Xuất khẩu "lạnh" đột ngột, đơn hàng sụt giảm, doanh nghiệp dệt may lâm vào thế khó

29/11/2022 09:07
Các doanh nghiệp dệt may đang ở trong giai đoạn khó khăn do các đơn hàng sụt giảm trong những tháng cuối năm và có thể còn kéo dài đến quý 1/2023.

Sự suy giảm này càng nghiêm trọng hơn khi các doanh nghiệp dệt may đang phải chịu áp lực lớn từ lãi suất ngân hàng tăng, giá mua nguyên phụ liệu và duy trì công ăn việc làm cho người lao động...

Thông thường trong 3 tháng cuối năm, ngành dệt may luôn ở trạng thái thiếu đơn hàng. Tình trạng này càng thêm trầm trọng trong năm 2022, do các quốc gia trên thế giới đối mặt với tình trạng lạm phát cao, người tiêu dùng chỉ ưu tiên chi tiêu cho những hàng hóa thiết yếu thay vì mua sắm hàng dệt may.

KHÓ KHĂN CÓ THỂ KÉO DÀI ĐẾN HẾT QUÝ 1/2023

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, trong 6 tháng đầu năm, lượng đơn hàng đạt kết quả tích cực cả về xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, nửa cuối năm, lạm phát tăng một số thị trường xuất khẩu quan trọng khiến sức mua hàng dệt may có xu hướng giảm.

Nguyên nhân là do kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng thấp do cuộc xung đột Nga – Ukraine kéo dài. Áp lực lạm phát đã dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng và chi tiêu cho mặt hàng may mặc giảm. Theo một khảo sát, có tới 40% người dân Mỹ cho biết sẽ cắt giảm chi tiêu cho mặt hàng quần áo.

"Từ tháng 7, 8 thông tin về thị trường xuất khẩu "lạnh" đột ngột khiến đơn hàng giảm sút. Thị trường hàng may mặc dự báo trầm lắng hết quý 4/2022 và sẽ kéo dài sang năm 2023", ông Việt cho biết.

Xuất khẩu lạnh đột ngột, đơn hàng sụt giảm, doanh nghiệp dệt may lâm vào thế khó - Ảnh 1.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10

Cũng trong tình trạng tương tự, ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn May Hồ Gươm cho biết, thông thường trong 3 tháng cuối năm, ngành dệt may luôn ở trạng thái thiếu đơn hàng. Năm nay tình trạng càng thêm trầm trọng, do các quốc gia đối mặt với tình trạng lạm phát cao, sức mua giảm, giá năng lượng tăng, giá thực phẩm tăng, người tiêu dùng họ sẽ ưu tiên cho những chi phí thiết yếu còn quần áo thì ưu tiên thứ 3 hoặc thứ 4.

"Đơn hàng của May Hồ Gươm sụt giảm nhiều, có nhà máy đơn hàng giảm tới 60% phải cho người lao động nghỉ thứ 7 và Chủ nhật và không tăng ca, thêm giờ", ông Phí Ngọc Trịnh thông tin.

Xuất khẩu lạnh đột ngột, đơn hàng sụt giảm, doanh nghiệp dệt may lâm vào thế khó - Ảnh 2.

Ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn May Hồ Gươm

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp dệt may lại gặp khó khăn về dòng tiền, bởi các đối tác thường thanh toán chậm 3-4 tháng, trong khi trước khi giao hàng doanh nghiệp phải mua nguyên phụ liệu của Trung Quốc và phải trả tiền ngay.

Vì vậy, doanh nghiệp phải vay vốn với lãi suất cao để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu mua và chuẩn bị nguyên vật liệu cho các kỳ sản xuất năm 2023 cũng như duy trì công ăn việc làm cho người lao động.

"Ngành dệt may xác định tinh thần sẽ phải khó khăn đến hết Tết Nguyên Đán, thậm chí cuối tháng 3 mới ổn định được" ông Trịnh dự báo.

NỖ LỰC VƯỢT KHÓ, CHỜ TÍN HIỆU PHỤC HỒI

Tại thời điểm hiện tại, ông Phí Ngọc Trịnh cho biết, doanh nghiệp đã nỗ lực tập trung trung tìm kiếm các đơn hàng ở mọi thị trường trong nước và nước ngoài, thậm chí có những đơn hàng nhận xong biết là lỗ nhưng vẫn nhận để cho công nhân làm việc ổn định.

"Người lao động gắn bó với doanh nghiệp cả một năm. Trong khi Tết gần đến rồi, nếu doanh nghiệp không lo công việc và tiền lương cho họ thì người lao động rất khó khăn", ông Trịnh chia sẻ.

Bên cạnh sự nỗ lực của bản thân doanh nghiệp, ông Trịnh đề xuất đề xuất Chính phủ nên xem xét kéo dài tới hết năm 2023 một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả thiết thực trong giai đoạn đại dịch COVID-19, như: chính sách giảm 2% thuế VAT, chậm đóng bảo hiểm từ 1-3 tháng...

"Nếu được hỗ trợ, doanh nghiệp sẽ có một nguồn tiền để lo cho người lao động vào dịp Tết Nguyên Đán thay vì phải đi vay ngân hàng với lãi suất cao", ông Trịnh mong muốn.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang, các doanh nghiệp dệt may đang ở trong giai đoạn khó khăn và chịu áp lực rất lớn. Việc sụt giảm các đơn hàng trong tháng 11-12 năm nay và có thể còn kéo dài đến quý 1/2023, mức bình quân giảm từ 25-27%, nhất là đối với các doanh nghiệp làm hàng gia công.

"Sự suy giảm này càng nặng hơn khi các doanh nghiệp dệt may phải chịu áp lực lớn từ lãi suất ngân hàng tăng, giá mua nguyên phụ liệu và tỷ giá chênh lệch…", ông Giang nêu rõ.

Xuất khẩu lạnh đột ngột, đơn hàng sụt giảm, doanh nghiệp dệt may lâm vào thế khó - Ảnh 3.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS)

Trong bối cảnh đó, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp dệt may hiện nay là vấn đề lao động, bởi lao động là tài sản số một của doanh nghiệp, trên cả thiết bị công nghệ, nhà xưởng nên dù trong bối cảnh sụt giảm đơn hàng, các doanh nghiệp vẫn phải gắng gượng để giữ chân lao động.

"Nhiều đơn vị đã phải chuyển từ sản xuất may mặc sang làm túi xách cho các siêu thị để có công việc cho người lao động. Dù năng suất không cao nhưng doanh nghiệp vẫn giữ chân được người lao động trong khi chờ tín hiệu phục hồi", ông Giang nhìn nhận.

Thời gian tới, Hiệp hội Dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các chương trình kết nối các doanh nghiệp trong nước cũng như với các doanh nghiệp FDI hình thành chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường xuất khẩu; phối hợp với các tổ chức quốc tế lớn uy tín triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về quản trị, chuyển đổi xanh, công nghệ mới, thiết kế, xây dựng thương hiệu…

Bên cạnh đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam sẽ thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt giao lưu, quảng bá hình ảnh; truyền tải kịp thời thông tin về ngành, kinh tế - xã hội trong nước và thế giới đến các hội viên.

Năm 2023, Hiệp hội tiếp tục kiến nghị lên Chính phủ và các bộ, ngành, cân nhắc việc giảm thuế hoặc hoãn giãn thuế cho doanh nghiệp. Cùng với đó, tìm các nguồn tài chính cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp để duy trì sản xuất, giữ ổn định lao động.

"Riêng đối với lãi suất ngân hàng, Hiệp hội kiến nghị Nhà nước có thể cân nhắc với một số lĩnh vực ngành hàng có xuất khẩu lớn, thặng dư thương mại cao, giải quyết việc làm, thì giữ mức lãi suất hợp lý để khuyến khích doanh nghiệp duy trì, giữ ổn định lao động, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn", ông Vũ Đức Giang kiến nghị.

Tin mới

Đột kích 4 cửa hàng, bắt giữ giám đốc cầm đầu đường dây bán dược phẩm và mỹ phẩm giả, tịch thu 40.000 sản phẩm trị giá hơn 3 tỷ đồng
3 ngày trước
Cơ quan chức năng đã bắt giữ Giám đốc và 4 nhân viên, thu giữ tổng cộng 950 sản phẩm giả và 39.000 viên thuốc chưa được cấp phép hoặc đăng ký với Bộ Y tế.
Hai chiếc VinFast VF 3 'đốt lốp' khét lẹt, có trang bị như xe đua: Thứ quan trọng nhất vẫn nguyên bản
3 ngày trước
Hai chiếc VinFast VF 3 này có trang bị theo đúng tiêu chuẩn xe đua.
Yamaha PG-1 được trang bị động cơ R15! Truyền thông Nhật Bản dự đoán 'PG-155' sẽ sớm ra mắt
3 ngày trước
Đây sẽ là một tin vui lớn cho cộng đồng yêu xe, đặc biệt là những ai đang tìm kiếm một chiếc xe vừa "chất" về ngoại hình, vừa mạnh mẽ về hiệu suất để thỏa mãn đam mê khám phá.
Thuế quan của ông Trump đối với Brazil làm rung chuyển thị trường cà phê
3 ngày trước
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố mức thuế 50% đối với hàng nhập khẩu từ Brazil. Động thái này khiến thị trường cà phê toàn cầu chao đảo và có thể đẩy giá một ly cà phê ở Mỹ lên mức cao chưa từng thấy.
Biến phòng tắm thành "bể bơi mini" tại nhà cùng Caesar
3 ngày trước
Sự lên ngôi của xu hướng sống khỏe khiến nhiều hộ gia đình ưu tiên đầu tư vào phòng tắm. Bồn tắm massage Caesar là điểm nhấn nổi bật, đáp ứng nhu cầu thư giãn mùa hè trong không gian riêng tư và chuẩn mực hiện đại.

Tin cùng chuyên mục

Thuốc lá sẽ bị đánh thuế 10.000 đồng/bao, xì gà chịu mức 100.000 đồng/điếu
3 ngày trước
Từ 2027, các mặt hàng thuốc lá sẽ chịu mức thuế tuyệt đối, trong đó mức thuế với thuốc lá điếu là 2.000 đồng/bao từ năm 2027 và tăng lên 10.000 đồng vào năm 2031.
InnoEx 2025: Bản đồ từ dữ liệu đến tăng trưởng cho doanh nghiệp
3 ngày trước
Cổng đăng ký diễn đàn quốc tế InnoEx 2025, chủ đề "Từ Dữ liệu đến Tài sản số" tháng 8 này đã chính thức mở. Không chỉ giải mã cách chuyển hóa dữ liệu thành tăng trưởng, cơ hội kết nối với hàng nghìn lãnh đạo, chuyên gia, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế đang chờ các doanh nghiệp tham gia.
7 tranh cãi điển hình khi Santa Fe giảm dưới 900 triệu: Tự nhiên thấy đẹp nhưng chưa chắc lấy được khách của phân khúc dưới
11/07/2025 08:13
Theo chuyên gia Đoàn Anh Dũng, vấn đề lớn nhất của Hyundai Santa Fe là thiết kế nhưng có thể khỏa lấp bằng giá rẻ.
Đề xuất tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đến hết năm 2026
11/07/2025 07:36
Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giữ nguyên mức giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu như hiện hành, áp dụng cho đến hết năm 2026.