Dù còn hơn 2 tháng nữa mới đến Tết Trung thu (rằm tháng 8 âm lịch), nhưng thị trường bánh trung thu đã bắt đầu sôi động. Một số doanh nghiệp (DN) đã nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường, tranh thủ đón đầu nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Tập đoàn KIDO là một trong những đơn vị sớm khởi động mùa trung thu 2025 với loạt sản phẩm đến từ 2 thương hiệu chủ lực là KIDO's Bakery và Thọ Phát. Năm nay, KIDO đặt mục tiêu tăng gấp đôi sản lượng bánh so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời tập trung cải tiến cả hương vị lẫn mẫu mã bao bì.
Theo Tổng Giám đốc KIDO, ông Trần Lệ Nguyên, các sản phẩm bánh trung thu của KIDO sẽ được phân phối tại 1.000 điểm bán lẻ truyền thống của tập đoàn, cùng với hệ thống gần 300 cửa hàng miniBAO và các đối tác.
Đặc biệt, DN đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến thông qua các nền tảng như Shopee Mall, TikTok Shop, kết hợp livestream bán hàng cùng các KOLs/KOCs theo mô hình tiếp thị liên kết trên nền tảng E2E MCN, một mô hình thương mại đang phát triển mạnh.
Một bộ phận người dân TP HCM mua bánh trung thu sớm để thưởng thức.Ảnh: NGỌC ANH
Lý giải về việc bán bánh trung thu sớm, cũng như tăng sản lượng, ông Nguyên cho rằng tình hình kinh tế hiện nay mang đến nhiều thuận lợi cho DN trong nước. Cụ thể, GDP 6 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng ấn tượng 7,52%, cao nhất trong vòng 14 năm qua. Bên cạnh đó, khả năng Mỹ giảm thuế đối ứng với hàng hóa Việt Nam cũng góp phần thúc đẩy tiêu dùng và cải thiện sức mua của thị trường nội địa.
Đặc biệt, khi thị trường vẫn đang đối mặt với nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, người tiêu dùng ngày càng ưu tiên lựa chọn những sản phẩm có thương hiệu uy tín, nguồn gốc rõ ràng - yếu tố mang lại lợi thế lớn cho các nhà sản xuất chính thống.
Không chỉ KIDO, các tên tuổi lớn khác trong ngành bánh kẹo như Orion, Bibica… cũng đã giới thiệu bộ sưu tập bánh trung thu 2025. Năm nay, Orion cho ra mắt các bộ quà tặng với thiết kế linh hoạt, phù hợp nhiều đối tượng và ngân sách khác nhau. Giá bán khuyến nghị cho các hộp quà cao cấp dao động trong khoảng 350.000 - 500.000 đồng/hộp, hướng tới cả khách hàng DN lẫn khách lẻ có nhu cầu biếu tặng.
Ông Võ Thanh Lộc, Giám đốc thương mại hệ thống cửa hàng Farmers Market (TP HCM), chia sẻ Trung thu là mùa kinh doanh lớn thứ hai trong năm, chỉ sau Tết Nguyên đán nên các nhà bán lẻ đều chuẩn bị từ rất sớm.
Tại Farmers Market, bánh trung thu đã được bày bán từ 2 tuần trước, phục vụ cả khách lẻ lẫn DN. "Khách mua lẻ khá ổn định vì hiện còn ít nơi bày bán và cũng quá sớm để được tặng. Điểm đáng chú ý năm nay là số lượng bánh trung thu "nhà làm" giảm mạnh, khiến thị trường tập trung hơn vào các thương hiệu lớn" - ông Lộc nhận định.
Lý giải về việc bánh trung thu "nhà làm" thu hẹp thị phần, ngoài yếu tố kiểm soát an toàn thực phẩm, ông Lộc cho biết thêm hiện nay các DN mua hàng đều yêu cầu bên bán phải cung cấp đầy đủ hóa đơn, chứng từ.
Điều này khiến các cơ sở sản xuất nhỏ không thể đáp ứng, hoặc nếu cố gắng đáp ứng thì lợi nhuận giảm. "Đa số các cơ sở làm bánh tại nhà thường lấy công làm lời và không phải đóng thuế. Nhưng hiện nay, nếu tính đúng, tính đủ thì họ không còn lợi thế cạnh tranh" - ông Lộc phân tích.
Thực tế, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, thời điểm này, bánh trung thu "nhà làm" đã được rao bán đầy trên mạng nhưng năm nay gần như vắng bóng. Chị Nguyễn Thị Liên (ngụ phường Gò Vấp, TP HCM) cho biết những mùa trung thu trước, chị vẫn thường tự làm bánh để ăn, bán cho bạn bè, vừa để tạo không khí, vừa kiếm thêm thu nhập.
Tuy nhiên, năm nay chị quyết định dừng lại sau khi đọc được nhiều cảnh báo về nguy cơ ngộ độc. "Những năm trước, bản thân tôi không biết như vậy là vi phạm. Bây giờ bị "soi" kỹ quá nên dừng lại là hợp lý" - chị Liên chia sẻ.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM, cho biết những năm gần đây, các thương hiệu lớn đã chiếm lĩnh thị trường bánh trung thu nhờ dây chuyền sản xuất hiện đại, mẫu mã đa dạng và được cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ.
Tuy vậy, thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều lo ngại về bánh trung thu nhập lậu, không rõ nguồn gốc và các loại bánh "nhà làm". Theo bà Lan, với những sản phẩm "nhà làm" nhưng muốn kinh doanh, chủ cơ sở buộc phải thực hiện thủ tục tự công bố tại cơ quan chức năng địa phương, cam kết về nguồn gốc nguyên liệu, sức khỏe người lao động, quy trình vệ sinh và chất lượng thành phẩm.
Ngoài ra, việc tuân thủ nghĩa vụ thuế cũng là yêu cầu bắt buộc để bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng. "Sở An toàn thực phẩm và các đoàn kiểm tra liên ngành địa phương sẽ thực hiện hậu kiểm, thanh tra các cơ sở theo hồ sơ tự công bố, đồng thời phát hiện và xử lý những trường hợp sản xuất, kinh doanh không đúng quy định" - bà Lan nói.
Mức xử phạt đối với hành vi kinh doanh bánh trung thu mà không thực hiện thủ tục tự công bố có thể lên đến hàng chục triệu đồng, chưa kể các hậu quả nặng nề nếu sản phẩm gây ngộ độc. TP HCM từng xử phạt một cơ sở bánh trung thu "nhà làm" số tiền lên tới 23 triệu đồng vì không đăng ký kinh doanh, không công bố sản phẩm và không chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu.
"Nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn luôn rình rập. Chúng tôi dù nỗ lực cũng không thể kiểm soát 100% các sản phẩm bánh "nhà làm" nên sẽ ưu tiên kiểm tra các cơ sở quảng cáo rầm rộ. Rất cần sự chung tay của người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm, tránh mua những mặt hàng chưa đủ điều kiện lưu hành" - bà Lan nhấn mạnh.