Theo dự báo của Sucden (Pháp), một trong những công ty kinh doanh đường lớn nhất thế giới, thị trường đường toàn cầu có khả năng thiết hụt gần 2 triệu tấn so với nhu cầu hiện tại. Nguyên nhân là do thời tiết khô hạn và các vụ cháy thiêu rụi hàng chục ngàn hecta mía ở Brazil, đồng thời lệnh cấm xuất khẩu từ các quốc gia hàng đầu thế giới là Ấn Độ và Nga.
Báo cáo của Sucden cho biết, nguồn cung đường thô từ vùng Trung Nam của Brazil trong quý 4/2024 và quý 1/2025 dự kiến giảm 40% so với cách đây một năm.
Ở vùng bắc bán cầu, sản lượng củ cải đường và mía tăng lên nhờ thời tiết thuận lợi và đà tăng giá đường trong năm 2023. Dù vậy, sự cải thiện này vẫn không đủ để bù đắp cho sản lượng đường thiếu hụt ở Brazil.
Các quốc gia như Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc và Mexico đã tăng sản lượng. Tuy nhiên, ngành công nghiệp đường toàn cầu phụ thuộc rất nhiều vào sản lượng của Brazil để đáp ứng nhu cầu trên toàn thế giới.
Cuối tháng 8, Tổ chức Đường quốc tế (ISO) dự báo, thị trường đường toàn cầu trong niên vụ 2024/2025 sẽ thiếu hụt 3,58 triệu tấn, vượt qua mức thiếu hụt 200.000 tấn trong niên vụ 2023-2024. ISO cũng dự báo sản lượng đường toàn cầu niên vụ hiện tại chỉ đạt 179,3 triệu tấn, giảm 1,1% so với niên vụ trước.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo, tồn kho đường toàn cầu vào cuối niên vụ 2024/2025 sẽ giảm 4,7%, xuống mức thấp nhất trong 13 năm là 38,3 triệu tấn.
Hợp đồng đường thô tương lai giao dịch trên các sàn giao dịch ở London và New York đã đạt mức cao nhất 6 tháng vào tháng trước trong bối cảnh lo ngại tình trạng hạn hán nghiêm trọng kéo dài ở Brazil.
Tính đến đầu tháng 10/2024, giá đường thô dao động quanh mức 23 USD/pound, đánh dấu mức tăng 11,47% kể từ đầu năm. Đợt tăng giá này ảnh hưởng đến các thương nhân, người tiêu dùng và nhà sản xuất thực phẩm trên toàn thế giới.
Giá đường tăng mạnh là lý do chính khiến chỉ số thực phẩm toàn cầu của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) bật lên mức cao nhất hơn 2 năm vào tháng 9.
Báo cáo cho biết thêm, đây là cơ hội để Ấn Độ, nhà sản xuất đường số hai thế giới giải cứu thị trường và phục hồi xuất khẩu .
Quốc gia đông dân nhất thế giới hạn chế xuất khẩu mặt hàng này kể từ tháng 10/2023 để duy trì đủ nguồn cung trong nước. Cuối năm ngoái, Ấn Độ yêu cầu các nhà máy đường ngừng sử dụng mía để sản xuất ethanol cho niên vụ 2023/2024 nhằm tăng dự trữ đường.
Gần đây, Hiệp hội các nhà sản xuất năng lượng sinh học và đường Ấn Độ (ISM) kêu gọi chính phủ dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu hiện tại vì sản lượng đường của Ấn Độ dự kiến tăng lên trong mùa vụ tới nhờ lượng mưa dồi dào.
Vào tháng 5/2024, một quốc gia khác là Nga cũng gây chú ý khi áp dụng lệnh cấm xuất khẩu đường. Quy định áp dụng cho đường mía, đường củ cải và đường không sucrose ở dạng rắn.
Đà tăng mạnh của giá dầu thô trong 2 tuần qua do căng thẳng leo thang ở Trung Đông cũng đang hỗ trợ giá đường. Giá dầu thô cao hơn có thể thúc đẩy các nhà máy đường trên thế giới chuyển hướng sang ép mía để sản xuất nhiên liệu ethanol thay vì đường, do đó hạn chế nguồn cung đường.
Triển vọng sản lượng tăng ở Thái Lan, nhà sản xuất đường lớn thứ ba thế giới, có thể là yếu tố kìm hãm đà tăng của giá đường. Văn phòng Ủy ban mía đường Thái Lan dự báo, sản lượng đường niên vụ 2024/2025 của Thái Lan sẽ tăng hàng năm 18%, lên 10,35 triệu tấn.
Tại Việt Nam, ngành mía đường đang dần hồi sinh. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, sản lượng mía thu hoạch niên vụ 2023/2024 đạt 11,2 triệu tấn, tăng 1,7 triệu tấn (tương ứng tăng 17,9%) so với vụ 2022/2023 là 9,49 triệu tấn và 7,53 triệu tấn của vụ 2021/2022.
Tổng diện tích trồng mía cả nước niên vụ 2023/2024 đạt gần 175.000 ha, với năng suất đường lần đầu tiên đạt 6,79 tấn/ha. So với các nước sản xuất mía đường chính trong khu vực bao gồm Thái Lan, Indonesia, Philippine, thành tích nêu trên đã lần đầu tiên đưa ngành mía đường Việt Nam vào vị trí số 1 về năng suất đường trong khu vực. Đáng chú ý, giá bán mía của nông dân đã tăng lên mức cao chưa từng có, đạt gần 1,3 triệu đồng/tấn.
Tham khảo: Rio Times