng, nên sau khi coi bò Campuchia xong là họ trở lại thị trấn Tân Hưng nghỉ lại để đảm bảo an toàn, còn em đi xe gắn máy nên ở lại tại chỗ cho tiện để đi vào khuya mai".

Theo tìm hiểu chúng tôi, chỉ riêng xã Hưng Điền mỗi ngày có cả trăm con trâu bò xâm nhập "trái phép" nên có cả chục thương lái hoạt động. Trong đó, có 3 thương lái xây dựng hẳn trại tập kết trâu bò lậu khá rộng nằm ngay trên đường biên giới, vừa làm nhiệm vụ nuôi nhốt vỗ béo chờ ngày xuất bán; vừa là nơi trung chuyển giao bán cho các thương lái ở các tỉnh khác lên mua bò Campuchia.

Ông Nguyễn Văn S., một thương lái ở ấp Cây Me thừa nhận, một số thương lái đã "nội hóa” bò lậu bằng cách nhờ những nông dân vùng biên dắt bò qua Campuchia chăn thả chỉ một vài con, nhưng khi đưa về Việt Nam thì "nhét" luôn bò của Campuchia nhập đàn lên tới vài chục con. Số bò lậu này sẽ được nuôi nhốt cùng bò trong nước thêm một thời gian, khoảng nửa tháng để vỗ béo, sau đó đưa về TP.HCM hoặc các tỉnh bán cho lò mổ.

Xe vận tải Campuchia chở bò thu gom của người dân bản xứ mang về trại nhốt bò tập trung để cho các thương lái bên Việt Nam sang mua bò

Vận chuyển bò lậu trên đường có bị cơ quan chức năng phát hiện không? Tôi hỏi. "Nói thật, hầu như tụi tui không bao giờ bị biên phòng, QLTT kiểm tra, nếu có là "dính" đoàn kiểm tra liên ngành của huyện. Bởi đa số thương lái khi vận chuyển bò lậu đều không có giấy tiêm phòng, kiểm dịch nên phải đi vào đường tránh dọc biên giới (né chốt kiểm dịch trong tỉnh Long An -PV), sau đó qua bên chốt kiểm dịch Dinh Bà, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) nằm chỉ cách khu vực Hưng Điền khoảng 50 km, nơi đó làm thủ tục khai báo dễ hơn, bên đó chủ yếu kiểm tra lâm sàng, ít hỏi nguồn gốc bò. Từ đó, họ cấp cho mình giấy kiểm dịch động vật sau khi đóng phí vài trăm ngàn đồng cho kiểm dịch, khử trùng và bấm lỗ tai đeo thẻ bò. Tờ giấy này thì bò lậu cũng như bò trong nước đi khắp nơi", ông S. đáp.

Thâm nhập

Trời vào khuya vùng biên giới càng trở lạnh, đang ngủ say trong chăn trùm kín mít, bất thình lình một cánh tay đập vai tôi lay mạnh: "Dậy đi, 3 giờ sáng rồi đó, chạy xe máy qua bên Campuchia cũng mất cả tiếng mới đến trại gom bò tập trung. Tại đó, cũng mất hơn 1 tiếng nữa để mình chọn mua bò nữa. Nếu có chụp hình cũng phải khéo, đừng để công an cửa khẩu Campuchia phát hiện, còn tui qua lại thường xuyên họ nên quen mặt, "ăn chịu" hết khỏi phải lo, có ai hỏi thì em tự nhận là thương lái nhờ tui dẫn qua mua vài con bò về vỗ béo bán ăn tết, nghe không", ông Hai căn dặn.

Qua khỏi cầu Hữu Nghị là đến chốt cửa khẩu "Xà-là-ngòn" của Campuchia. Để tránh phiền phức, ông Hai nhanh nhẩu bước chân vào đồn nói qua loa vài ba câu chuyện trên trời dưới đất bằng tiếng bản xứ, sau đó bước ra miệng cười tươi nói: "Trại bò tập trung là của ông phó đồn Campuchia xây dựng nằm trên địa bàn xã Chàm, huyện Tà Pét, tỉnh Pvay Veng, cứ một con bò người dân bản xứ đem ký gửi phải trả là 5.000 ria/ngày đêm, tức 25.000 đồng. Bởi vậy, thay vì xuống tận nhà dân mua thì mình có thể đến trại tập trung của ông phó đồn này rộng gần 1 ha có sức chứa 200-300 con, tha hồ chọn lựa", ông Hai nói.

Trại nuôi nhốt bò tập trung bên Campuchia (xã Chàm, huyện Tà Pét, tỉnh Pvay Veng), nơi để cho các thương lái bên Việt Nam sang chọn mua

Tại Campuchia bò có hai dạng: một là bò trắng (còn gọi là bò Thái) cân nặng 300-400 kg; hai là bò cóc, bò cỏ nặng 250 kg trở lại, trong đó bò cỏ chiếm tương đối lớn.

Điều đáng nói, các thương lái từ Việt Nam sang Campuchia mua bò chủ yếu bằng cảm quan, không dùng cân mà coi con bò qua hai cách, một là mua "thịt lột", tức nhìn mã con bò bên ngoài mà ước lượng bao nhiêu ký thịt nạc với giá 160-170 ngàn đồng/kg; hai là mua dạng bò hơi, tức đánh giá trọng lượng cả con, bình quân 50-55 ngàn đồng/kg hơi. Do mua không qua cân trọng lượng nên các thương lái phải dựa hoàn toàn vào kinh nghiệm đánh giá trọng lượng của bò cho đúng. Nếu nhận định không đúng chất lượng con bò Campuchia có khi phải thua lỗ phá sản.

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch xã Hưng Điền, cho biết ở địa phương có ông Nguyễn Văn D., một thương lái ở ấp Gò Chuối gần đây phải "trốn nợ" gần 2 tỷ đồng do mua bò "thịt lột" bên Campuchia liên tục giá cao, mang về Việt Nam đưa vào lò mổ bị định giá thấp buộc phải thua lỗ là minh chứng.

Bò Campuchia đưa về Việt Nam được các thương lái nuôi vỗ béo ngay trên đường biên giới chờ lúc bò có giá thì đem bán

Một chốt cửa khẩu công an bên Campuchia kiểm soát người dân qua lại "Thương lái mua bò Campuchia về Việt Nam có hai dạng, một dạng đưa về nuôi nhốt vỗ béo có đăng ký tiêm phòng dịch bệnh với chính quyền; một dạng đưa lên xe tải 2,5 tấn chở khoảng 15-20 con rồi mang đi bán cho các lò mổ trong và ngoài tỉnh. Dạng này gọi là đi chui, không tiêm phòng kiểm dịch, nếu gặp đoàn kiểm tra liên ngành của huyện thì "ăn" biên bản xử phạt ít nhất 3,5 triệu đồng, sau đó bò được trả về nơi xuất phát ban đầu để địa phương quản lý" (ông Tạ Thành Răng, Trạm phó Trạm Thú y huyện Tân Hưng).

Tin mới

4 mặt hàng nông sản Việt Nam được thế giới ưa chuộng
10 giờ trước
Xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong năm 2023 đạt 5,6 tỷ USD, tăng 66,7% so với năm 2022 nhờ tăng mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, EU, Hàn Quốc.
Bình thường xe Rolls-Royce đã đắt, 100% khách còn chịu chơi bỏ thêm tiền cho một thứ, nhu cầu cao đến mức còn phải tuyển thêm người làm
54 phút trước
Rolls-Royce đang mở rộng đáng kể trụ sở sản xuất của mình tại Goodwood nhằm tối ưu hơn khả năng cá nhân hóa sản phẩm cho người dùng.
Bộ đôi smartphone Vivo V30 series trình làng tại Việt Nam: Camera tối ưu cho ảnh chân dung, pin 5.500 mAh, giá từ 9,5 triệu đồng
2 giờ trước
Bộ đôi smartphone V30 5G và V30e 5G sở hữu một số nâng cấp sáng giá trên hệ thống camera.
HoREA đề xuất nhiều giải pháp về thực trạng quản lý đất tại TP.HCM
3 giờ trước
Theo HoREA, vấn đề quản lý đất đai đang gặp nhiều vướng mắc, trong đó việc định giá đất, cấp sổ hồng… lâu nay vẫn là vấn đề cấp thiết cần xử lý.
Đây là mẫu tủ lạnh 'ngon-bổ-rẻ' từ Aqua với ngăn đông dưới, thiết kế Color AI độc đáo, giá 15 triệu đồng
3 giờ trước
Mẫu tủ lạnh Aqua Color AI mới AQR-B380MA(WGP)U1 gây chú ý nhờ khả năng kết nối thông minh với smartphone qua Wi-Fi và bảng điều khiển đa sắc màu sinh động, dễ sử dụng.

Bảng giá cập nhật trực tuyến

Cao su

RUBBER

37.049.612 VNĐ / tấn

169.30 JPY / kg

1.93 %

+ 3.20

Đường

SUGAR

10.146.136 VNĐ / tấn

18.09 UScents / lb

-1.31 %

- -0.24

Cacao

COCOA

185.131.462 VNĐ / tấn

7,277.00 USD / mt

-1.57 %

- -116.00

Cà phê Arabica

COFFEE ARABICA

115.926.195 VNĐ / tấn

206.69 UScents / lb

4.09 %

+ 8.13

Đậu nành

SOYBEANS

11.469.786 VNĐ / tấn

1,227.00 UScents / bu

0.86 %

+ 10.50

Bột đậu nành

SOYBEAN MEAL

10.342.441 VNĐ / tấn

368.80 USD / ust

0.30 %

+ 1.10

Dầu đậu nành

SOYBEAN OIL

25.384.971 VNĐ / tấn

45.26 UScents / lb

1.66 %

+ 0.74

» Xem tất cả giá Nông sản

Tin cùng chuyên mục

Cho một bát nước vào tủ lạnh và để qua đêm: Hành động nhỏ nhưng cực hữu ích, EVN cũng khuyên thực hiện
4 giờ trước
Hành động tưởng như vô nghĩa song thực tế lại có công dụng trong việc tiết kiệm ví tiền cho chính người dùng, đặc biệt vào mùa hè.
Giá heo hơi tăng nóng
6 giờ trước
Giá heo hơi tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2023 dù thị trường đang ở giai đoạn tiêu thụ thấp điểm.
Loại cây nhà ai cũng trồng ra nước ngoài thành sản vật tỷ đô: Thu hơn nửa tỷ USD từ đầu năm, Trung Quốc có bao nhiêu mua bấy nhiêu
6 giờ trước
Hiện Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu mặt hàng này.
Cảng Chu Lai đưa vào vận hành hệ thống cẩu chuyên dụng
6 giờ trước
Công ty Cảng biển Quốc tế Chu Lai - Chu Lai Port (Quảng Nam) thuộc Tập đoàn THILOGI vừa đưa vào vận hành chính thức hệ thống cẩu chuyên dụng mới trị giá hơn 400 tỷ đồng.