Theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, xuất khẩu gạo của nước này từ tháng 1 - 7 năm nay đạt mức 24.469 tấn, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức cao nhất trong giai đoạn này kể từ năm 2014, khi Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản bắt đầu thu thập dữ liệu.
Theo lý giải của cơ quan này, nguyên nhân cơ bản của vấn đề này được cho là xuất phát từ nhu cầu nhập khẩu mạnh mẽ của các nhà hàng Nhật Bản tại các quốc gia khác ở châu Á và châu Mỹ, trong đó Hong Kong (Trung Quốc) là điểm đến xuất khẩu lớn nhất, tiếp theo là Mỹ và Singapore.
Trong khi đó, trái ngược lại với xu hướng này, tình trạng thiếu gạo tiếp tục diễn ra tại các siêu thị trên cả nước, bất chấp giá gạo thậm chí tăng tới 30%, nhưng không có để mua.
Về vấn đề này, phát biểu tại một cuộc họp báo sau cuộc họp Nội các vào hôm 3/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản Sakamoto Tetsushi cho biết, để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng nhiều giải pháp phù hợp nhằm bình ổn thị trường.
Vào cuối tháng 9 này, việc phân phối gạo mới sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, với khoảng 40% lô hàng hàng năm được vận chuyển từ các khu vực sản xuất. Bên cạnh đó, việc thu hoạch ở một số khu vực cũng được tiến hành sớm hơn. Vì vậy, tình trạng thiếu hụt gạo sẽ dần được cải thiện rõ rệt thời gian tới.
Liên quan những thiệt hại do cơn bão số 10 gây ra đối với các loại cây trồng, đặc biệt là khả năng xảy ra thiệt hại quy mô lớn đối với năng suất thu hoạch lúa, ông Sakamoto Tetsushi cho biết, cơ quan này hiện đang tích cực điều tra và thu thập thông tin về những thiệt hại do cơn bão gây ra, nhưng về tổng thể không có thiệt hại quy mô lớn nào xảy ra.
“Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn chưa có bất kỳ báo cáo nào về thiệt hại quy mô lớn đối với cây lúa do cơn bão gây ra. Chúng tôi cũng không nhận thấy bất kỳ tình huống nào có thể tác động lớn đến sản lượng thu hoạch lúa trong năm nay của chúng tôi”, ông Sakamoto Tetsushi thông tin.