Doanh nghiệp trong 'cơn khát' vốn - Bài 2: Ngân hàng cũng 'khan' tiền

13/11/2022 13:15
Không chỉ doanh nghiệp khát vốn mà bản thân các ngân hàng cũng đang khó khăn về thanh khoản khi phải liên tục tăng lãi suất huy động để thu hút vốn, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 10 gấp 2,4 lần so với tăng trưởng huy động, cùng với đó là nợ xấu, nợ tiềm ẩn tăng cao.

Ngày 2/11, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất 0,75%, đưa lãi suất cơ bản lên 3,75-4%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2008. Đây là lần tăng lãi suất thứ 6 liên tiếp của Fed và lần tăng thứ 4 liên tiếp mức 0,75%. Quyết định của Fed lập tức ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán và sức mạnh của đồng USD. Thị trường chứng khoán Việt Nam phản ứng tiêu cực, giá USD tự do tiếp tục neo cao.

Đón trước việc Fed tăng lãi suất, trong nước, ngày 25/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng lãi suất điều hành thêm 1% lần thứ 2 liên tiếp trong chưa đầy 1 tháng, đưa lãi suất tái cấp vốn lên 6%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại TCTD dưới 6 tháng lên 6%.

Động thái tăng lãi suất của nhà điều hành nhanh chóng được các ngân hàng thương mại (NHTM) hưởng ứng, đồng loạt đẩy lãi suất huy động dưới 6 tháng lên kịch trần và lãi suất 12 tháng trung bình từ 7,5-9%/năm - tương đương với mức lãi suất huy động trước đại dịch.

Lãi suất huy động tăng, kéo theo lãi suất cho vay tăng, thời kỳ lãi suất thấp đã kết thúc, các NHTM bị cuốn vào cuộc đua tăng lãi suất. Chia sẻ từ đại diện một ngân hàng cho biết, lãi suất cho vay hiện ở mức 14-15%/năm và chưa có dấu hiệu dừng lại. Chỉ trong 2-3 tháng gần đây, lãi suất cho vay của ngân hàng này đã được điều chỉnh lần thứ 5.

Lãi suất tăng nhanh, tỷ giá biến động mạnh và thiếu vốn đang là vấn đề lớn nhất mà doanh nghiệp phải đối mặt, hay nói như TS. Võ Trí Thành, thời kỳ tiền rẻ đã kết thúc. Thực tế, không chỉ doanh nghiệp đói vốn, bản thân hệ thống ngân hàng cũng đang phải đối mặt với vấn đề thanh khoản, đặc biệt sau các vụ việc như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát đã gây ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý nhà đầu tư, tác động tiêu cực lên các thị trường.

Ngân hàng cũng "đói" vốn

Giải thích về quyết định tăng lãi suất điều hành ngày 25/10, NHNN cho biết, việc điều chỉnh tăng lãi suất nhằm đón đầu định hướng tăng lãi suất của Fed, qua đó góp phần giải tỏa bớt áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Trong bối cảnh nhu cầu tín dụng gia tăng, tín dụng toàn hệ thống đến cuối tháng 10 tăng khoảng 11,35% trong khi huy động vốn chỉ đạt 4,78% so với cuối năm 2021, việc điều chỉnh tăng lãi suất tối đa tiền gửi bằng VND sẽ giúp lãi suất thực tiếp tục dương, người gửi tiền tiếp tục gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, qua đó giúp hệ thống ngân hàng tiếp tục huy động được nguồn vốn, cải thiện thanh khoản góp phần nâng cao an toàn hệ thống, hệ thống ngân hàng có đủ nguồn vốn để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế.

Trong vài phiên giao dịch trở lại đây, (từ khoảng 3-7/11) NHNN đã liêm tục bơm ròng vào hệ thống. Trong tuần từ 31/10-4/11, NHNN đã bơm ròng hơn 74.000 tỷ đồng vào hệ thống, phần lớn đến từ tín phiếu đáo hạn. Lãi suất bình quân VND trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng hạ nhiệt vào cuối tuần, tuy nhiên vẫn duy trì ở mức khá cao khoảng 7%/năm kỳ hạn qua đêm. Điều này cho thấy, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã có thời điểm khá căng thẳng, đặc biệt sau vụ việc của Vạn Thịnh Phát và SCB.

Về tổng thể, NHNN cho rằng thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn ổn định và biến động trong tháng 10 chủ yếu đến từ yếu tố tâm lý. Trên thực tế, trong cuộc họp với các NHTM gần đây, NHNN ghi nhận về điểm nghẽn thanh khoản của thị trường, và yêu cầu các NHTM nên tăng cường hỗ trợ lẫn nhau vì mục tiêu đảm bảo an toàn hệ thống và của từng ngân hàng. NHNN khẳng định các NHTM trong hệ thống đều đảm bảo các chỉ tiêu an toàn hoạt động theo quy định của NHNN, nhằm giải đáp những lo ngại của thị trường trong thời gian qua.

Từ góc nhìn độc lập, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thực tế, các ngân hàng đang "mắc kẹt" trong nợ xấu và trái phiếu doanh nghiệp.

Theo quy định của Nghị định 65 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153 về phát hành TPDN riêng lẻ, cho phép các tổ chức phát hành mua lại trái phiếu trước hạn khi có dấu hiệu vi phạm quy định khi phát hành trái phiếu. "Điều này có thể khiến các nhà phát hành sai quy định phải mua lại trái phiếu trước hạn nếu không sẽ bị xử lý", TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.

Theo thống kê, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý III/2022 giảm 50,5% so với quý trước, giảm 70,9% so với cùng kỳ, chỉ đạt 60.635 tỷ đồng. Trong đó, tài chính - ngân hàng là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với 82,5% tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ, tương đương 48.683 tỷ đồng (giảm 39,5% so với quý trước, giảm 37,9% so với cùng kỳ).

Đồng thời với phát hành trái phiếu doanh nghiệp giảm, số lượng trái phiếu được mua lại trước hạn tăng mạnh. Trong tháng 9/2022, tổng giá trị trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 28.833 tỷ đồng, tăng 199% so với cùng kỳ năm trước; Luỹ kế 9 tháng năm 2022, tổng giá trị trái phiếu được doanh nghiệp mua lại là 142.209 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ 2021. Tổng giá trị trái phiếu đến hạn từ nay đến 2024 vượt quá 745 nghìn tỷ đồng.

Đáng ra phải là một kênh huy động vốn trung, dài hạn hữu hiệu cho các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, thay thế cho kênh huy động ngắn hạn của ngân hàng và kênh tín dụng ngân hàng thì nay thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang gây áp lực lên hệ thống ngân hàng khi buộc phải tất toán trước hạn trái phiếu, không loại trừ nhiều khoản trái phiếu của các công ty bất động sản đến hạn nhưng chưa thể trả lại vốn cho ngân hàng. Ngân hàng gần như trong thế "trở đi mắc núi, trở về mắc sông", tức là vừa không thể phát hành trái phiếu để tăng huy động, lại phải vừa bỏ tiền ra để mua lại trái phiếu trước hạn, trong khi tăng trưởng huy động hiện chưa bằng 1/2 tăng trưởng tín dụng.

Cụ thể, theo số liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 10, tín dụng toàn hệ thống đến nay tăng khoảng 11,35% trong khi huy động vốn chỉ đạt 4,78% so với cuối năm 2021. Điều này mang lại lo ngại cho cơ quan quản lý về thanh khoản hệ thống. Theo số liệu các NHTM công bố, hiện nay tỷ lệ cấp dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) của các ngân hàng dưới 80% (mức quy định theo Thông tư 22 là 85%). Tuy nhiên không loại trừ tỷ lệ này thời gian qua tăng cao, khi có hiện tượng người dân rút bớt tiền gửi tại một số ngân hàng.

Ngoài ra, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, với tỷ lệ nợ xấu, nợ tiềm ẩn khoảng trên 5% theo báo cáo của NHNN hiện nay cũng đang khiến dòng tiền bị ứ đọng. Nợ xấu đang tiếp tục gia tăng và có thể sẽ thể hiện chính xác hơn trong quý IV khi các thông tư về giãn, hoãn nợ của NHNN hết hiệu lực và cũng là quý cuối năm.

Các ngân hàng có tỷ lệ LDR cao chắc chắn sẽ phải chủ động điều chỉnh hạ xuống, cũng tiếp tục gây khó cho dòng vốn trên thị trường, buộc các ngân hàng phải tái cơ cấu các khoản vay, tăng cường thu hồi nợ, mở rộng huy động vốn để cân bằng lại tỷ lệ LDR.

Với yêu cầu của cơ quan quản lý các NHTM tăng cường trích lập dự phòng, phòng thủ cho tương lai; tăng cường thanh tra giám sát báo cáo nợ xấu, trích lập dự phòng, báo cáo số liệu về lợi nhuận của mỗi ngân hàng sẽ khiến cho bức tranh lợi nhuận năm 2022 của các ngân hàng không sáng sủa như một vài năm trở lại đây. Cần chú ý rằng, trong quý III rất nhiều NHTM báo lãi lớn chủ yếu do giảm trích lập dự phòng rủi ro tín dụng và dù như vậy thì đa phần các ngân hàng đều chưa đạt đến 75% kế hoạch đề ra cho cả năm 2022. Đây sẽ là một bước cản với kế hoạch tăng vốn, mở rộng, phát hành trái phiếu trong năm tới.

(còn tiếp)

Tin mới

Shop Hà Nội bán hàng online trốn thuế đang bán những gì mà doanh thu hơn 800 tỷ?
9 giờ trước
Trang fanpage trông không có gì hoành tráng hơn những shop bán hàng khác, mọi thứ chỉ vỡ lẽ khi bị điều tra.
Những kẽ hở tạo ‘thiên đường lợi nhuận’ cho hàng giả, hàng nhái
9 giờ trước
Theo cơ quan chức năng, việc xử lý hàng giả hàng nhái bị thu giữ còn khó khăn hơn cả công tác bắt giữ. Các thủ tục pháp lý rườm rà, giám định tốn kém và kéo dài, trong khi chế tài lại quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Chính điều này tạo ra một “thiên đường lợi nhuận” cho hàng giả.
Xuất khẩu rau quả trở lại "đường đua"
9 giờ trước
Dù xuất khẩu rau quả ghi nhận tín hiệu khả quan song thực tế nhiều sản phẩm vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe của những thị trường khó tính
7 tranh cãi điển hình khi Santa Fe giảm dưới 900 triệu: Tự nhiên thấy đẹp nhưng chưa chắc lấy được khách của phân khúc dưới
9 giờ trước
Theo chuyên gia Đoàn Anh Dũng, vấn đề lớn nhất của Hyundai Santa Fe là thiết kế nhưng có thể khỏa lấp bằng giá rẻ.
Đề xuất tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đến hết năm 2026
10 giờ trước
Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giữ nguyên mức giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu như hiện hành, áp dụng cho đến hết năm 2026.

Tin cùng chuyên mục

Công an Hà Nội: Từ chối thanh toán bằng chuyển khoản, chỉ nhận tiền mặt là hành vi vi phạm pháp luật có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự
2 ngày trước
Thời gian qua, nhiều hàng quán từ chối hình thức thanh toán bằng chuyển khoản, chỉ nhận tiền mặt nhằm “né” thuế .
Hàng giả bùng nổ khiến Đông Nam Á bị Mỹ để mắt: Việt Nam bất ngờ được tán dương vì một hành động
3 ngày trước
Khi hàng giả bùng nổ ở Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá cao vì đã có những bước tiến rõ rệt.
Ứng dụng FWD phiên bản mới: Quản lý bảo hiểm dễ dàng như lướt mạng xã hội
3 ngày trước
Không chỉ nâng cấp ứng dụng di động với giao diện thân thiện và thao tác mượt mà như lướt mạng xã hội, Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam còn cải tiến bộ hợp đồng bảo hiểm để mang lại trải nghiệm minh bạch, rõ ràng và dễ tiếp cận hơn cho khách hàng.
Nguồn cung ô tô quá dư thừa
06/07/2025 11:20
Thị trường ô tô Việt Nam đang chứng kiến tình trạng dư thừa nguồn cung nghiêm trọng.