Thị trường chứng khoán Việt Nam 20 năm tuổi dưới lăng kính Công ty chứng khoán

16/07/2020 09:16
Một điểm nổi bật khác trong hành trình 20 năm là việc các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cấu trúc công ty chứng khoán dưới hình thức góp vốn, mua lại các công ty chứng khoán trong nước.

Thị trường chứng khoán Việt Nam sau gần 20 năm hình thành và phát triển đã có những bước tiến quan trọng, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế và là kênh đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng hành cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán phải kể đến sự phát triển mạnh mẽ của các công ty chứng khoán thành viên cả về số lượng lẫn chất lượng hoạt động. Có thể nói, công ty chứng khoán thành viên có vai trò đặc biệt quan trọng, vừa là nhà đầu tư tham gia trực tiếp vào hoạt động của thị trường, vừa là cầu nối giữa Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM và các nhà đầu tư thông qua các hoạt động như môi giới, tư vấn, cung cấp dịch vụ…

Trong những năm đầu sơ khai của thị trường, số lượng công ty chứng khoán thành viên của Sở rất ít, năm 2000 chỉ vỏn vẹn có 7 công ty gồm CTCP Chứng khoán Bảo Việt, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, CTCP Chứng khoán Sài Gòn, CTCP Chứng khoán Đệ Nhất, CTCP Chứng khoán Thăng Long, Công ty TNHH Chứng khoán ACB và Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam rồi tăng dần lên 13 công ty vào năm 2005. Đến năm 2006, cùng với sự kiện Việt Nam chính thức được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, số lượng công ty chứng khoán thành viên cũng tăng lên mạnh mẽ và đạt mức cao nhất vào năm 2010 với 102 công ty chứng khoán thành viên.

Giai đoạn 2011 – 2020, thực hiện quá trình tái cấu trúc công ty chứng khoán theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ, số lượng công ty chứng khoán thành viên từng bước được thu hẹp thông qua một số hoạt động như hợp nhất, sáp nhập, hủy bỏ tư cách thành viên, điển hình là việc hợp nhất của các công ty như CTCP Chứng khoán MB và CTCP Chứng khoán VIT, CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội và CTCP Chứng khoán SHB, CTCP Chứng khoán Phú Hưng và CTCP Chứng khoán An Thành...

Tính đến ngày 31/12/2019, tổng số công ty chứng khoán thành viên tại Sở là 74 công ty, tăng 67 công ty, tương đương tăng 10 lần so với năm 2000 và giảm 28 công ty, tương đương giảm gần 30% so với thời kỳ đỉnh cao năm 2010. Tổng số nhân sự làm việc tại các công ty chứng khoán đạt gần 10.000 nhân sự, trong đó có gần 4.300 nhân sự có chứng chỉ hành nghề chứng khoán (chiếm gần 50% tổng số nhân sự) và hơn 100 đại diện giao dịch.

Tuy số lượng công ty chứng khoán thành viên có chiều hướng thu hẹp nhưng chất lượng hoạt động của các công ty chứng khoán thành viên lại có những chuyển biến tích cực. Vốn điều lệ của các công ty chứng khoán thành viên liên tục gia tăng, nhiều công ty đã đạt mức vốn điều lệ trên nghìn tỷ đồng. Theo số liệu tại Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 của các công ty chứng khoán thành viên, tính đến ngày 31/12/2019, có 24 công ty chứng khoán có mức vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên, chiếm 33% tổng số công ty chứng khoán thành viên (trong đó có 2 công ty chứng khoán có vốn điều lệ trên 5.000 tỷ đồng gồm Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) và CTCP Chứng khoán SSI với vốn điều lệ lần lượt là 5.445 tỷ đồng và 5.100 tỷ đồng), 30 công ty chứng khoán thành viên có mức vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng đến dưới 1.000 tỷ đồng, chiếm 40% tổng số công ty chứng khoán thành viên và còn lại có 20 công ty chứng khoán thành viên có quy mô vốn điều lệ dưới 300 tỷ đồng, chiếm 27% tổng số công ty chứng khoán thành viên.

Cùng với việc nâng cao năng lực tài chính, các công ty chứng khoán thành viên đã ngày càng chú trọng tăng cường công tác quản trị công ty, thực hiện đa dạng hóa dịch vụ cung cấp cho nhà đầu tư và nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, phát triển các kênh thông tin, ứng dụng hỗ trợ nhà đầu tư dễ dàng theo dõi, thực hiện giao dịch nhanh chóng, phục vụ tối đa cho nhu cầu tìm hiểu, tiếp cận thông tin như bảng giá điện tử thông minh đa tiện ích với thông tin cập nhật giá tốc độ cao, hỗ trợ xem thông tin giá của nhiều loại sản phẩm tài chính khác nhau như cổ phiếu, phái sinh, chứng quyền, phần mềm hỗ trợ giao dịch trên thiết bị di động… thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán. Số lượng tài khoản giao dịch nhà đầu tư mở tại các công ty chứng khoán thành viên tăng đều qua các năm. Từ con số 2.997 tài khoản vào cuối năm 2000, đến cuối năm 2019 tổng số tài khoản giao dịch nhà đầu tư mở tại các công ty chứng khoán thành viên là 2.324.440 tài khoản, tăng gấp 770 lần so với năm 2000. Trong đó, tài khoản giao dịch của nhà đầu tư trong nước là 2.290.590 tài khoản, chiếm 98,54% tài khoản toàn thị trường và tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài là 33.850, chiếm 1,46% tài khoản toàn thị trường.

Bên cạnh đó, các công ty chứng khoán thành viên cũng tích cực tham gia các hoạt động tư vấn đấu giá và tư vấn niêm yết, đặc biệt tư vấn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nhiều trường hợp tư vấn thành công doanh nghiệp có vốn hóa lớn, có thể kể đến như cổ phiếu của Công ty sữa Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam... Một số công ty chứng khoán cũng chủ động đăng ký thực hiện tạo lập thị trường cho quỹ hoán đổi danh mục (ETF) cũng như tiên phong trong việc phát hành và niêm yết chứng quyền có bảo đảm. Điều này không chỉ giúp thanh khoản của chứng khoán được tạo lập thị trường được cải thiện, tạo thêm sản phẩm đầu tư mới hấp dẫn, thêm công cụ phòng ngừa rủi ro hiệu quả cho nhà đầu tư, mà còn đem lại giá trị lớn cho các công ty chứng khoán phát hành thông qua hoạt động kinh doanh chênh lệch giá. Tính đến ngày 31/12/2019, có 7 công ty chứng khoán được chấp thuận là tổ chức tạo lập thị trường quỹ hoán đổi danh mục (gồm CTCP Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, CTCP Chứng khoán Rồng Việt, CTCP Chứng khoán Bảo Việt, CTCP Chứng khoán Bản Việt, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam và CTCP Chứng khoán VNDIRECT) và 8 công ty chứng khoán là tổ chức phát hành chứng quyền có đảm bảo (gồm CTCP Chứng khoán SSI, CTCP Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, CTCP Chứng khoán VNDIRECT, CTCP Chứng khoán Bản Việt, CTCP Chứng khoán MB, CTCP Chứng khoán VPS, CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam và CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam).

Một điểm nổi bật khác trong hành trình 20 năm là việc các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cấu trúc công ty chứng khoán dưới hình thức góp vốn, mua lại các công ty chứng khoán trong nước. Với thế mạnh về vốn, công nghệ và kinh nghiệm lâu năm ở thị trường quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài đã thổi làn gió mới vào thị trường chứng khoán Việt Nam, giúp công ty chứng khoán được góp vốn, mua lại mạnh mẽ hơn về tài chính, hoạt động bài bản, chuyên nghiệp hơn trước. Theo thống kê từ Sở, tính đến tháng 02/2020 có 28 công ty chứng khoán thành viên có sự tham gia góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có 6 công ty chứng khoán thành viên có sự tham gia 100% vốn nước ngoài (gồm Công ty TNHH Chứng khoán Kimeng Việt Nam, Công ty TNHH Chứng khoán NH Việt Nam, Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), Công ty TNHH Chứng khoán RHB Việt Nam, Công ty TNHH Chứng khoán Shinhan Việt Nam, Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam); 7 CTCK có sự tham gia của vốn ngoại từ 51% đến dưới 100% gồm CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (99,7%), CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam (99,26%), CTCP Chứng khoán Nhật Bản (98,72%), CTCP Chứng khoán Pinetree (90,05%), CTCP Chứng khoán Phú Hưng (74,7%), CTCP Chứng khoán CV (91,94%), CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (64,28%).

Trong suốt quá trình hoạt động, các công ty chứng khoán thành viên đã tích cực phối hợp với Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM trong việc triển khai các giải pháp kỹ thuật mới như thay đổi biên độ dao động giá, kéo dài thời gian giao dịch, áp dụng lệnh giao dịch mới, thay đổi phương thức giao dịch từ nhập lệnh tại sàn thông qua đại diện giao dịch chuyển sang giao dịch trực tuyến… với việc tham gia góp ý xây dựng các văn bản pháp lý, phối hợp tuyên truyền, đào tạo kiến thức chứng khoán cho nhà đầu tư và thực hiện các đợt thử nghiệm hệ thống giao dịch với Sở trước khi chính thức triển khai. Đồng hành cùng với sự phát triển của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM trong suốt 20 năm, các công ty chứng khoán đã khẳng định được là nhân tố đóng góp quan trọng không thể thiếu cho sự phát triển ổn định và bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tin mới

Nên mua xe ô tô nào với 600 triệu đồng?
2 giờ trước
Với 600 triệu đồng, người mua ô tô hiện có nhiều lựa chọn hấp dẫn từ xe hatchback, sedan đến SUV/CUV 5 chỗ và MPV 7 chỗ.
Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản hàng đầu Đông Nam Á, làm thế nào để khai thác và chế biến hiệu quả?
2 giờ trước
Việt Nam là một trong những quốc gia có trữ lượng khai thác khoáng sản lớn nhất Đông Nam Á.
Vé tàu từ Hà Nội đi các tỉnh, thành dịp 30/4-1/5 tăng cao nhất 6%
21 phút trước
Chiều 24/4, đại diện Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 Cty có kế hoạch bán hơn 100 nghìn vé tàu từ Hà Nội đi các tỉnh, thành. Đến nay, số lượng vé đã bán được hơn 50% và giá tăng trung bình từ 2- 6%.
Mercedes-Benz G-Class thuần điện chính thức ra mắt: Thiết kế gần như bê nguyên bản thường, mạnh tới 579 mã lực, nhưng đây mới là con số ấn tượng nhất
20 phút trước
Mẫu SUV biểu tượng của Mercedes-Benz là G-Class đã chính thức có phiên bản thuần điện với tên gọi khá lạ tai: Mercedes-Benz G580 EQ Technology.
Chuyện chưa từng có: Quốc gia láng giềng của Việt Nam chế tạo ra thứ đắt hơn vàng từ… hoa
55 phút trước
Quốc gia này tạo ra thứ đắt hơn vàng, chỉ 3 carat nhưng có giá hơn 1 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục

Bội thu từ cho vay margin, lộ diện Top 5 công ty chứng khoán cho vay ký quỹ nhiều nhất?
18 giờ trước
Quý 1/2024 tiếp tục chứng kiến sự gia tăng về giá trị cho vay ký quỹ (margin) của các công ty chứng khoán.
Thị trường “lật mặt”, VN-Index suýt bay mất 20 điểm
1 ngày trước
Cầm cự quanh tham chiếu chỉ được chưa đầy 1 tiếng giao dịch phiên sáng, VN-Index lại quay đầu giảm và sức ép càng gia tăng mạnh cuối phiên chiều.
Công ty chứng khoán đua nhau báo lợi nhuận “bùng nổ”
1 ngày trước
Quý 1/2024 đánh dấu giai đoạn tích cực sau khi chỉ số vượt qua được vùng giá cũ và chinh phục mốc 1.200 điểm. Nhờ sự sôi động của thị trường, nhiều công ty chứng khoán không chỉ có lợi nhuận tăng trưởng tốt mà thậm chí, mức tăng còn gấp nhiều lần kết quả của cùng kỳ năm ngoái.
Trợ lý Chủ tịch Quốc hội bị bắt: Thị trường chuyển biến tích cực, nhiều cổ phiếu "tím lim"
2 ngày trước
Phiên ngày 22/04 hôm nay đã cắt đứt chuỗi giảm giá mạnh của thị trường chứng khoán trong những phiên vừa qua. Vn-Index chốt phiên tăng 1,31% lên 1.190 điểm.