Giá kim loại đất hiếm đã đạt mức cao kỷ lục trong những tuần gần đây kể từ khi Trung Quốc siết chặt xuất khẩu các vật liệu chính được sử dụng trong xe điện, tua bin gió và các mặt hàng khác trong bối cảnh cuộc chiến thương mại diễn ra đối với Mỹ.
Giá của dysprosi ở châu Âu (chuẩn mực cho vật liệu bên ngoài Trung Quốc) đã tăng gấp 3 lần kể từ đầu tháng 4, lên 850 USD/kg tính đến ngày 2/5, theo Argus Media. Giá Terbi cũng đã tăng lên 3.000 USD/kg từ mức chỉ 965 USD/kg.
Dysprosi là một loại khoáng chất đất hiếm nặng có từ tính đặc biệt và điểm nóng chảy cao, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực công nghệ quan trọng, trong khi Terbi là một kim loại đất hiếm màu trắng bạc, dễ uốn, dễ kéo và đủ mềm để cắt bằng dao. Cả hai đều ghi nhận mức tăng hàng tháng lớn nhất và mức giá cao nhất trong dữ liệu tính từ tháng 5 năm 2015.
Vào ngày 4/4, Chính phủ Trung Quốc đã công bố lệnh hạn chế xuất khẩu 7 kim loại đất hiếm bao gồm terbi và dysprosi - một động thái diễn ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế quan vào ngày 3/4.
Cũng theo Argus, hoạt động xuất khẩu kim loại đất hiếm của Trung Quốc được cho là đã dừng lại ngay sau đó.
Kim loại đất hiếm được mệnh danh là "vitamin công nghiệp" vì chúng có thể cải thiện chức năng của vật liệu mà chúng được thêm vào ngay cả với số lượng nhỏ. Chúng rất quan trọng để sản xuất các sản phẩm tiên tiến như xe điện, động cơ tua bin gió và máy bay.
Bảy nguyên tố bị Trung Quốc hạn chế được phân loại là đất hiếm trung bình và nặng. Chúng ít phổ biến hơn đất hiếm nhẹ và Trung Quốc chịu trách nhiệm cung cấp phần lớn nguồn cung toàn cầu của chúng.
Takahiro Sato thuộc Phòng Nghiên cứu Công nghiệp của Ngân hàng Mizuho cho biết: "Thật khó để thay thế các loại đất hiếm bị hạn chế bằng các vật liệu được sản xuất ở các quốc gia khác".
Giá đất hiếm nặng tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí của động cơ được sử dụng trong xe điện và các sản phẩm khác. "Những hạn chế về nguồn cung kéo dài có thể khiến việc sản xuất xe điện nói chung trở nên bất khả thi", Toru Okabe, giáo sư tại Viện Khoa học Công nghiệp thuộc Đại học Tokyo, cho biết.
Sự khan hiếm đất hiếm cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Mỹ và Ukraine , khi ông Trump bày tỏ sự quan tâm đến các nguồn tài nguyên của Ukraine . Tuần này, hai nước đã ký một thỏa thuận cùng nhau phát triển năng lượng và tài nguyên khoáng sản tại Ukraine .
Đối với đất hiếm, Việt Nam cũng đóng một vai trò quan trọng khi trữ lượng đất hiếm của Việt Nam được xác định ở mức 3,5 triệu tấn. Theo báo cáo, Việt Nam có một số mỏ có nồng độ đất hiếm ở phía tây bắc và dọc theo bờ biển phía Đông của Việt Nam.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), thuộc Bộ Nội vụ Mỹ, đã tính toán lại trữ lượng đất hiếm của Việt Nam trong báo cáo "Tóm tắt Mặt hàng Khoáng sản năm 2025" vào tháng 3/2025. Hiện, trữ lượng đất hiếm tại Việt Nam là 3,5 triệu tấn.
USGS giải thích, dữ liệu trữ lượng đất hiếm luôn biến động. Chúng có thể giảm khi quặng được khai thác và/hoặc tính khả thi của việc khai thác giảm đi. Chúng có thể tiếp tục tăng khi các mỏ bổ sung (đã biết hoặc mới phát hiện) được phát triển, hoặc các mỏ hiện đang khai thác được thăm dò kỹ lưỡng hơn và/hoặc công nghệ mới hoặc các biến số kinh tế cải thiện tính khả thi về mặt kinh tế của chúng. Với số liệu mới nhất, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có trữ lượng lớn nhất thế giới.
Sản xuất đất hiếm của Việt Nam năm 2024 chỉ đạt 300 tấn. Năm 2023, Việt Nam đã tuyên bố mục tiêu sản xuất 2,02 triệu tấn đất hiếm vào năm 2030.