Việt Nam có thể bị ảnh hưởng thế nào khi lợi suất trái phiếu Mỹ tiếp tục tăng?

27/02/2021 09:04
Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ đã tăng mạnh trở lại gần đây bởi việc triển khai tiêm vaccine Covid cũng như khả năng Mỹ thông qua gói kích thích tài chính khổng lồ 1.900 tỷ USD. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã đạt đỉnh 1,6% vào hôm 26/2, là mức cao nhất trong vòng 1 năm qua.

Lợi suất tăng đã tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán Mỹ. Kết thúc tuần cuối cùng của tháng 2, chỉ số S&P 500 giảm 2,5% - tuần giảm thứ 2 liên tiếp trong khi Dow Jones mất 1,8% và Nasdaq rớt 4,9%. 

Theo TS. Phan Minh Ngọc, chuyên gia đang làm việc trong ngành tài chính tại Singapore, do quy mô lớn của nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán Mỹ nên sự sụt giảm ở đây cũng thường gây tác động tới các thị trường chứng khoán khác trên toàn cầu, ít nhất trong ngắn hạn. 

PV: Theo ông, sự sụt giảm cổ phiếu lần này sẽ kéo dài bao lâu, bao xa?

TS. Phan Minh Ngọc: Bao lâu hay bao xa còn phụ thuộc vào động cơ đẩy lợi suất trái phiếu tăng lên. Thông thường, lợi suất trái phiếu sẽ tăng khi nhà đầu tư kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng (mạnh hơn) trong tương lai. Mặt khác, sự tăng này hoàn toàn cũng có thể là do nhà đầu tư kỳ vọng lạm phát cao trong tương lai.

Nếu lợi suất ở Mỹ đang tăng lên chủ yếu bởi kỳ vọng của nhà đầu tư vào sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ sau đại dịch thì sự tụt giảm trên thị trường chứng khoán sẽ không quá lâu, quá mạnh. Điều này được minh chứng qua sự tăng trưởng 3,9% của S&P 500 trong 3 tháng qua dù lợi suất của trái phiếu 10 năm đã tăng tới 0,5 điểm phần trăm, là một tốc độ tăng khá nhanh kể từ năm 1990.

Ngược lại, nếu lợi suất bị đẩy lên cao chủ yếu bởi kỳ vọng lạm phát thì triển vọng của thị trường chứng khoán sẽ trở nên ảm đạm hơn trong trung và dài hạn khi nhà đầu tư sẽ phải vay mượn để đầu tư vào thị trường chứng khoán với lãi suất cao hơn trong tương lai trong khi tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu lại bị giới hạn bởi triển vọng tăng trưởng kinh tế kém lạc quan. Động thái nới lỏng định lượng của Fed trong thời gian qua không gây ra áp lực đáng kể lên lạm phát ở Mỹ (vẫn thấp so với mục tiêu trên 2%) phần lớn bởi tổng cầu cũng bị đè nén trong đại dịch. Nay với triển vọng tái mở cửa trở lại sau khi tiêm vaccine đại trà thì không ai có thể khẳng định chắc chắn rằng sự tiếp tục nới lỏng của Fed như trong tuyên bố của họ mới đây sẽ không làm tăng mạnh và kéo dài lạm phát.

Vậy nhà đầu tư và thị trường cần chú ý gì trong thời gian tới?

Điều cần theo dõi chặt chẽ trong thời gian tới là diễn biến lạm phát ở Mỹ, nhất là khi nền kinh tế về cơ bản đã tái mở cửa khi việc tiêm chủng đã đạt quy mô cần thiết. Nếu lạm phát quay trở lại trong xu hướng tăng lên một cách "bền vững" hơn thì Fed chắc chắn sẽ sớm phải thu hẹp tiến đến chấm dứt nới lỏng định lượng một cách tương ứng bất chấp lập trường duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng cho đến ít nhất năm 2023. Fed khó có thể làm khác được dù rằng nền kinh tế đến lúc đó vẫn có thể chưa hoàn toàn phục hồi và đạt tốc độ tăng trưởng như ý muốn, bởi lạm phát cao kéo dài sẽ tác động tiêu cực ngược lại đến tăng trưởng kinh tế và tăng rủi ro đổ vỡ cho hệ thống tài chính.

Lạm phát gia tăng ở Mỹ là một yếu tố làm tăng áp lực lạm phát toàn cầu. Kết hợp với chính sách tiền tệ thắt chặt hơn ở Mỹ, điều này buộc các nước khác nhìn chung phải ở thế tự vệ, cũng buộc phải thắt chặt hơn chính sách tiền tệ của mình để phòng chống lạm phát, giữ chân dòng vốn nước ngoài, cũng như bảo vệ tỷ giá nội tệ.

Nếu những diễn biến trên xảy ra thì sẽ tác động thế nào tới thị trường tài chính các nước và Việt Nam thưa ông?

Nếu những diễn biến trên xảy ra trong thời gian tới thì Việt Nam sẽ càng phải thận trọng hơn trong việc nới lỏng tiền tệ. Nói cách khác, lãi suất ở Việt Nam sẽ có xu hướng đảo ngược và tăng lên trong thời gian tới nếu lạm phát và lãi suất tiếp tục tăng ở Mỹ và các nơi khác trên thế giới. Triển vọng tăng trưởng kinh tế cũng vì thế sẽ bị ảnh hưởng.

Một hậu quả đáng kể khác đến từ sự tăng lên của lãi suất ở Mỹ, và có ảnh hưởng mạnh đến các nền kinh tế khác trên thế giới, là chiều hướng lên giá của USD. Lý do là bởi các nhà đầu tư sẽ rút vốn đầu tư từ các nền kinh tế khác, bằng các đồng tiền khác để mua và nắm giữ các tài sản bằng USD để hưởng lãi suất cao hơn, nếu các điều kiện khác không thay đổi. Như vậy, nếu lợi suất trái phiếu Mỹ tiếp tục tăng lên thì nội tệ của các nước khác sẽ chịu áp lực điều chỉnh lớn hơn. Nói cách khác, xu hướng dư thừa USD trong hệ thống ngân hàng và sự suy yếu của tỷ giá USD/VND sẽ sớm chấm dứt trước xu thế rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài.

Để bảo vệ tỷ giá khỏi những biến động lớn bất lợi, tránh được cơn sốc cung ngoại tệ khi các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt rút vốn về thì ngân hàng trung ương, nhất là của các nước đang phát triển, cần phải có một quỹ dự trữ ngoại hối đủ lớn làm bộ đệm cho cú sốc tiềm năng này. Điều may mắn là Việt Nam cũng như nhiều nước đang phát triển ở châu Á gồm Thái Lan, Philippines, Indonesia và Ấn Độ đều đã tăng mạnh dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục trong năm 2020 và bước sang năm 2021. Tuy nhiên, so với các đối tác trong khu vực, nếu xét về độ lớn so với quy mô GDP và số tháng nhập khẩu thì quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam vẫn còn tương đối mỏng nên để ổn định tỷ giá thì Việt Nam sẽ phải dựa thêm nhiều hơn vào công cụ lãi suất.

Tóm lại, các hậu quả đến từ sự gia tăng lợi suất trái phiếu/lãi suất của Mỹ đến các nước đang phát triển như Việt Nam như nói ở trên sẽ xảy ra sớm hay muộn, kéo dài bao lâu và ở mức độ nào... tất cả sẽ phụ thuộc vào lạm phát kỳ vọng và thực tế tại Mỹ.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!


Tin mới

Mẫu điện thoại bán chạy hơn cả iPhone, gắn liền với kỷ niệm của nhiều người Việt
5 giờ trước
Mẫu điện thoại này có sức tiêu thụ lên tới 250 triệu chiếc trên toàn cầu.
Xanh SM nới rộng khoảng cách với Grab, đứng đầu thị phần taxi tại Việt Nam trong quý II/2025
7 giờ trước
Với khoảng cách gần 9% so với Grab, Xanh SM đang chiếm lĩnh thị phần thị trường gọi xe 4 bánh.
Pop Mart kiện 7-Eleven vì 'đạo nhái' con cưng Labubu
7 giờ trước
Việc Lafufu, phiên bản "nhái" của Labubu, đang được bày bán tại các cửa hàng 7-Eleven tại Mỹ khiến Pop Mart vô cùng khó chịu.
Mẫu xe máy điện đi từ Hà Nội đến Nghệ An mới cần sạc: Cốp rộng hơn Vision, Lead, giá "êm"
7 giờ trước
Xe máy điện VinFast Evo Grand có tầm di chuyển 262km sau khi sạc đầy (với điều kiện 2 pin), quãng đường này đi từ Hà Nội đến Diễn Châu (Nghệ An).
Ai chịu trách nhiệm việc thanh long, hồ tiêu 'chết yểu' vì thủ tục xuất khẩu?
7 giờ trước
Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ vướng mắc khi hàng trăm tấn thanh long và hồ tiêu đang bị ùn ứ tại các kho lạnh, không thể xuất sang Liên minh châu Âu (EU) do vướng thủ tục cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.

Tin cùng chuyên mục

Cổ phiếu ORS chịu áp lực bán mạnh, thanh khoản tăng đột biến
20/03/2025 15:44
Kết phiên hôm nay (20/3), VN-Index giảm 0,7 điểm xuống 1.323,93 điểm. Thanh khoản giảm so với phiên hôm qua, giá trị khớp lệnh trên HoSE đạt khoảng 17.843,41 tỷ đồng.
Chân dung tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Top 500 người giàu nhất thế giới
12/03/2025 16:18
Theo cập nhật mới nhất của Forbes, ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup lọt top 500 người giàu nhất thế giới và giữ vững vị trí giàu nhất Việt Nam.
"Pháp sư Trung Quốc" lại gây sốc thế giới với sản phẩm AI mới, lần này cái tên là Manus
12/03/2025 03:40
Sau khi DeepSeek khuấy đảo cộng đồng công nghệ thế giới, Trung Quốc tiếp tục khiến dư luận quốc tế ngỡ ngàng với sự xuất hiện của Manus, một trí tuệ nhân tạo (AI) do startup Monica phát triển.
Sự sụp đổ của 1 startup xe điện Mỹ: Từng trị giá 30 tỷ USD, 'cháy' tiền mặt nên phải bán toàn bộ tài sản, founder tù tội
21/02/2025 03:06
Startup này bắt đầu rơi vào khủng hoảng sau khi người sáng lập Trevor Milton bị cáo buộc lừa dối các nhà đầu tư về hoạt động kinh doanh.