Độc quyền vàng miếng nhưng phải minh bạch

06/12/2017 07:51
Ngân hàng Nhà nước nên bổ sung vào nghị định mới các quy định doanh nghiệp đủ điều kiện mời gọi người dân góp vốn bằng vàng.

Ngân hàng (NH) Nhà nước vừa công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Một trong những nội dung quan trọng nhất là NH Nhà nước độc quyền huy động vàng miếng, kinh doanh vàng trên tài khoản; hoạt động huy động vàng từ tổ chức, cá nhân và kinh doanh vàng trên tài khoản với các tổ chức khác là không được phép.

Chuẩn bị cho tình huống đặc biệt

Nhiều năm trước, các NH thương mại từng huy động vàng của dân rồi bán ra và chẳng may giá vàng tăng mạnh dẫn đến thua lỗ nặng nề. Từ đó, các NH hết sức lao đao trong việc mua vàng để trả lại cho người gửi tiết kiệm bằng vàng, thậm chí một vài lãnh đạo NH rơi vào vòng lao lý vì kinh doanh vàng. Còn các doanh nghiệp (DN) huy động vàng để chuyển hóa thành vốn sản xuất - kinh doanh cũng gặp rủi ro, bởi khi giá vàng biến động, DN phải mua lại vàng dẫn đến tình trạng đổ xô mua vàng, ảnh hưởng không tốt đến tỉ giá VNĐ/USD.

Một lãnh đạo NH Nhà nước cho biết sau khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực vào tháng 5-2012, giao cho NH Nhà nước sản xuất, mua - bán vàng miếng; xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng… đến nay, thị trường vàng Việt Nam đã có nhiều diễn biến tích cực. Giá vàng biến động không đáng kể; vàng miếng không còn kênh đầu tư hấp dẫn, phương tiện thanh toán như trước đây mà chỉ được người dân xem như một tài sản tích trữ để phòng thân.

Việc độc quyền huy động vàng được NH Nhà nước lý giải là để phòng hờ cho các tình huống đặc biệt. Ảnh: Tấn Thạnh

Lịch sử Việt Nam cho thấy ngoài việc nhà nước phát động Tuần lễ vàng vào năm 1947 thì năm 1952, tại miền Nam cũng có phát hành công trái vàng. "Do đó, trong trường hợp cần thiết, Việt Nam có thể phát hành trái phiếu vàng như chính phủ Hàn Quốc đã từng làm để bổ sung nguồn lực quốc gia khi khủng hoảng tài chính xảy ra năm 2007. Vì thế, NH Nhà nước hướng đến độc quyền huy động vàng để phòng ngừa cho các tình huống đặc biệt có thể xảy ra. Còn kế hoạch, hình thức huy động vàng như thế nào sẽ có các bộ, ngành khác phối hợp thực hiện. Riêng việc NH Nhà nước độc quyền kinh doanh vàng tài khoản chỉ là một bước chuẩn bị từ xa cho các giao dịch hội nhập quốc tế" - vị lãnh đạo NH Nhà nước giải thích.

Tuy vậy, TS Bùi Quang Tín (Trường ĐH Ngân hàng TP HCM) cho rằng việc huy động vàng là vô cùng rủi ro. Bởi lẽ sau khi huy động, NH Nhà nước phải chuyển đổi thành tiền và nếu chẳng may giá vàng đi lên thì trách nhiệm của cơ quan này là vô cùng nặng nề.

Nên tách bạch tính độc quyền

Dưới góc độ kinh doanh, đại diện Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) cho rằng ngoài việc nắm quyền giữ xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu, sản xuất, mua - bán vàng miếng, nếu NH Nhà nước có được độc quyền huy động vàng, kinh doanh vàng tài khoản thì cơ quan này đã có đầy đủ công cụ để tiếp tục ổn định thị trường. Ví dụ, NH Nhà nước có thể huy động vàng rồi bán vàng vật chất, sau đó mua lại vàng tài khoản rồi chờ thời điểm thuận lợi để nhập khẩu bù lại số vàng đã bán. Khi đó, thị trường sẽ không có đối tượng nào dám "chơi" vàng như nhiều năm trước đây.

Theo PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo (Trường ĐH Kinh tế TP HCM), giai đoạn 2006-2009, Việt Nam bùng nổ sàn giao dịch vàng làm cho người dân nhận thức vàng như một đồng tiền mạnh, ảnh hưởng không tốt đến việc điều hành chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, sau khi Nghị định 24 ra đời, NH Nhà nước đã thành công trong việc loại vàng ra khỏi lưu thông tiền tệ, làm cho vàng trở về với bản chất là một loại hàng hóa đặc biệt.

"Có lẽ NH Nhà nước muốn độc quyền huy động và kinh doanh vàng tài khoản là để tiếp tục thành công khâu quản lý thị trường vàng, góp phần ổn định tỉ giá, tác động tích cực đến kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, NH Nhà nước cần thể hiện tính độc quyền trong xuất nhập khẩu, mua - bán, huy động vàng, kinh doanh vàng tài khoản một cách minh bạch để người dân nhìn thấy cơ quan này luôn đặt lợi ích cho nền kinh tế lên hàng đầu" - ông Bảo nhận định và khuyến cáo.

Thế nhưng, đại diện Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đề xuất NH Nhà nước cần tách bạch tính độc quyền xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu và việc cấp phép kinh doanh vàng miếng. Bởi hiện nay, nhiều điểm kinh doanh vàng miếng của các NH thương mại không thực hiện giao dịch làm trở ngại khi người dân mua - bán vàng theo đúng quy định. Vì thế, NH Nhà nước cần nới lỏng quy định DN đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng. Mặt khác, NH Nhà nước cũng cần bổ sung tiêu chí và quy định DN đủ điều kiện mua vàng nguyên liệu để sản xuất nữ trang.

Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết trong ngày 7-12 sẽ hoàn tất văn bản góp ý nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 24. Theo đó, hiệp hội này đồng thuận NH Nhà nước độc quyền huy động vàng nhưng việc huy động này phải thực hiện mục đích kêu gọi vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển đất nước. Còn việc DN huy động vàng (góp vốn bằng tài sản hợp pháp, trong đó có vàng) là quan hệ dân sự mà Luật DN cho phép. Do đó, NH Nhà nước nên bổ sung vào nghị định mới các quy định DN đủ điều kiện mời gọi người dân góp vốn bằng vàng.

Nới lỏng điều kiện sản xuất - kinh doanh nữ trang

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2012/NĐ-CP cũng quy định DN sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ phải đáp ứng điều kiện được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ (không cần cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ); bãi bỏ quy định NH Nhà nước hướng dẫn thủ tục, hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ để phù hợp với quy định trên; bãi bỏ điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật đối với DN sản xuất và DN kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ.

Tin mới

Siêu thị thắng lớn, chợ vắng hoe dịp lễ 30-4
3 giờ trước
Lượng khách mua sắm tại các siêu thị khu vực trung tâm TP HCM tăng cao trong dịp lễ 30-4, doanh thu nhiều hệ thống lớn kỳ vọng tăng hơn mức 20%-30% theo dự kiến
Không phải dầu thô hay khí đốt, châu Âu bất ngờ săn lùng một mặt hàng của Nga bất chấp lệnh trừng phạt, nhập khẩu tăng hơn 10 lần
4 giờ trước
Châu Âu đã nhập khẩu hơn 474.000 tấn mặt hàng này từ Nga trong tháng 1/2025 so với chỉ hơn 36 nghìn tấn vào một năm trước.
Thị trường ngày 2/5: Giá dầu tăng gần 2%, cà phê giảm hơn 4%, vàng thấp nhất trong hai tuần
4 giờ trước
Kết thúc phiên 1/5 giá dầu tăng gần 2% sau khi Tổng thống Mỹ đe dọa áp đặt lệnh trừng phạt thứ cấp đối với Iran, vàng giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai tuần, đồng tăng sau đợt bán tháo mạnh, cà phê giảm mạnh.
Nước nào tiêu thụ cá tra Việt Nam lớn nhất thế giới?
5 giờ trước
Xuất khẩu cá tra tăng vọt trong những tháng đầu năm. Trong đó, Mỹ và Trung Quốc là hai nước mua nhiều cá tra Việt Nam nhất, với sản phẩm chủ lực là phile cá đông lạnh.
Vừa gia nhập thị trường Trung Quốc chưa được bao lâu, đối thủ sầu riêng của Thái Lan, Việt Nam bất ngờ gặp khó, năng suất thấp nhất trong 1 thập kỷ
6 giờ trước
Tham vọng chiếm lĩnh thị trường sầu riêng Trung Quốc của quốc gia này đang đứng trước thách thức.

Tin cùng chuyên mục

Không riêng Việt Nam, Su-30 được rất nhiều quốc gia chọn mua vì lý do đặc biệt này
10 giờ trước
Nhiều quốc gia sau khi cân nhắc với các lựa chọn phương Tây như Rafale cuối cùng đều chốt tiêm kích Su-30 của Nga.
Việt Nam rộng đường trong ngành kinh tế chục tỷ USD, rất "được lòng" người Mỹ
1 ngày trước
Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành kinh tế này.
‘Cháy’ xe khách về một số tỉnh thành, bến ‘tung’ xe tăng cường
1 ngày trước
Trong 2 ngày bắt đầu nghỉ lễ 30/4-1/5, khách ra các bến xe ở Hà Nội đã tăng cao, trên một số tuyến đã “cháy vé”, bến xe đã phải điều xe tăng cường.
Ngoài hàng quán, bãi giữ xe, một dịch vụ bất ngờ “hốt bạc” trong ngày diễu binh, diễu hành
1 ngày trước
Dù phải trả một mức giá cao hơn cho dịch vụ xe ôm chở đến gần các điểm diễu binh, diễu hành nhưng người dân vẫn vui vẻ chi trả, thậm chí gửi thêm.