“Người vĩ đại” Thaco đang đưa “thuyền khổng lồ” HAGL vào bờ?

01/05/2019 08:47
Về HAGL, Bầu Đức từng phân trần khó khăn đã qua, tuy nhiên cũng không quá tự tin chia sẻ những chiến lược mạnh mẽ, điều ông nhắn nhủ với cổ đông là một hành trình làm nông nghiệp bài bản trong tương lai, dự kiến áp dụng công nghệ và sẽ đan xen các loại cây nhằm tránh phụ thuộc quá lớn vào một loại cây duy nhất.

CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HAG) vừa kết thúc kỳ Đại hội 2019 có lẽ "nhẹ nhàng" hơn những năm trước đó, Bầu Đức cũng gặp gỡ cổ đông với tâm thái thỏa mái hơn, trong bối cảnh khó khăn của Tập đoàn cơ bản đã qua. Tâm điểm quan tâm lúc này, liệu rằng Bầu Đức đang đang hợp tác hay bán mình cho Ô tô Trường Hải (THACO), và nếu hợp tác thì có bị "lu mờ" bởi THADI - công ty làm nông nghiệp mới thành lập của tỷ phú Trần Bá Dương?

Khẳng định mạnh mẽ với cổ đông, Chủ tịch HAGL bác bỏ thông tin bán đất cho THACO, và trong quan hệ bắt tay cùng làm nông nghiệp, đồng ý THACO hỗ trợ giúp HAGL cân đối được nguồn vốn, tuy nhiên mỗi bên đều có lợi thế riêng, và việc ai người nấy làm, không hề đụng chạm quyền lợi nhau.

Riêng về HAGL, Bầu Đức từng phân trần khó khăn đã qua, tuy nhiên cũng không quá tự tin chia sẻ những chiến lược mạnh mẽ, điều ông nhắn nhủ với cổ đông là một hành trình làm nông nghiệp bài bản trong tương lai, dự kiến áp dụng công nghệ và sẽ đan xen các loại cây nhằm tránh phụ thuộc quá lớn vào một loại cây duy nhất.

Chỉ tập trung làm nông nghiệp

Thực tế, BCTC kiểm toán 2018 cũng đã phản ánh nhiều điểm tích cực, mặc dù vẫn còn bị kiểm toán ngoại trừ cũng như được tạo lập dựa trên giả định hoạt động liên tục, dĩ nhiên vì Tập đoàn cần nhiều thời gian hơn để "trở lại" – theo lời hứa của Bầu Đức – sau khoảng 8 tháng được THACO rót vốn.

"HAGL như một con thuyền khổng lồ nên cần những người vĩ đại mới đưa được nó vào bờ", lời khẳng định của bầu Đức tại ĐHĐCĐ thường niên 2018. Tháng 8/2018, tức 2 tháng sau tuyên bố trên, THACO đã ký các thỏa thuận hợp tác chiến lược với tổng đầu tư vào Công ty Nông nghiệp HAGL với khoảng 22.000 tỷ đồng, xấp xỉ 1 tỷ USD.

Tính đến nay, THACO đã ứng vốn trên 10.500 tỷ đồng để giúp HAGL Agrico tái cơ cấu nợ và chuyển đổi một phần diện tích cây cao su, cọ dầu sang trồng cây ăn trái; quy hoạch nông trường và ứng dụng giải pháp cơ giới hóa đồng bộ.

Những động thái này đang dần mang lại kết quả tích cực cho HAGL cũng như HAGL Agrico với nhiều chuyển biến như giảm áp lực khoản phải thu cho đến dòng tiền có dấu hiệu khả quan trở lại, mảng trái cây cũng thu về lợi nhuận cao hơn. Đặc biệt, chính Bầu Đức có vẻ mạnh dạn hơn trong việc đầu tư vào trái cây, tất toán sạch những mảng không còn là cốt lõi.

Sau khi không còn nắm kiểm soát HAGL Land thì HAGL đang dần trở thành một công ty đơn ngành tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp. Không phủ nhận điều này, Bầu Đức cho biết sẽ thoái vốn tại dự án Myanmar (cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2) trong tương lai, hiện tại HAGL chỉ tập trung làm nông nghiệp!

Áp lực phải thu nhóm An Phú giảm ¼, còn chưa đến 8.000 tỷ đồng

Đi sâu vấn đề, đầu tiên liên quan đến các khoản phải thu, mà trọng yếu tại nhóm An Phú – đây cũng là yếu tố khiến BCTC HAGL bị kiểm toán ngoại trừ ý kiến nhiều năm liền. Ghi nhận trong năm 2018, HAGL đã thu hồi hơn 1.066 tỷ đồng cho vay từ An Phú và cấn trừ công nợ gần 197 tỷ đồng.

Theo đó, tổng khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn với Đầu tư Bất động sản An Phú tính đến cuối năm giảm về gần 7.796 tỷ đồng, tương đương giảm 1/4 so với con số tại ngày 31/12/2017 là 10.570 tỷ đồng.

Nhóm An Phú vốn được tách ra khỏi HAGL từ năm 2013 để tập trung xử lý một số "tài sản xấu" của tập đoàn. Động thái này nhằm giúp HAGL cắt giảm được một số khoản nợ lớn nhưng cũng đồng thời phát sinh những khoản phải thu có giá trị rất lớn. Tình hình thu hồi công nợ từ nhóm này là một trong những vấn đề được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.

“Người vĩ đại” Thaco đang đưa “thuyền khổng lồ” HAGL vào bờ? - Ảnh 1.

Tổng khoản phải thu với Đầu tư Bất động sản An Phú giảm từ 10.570 tỷ về gần 7.796 tỷ đồng.

Đáng chú ý, ngày lập BCTC hợp nhất, tất cả các khoản phải thu liên quan đến nhóm An Phú như nêu trên đã được bảo lãnh bởi tài sản riêng của Bầu Đức và tài sản của một số cá nhân, công ty liên quan khác.

Như vậy, tính đến hiện tại, về bản chất khoản phải thu liên quan đến nhóm này sẽ không ảnh hưởng làm suy giảm tính thanh khoản của dòng vốn HAGL!

Trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng phát đi những tín hiệu khả quan, khoản phải trả giảm hơn 3.837 tỷ đồng, hàng tồn kho và các chi phí trả trước cũng ghi nhận điều chỉnh tích cực.

Về dòng tiền đầu tư, tiền thu hồi từ cho vay của HAGL tăng lên hơn 3.903 tỷ , tiền chi cho các đơn vị khác vay cũng giảm phân nửa từ mức 7.209 tỷ về mức 3.041 tỷ đồng.

Doanh thu trái cây 2018 tăng trưởng 80%, vẫn chưa đúng kỳ vọng

Còn với kinh doanh, trái cây được Bầu Đức xác định là mảng cốt lõi bắt đầu từ năm 2017. Tuy nhiên lúc bấy giờ HAGL có gì? 13.000 ha cây ăn trái và doanh thu chưa cao vì trái cây cần thời gian 1-2 năm mới thu hoạch, tỷ suất lợi nhuận từ mảng này khi đó cũng chưa thực sự làm nhà đầu tư hài lòng.

Đến ĐHĐCĐ thường niên, Bầu Đức sau thời gian thử nghiệm từ ớt, chanh dây, thanh long, chuối… mới chính thức quyết định chọn chuối là sản phẩm sẽ tập trung phát triển lâu dài, kế hoạch tăng diện tích trồng lên hơn 10.000 ha.

Kết quả năm 2018, mảng trái cây mang về cho HAGL gần 2.900 tỷ đồng doanh thu tăng trưởng 80% tuy nhiên vẫn còn cách khá xa kế hoạch đặt ra là gần 4.000 tỷ đồng.

Về tỷ trọng đóng góp, năm 2018 mảng cây ăn trái chiếm hơn phân nửa nguồn thu, tăng đáng kể so với năm 2017 chỉ chiếm 33%. Đặc biệt, tỷ suất lợi nhuận của mảng này ghi nhận tăng từ 53% lên 55% (tương ứng 1.600 tỷ đồng).

“Người vĩ đại” Thaco đang đưa “thuyền khổng lồ” HAGL vào bờ? - Ảnh 2.

HAGL chính thức trồng trái cây vào năm 2016, đến năm 2017 mới chia sẻ với giới đầu tư – đây cũng là năm đầu tiên mảng này ghi nhận doanh số.

Việc THACO rót vốn vào cây ăn trái của HAGL từng được dư luận bàn tán với đa số ý kiến cho rằng Chủ tịch Trần Bá Dương chọn ngay thời điểm mọi thứ đâu vào đó và chỉ vào để thu hoạch.

Tuy nhiên, có vẻ còn nhiều việc phải làm như dự đoán, nghiên cứu giống, áp dụng cơ giới hoá, và mới đây là rót thêm hàng chục tỷ chuẩn hóa toàn bộ quy trình từ canh tác, thu hoạch, chế biến đến phân phối, trái cây HAGL được tăng cường tính hiệu quả cũng như giải quyết được bài toán đầu ra.

THACO còn xây dựng nhà máy chế biến trái cây có công suất thiết kế 500.000 tấn một năm, tổng mức đầu tư trên 2.400 tỷ đồng; đưa vào hoạt động giai đoạn một từ tháng 6/2020 với công suất 200.000 tấn một năm.

Nhà máy sẽ sản xuất các loại trái cây sấy, trái cây cấp đông nhanh và cung cấp các nguyên liệu đầu vào là bột trái cây, nước trái cây cô đặc... cho các doanh nghiệp sản xuất chế biến thực phẩm, công tác này kỳ vọng sẽ làm tăng mạnh giá trị giá trị gia tăng của sản phẩm trái cây thu hoạch được.

Theo đó, năm 2019 HAGL đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 300.000 tấn trái cây tươi, con số này đến năm 2021 sẽ chạm mốc 1 triệu tấn, tập trung tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, một số nước Trung Đông.

“Người vĩ đại” Thaco đang đưa “thuyền khổng lồ” HAGL vào bờ? - Ảnh 3.

Thaco rót thêm chục nghìn tỷ đồng cho các dự án nông nghiệp, bao tiêu trái cây cho HAGL Agrico.

Với việc hợp tác ngày càng sâu rộng trong mảng trái cây từ phía THACO, Bầu Đức có lẽ tự tin hơn với tính thành công của mảng này thời gian tới. Đơn cử quyết định giảm diện tích trồng cao su xuống 30.000 ha, thay vào đó là phát triển loại cây ăn quả. Hay chuyển đổi dần hàng ngàn ha cọ dầu sang cây ăn trái, đáng kể hơn mảng bò từng là nguồn thu chính của HAGL đến nay doanh nghiệp cũng đã mạnh tay tất toán.

Áp lực trả nợ vẫn còn cao

Với tất cả những luận điểm trên, mặc dù vẫn đối mặt với rủi ro liên quan đến tính hoạt động liên tục, theo ý kiến kiểm toán, nhưng áp lực trả của HAGL đã không còn nguy cấp dù đây vẫn là một vấn đề lớn cần tiếp tục xử lý.

Tính đến ngày 31/12/2018, tổng nợ phải trả của HAGL giảm xuống còn 31.600 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ vay dài hạn ngân hàng của HAGL giảm 3.700 tỷ về mức 6.100 tỷ đồng.

Tổng các khoản vay HAGL ghi nhận 21.800 tỷ, tương ứng giảm 1.838 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Mặc dù vậy, nợ ngắn hạn tăng lên trên 7.000 tỷ đồng do hạn phải trả của các khoản nợ dài hạn đang đến gần khiến áp lực nợ trên vai Bầu Đức gia tăng.

“Người vĩ đại” Thaco đang đưa “thuyền khổng lồ” HAGL vào bờ? - Ảnh 4.

Nợ ngắn hạn tăng lên trên 7.000 tỷ đồng do hạn phải trả của các khoản nợ dài hạn đang đến gần khiến áp lực nợ trên vai bầu Đức gia tăng.

Và để giải quyết việc trả nợ đến hạn trong năm 2019, HAGL đã tìm kiếm phương án huy động vốn nên đã trình bày tình hình thực tế cho đối tác nhằm tìm giải pháp xử lý nợ. THACO đã xem xét và đồng ý nhận chuyển nhượng 2 công ty con của HAGL trị giá hơn 6.000 tỷ đồng và đặt cọc 30%.

Được biết, 2 công ty con chuyển nhượng cho THACO đang sở hữu 20.000 ha đất, bao gồm 10.000 ha cao su, hơn 8.000 ha cọ dầu. Sau này cọ dầu sẽ từng bước chuyển đổi sang trồng cây ăn trái. Phía HAGL cũng thông tin, điều kiện tiên quyết để thực hiện thương vụ này được thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng: "Số tiền thu về từ việc chuyển nhượng 2 công ty chỉ sử dụng để trả các khoản nợ đến hạn. Theo đó các khoản nợ đến thời hạn nào thì dòng tiền thu về sẽ trả nợ đến đó, không dùng dòng tiền này vào bất kỳ mục đích nào khác".

Tin mới

Kinh doanh xe điện tụt dốc, Elon Musk đề xuất hướng đi mới cho Tesla: biến mỗi xe thành một máy chủ, chuyển cả triệu xe Tesla thành một nền tảng đám mây cho AI
8 giờ trước
Theo ông Elon Musk, ý tưởng này sẽ là một thỏa thuận win-win cho cả người dùng và Tesla.
Không phải điều hòa, 9 thiết bị quen thuộc này đang âm thầm "ngốn điện" kinh khủng, lý do hóa đơn tăng cao chóng mặt là đây!
7 giờ trước
Nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng điều hòa mới là thứ "ngốn" điện nhất trong nhà. Tuy nhiên, sau khi tham khảo mức tiêu thụ điện của các thiết bị gia dụng dưới đây thì có thể bạn sẽ thay đổi suy nghĩ đấy.
Hai 'khách sộp' tăng mạnh nhập nông sản Việt Nam
7 giờ trước
Việc Mỹ và Trung Quốc đều tăng mạnh nhu cầu nhập khẩu đã giúp các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tiếp tục tỏa sáng. Đáng chú ý, vị trí "khách hàng" nhập khẩu các sản phẩm của Việt Nam lớn nhất liên tục có sự thay đổi giữa 2 thị trường này.
Bộ Tài chính lý giải giá vé máy bay tăng cao
6 giờ trước
Liên quan đến việc giá vé máy bay tăng cao trong thời gian vừa qua, do phải gánh quá nhiều thuế phí, ngày 4/5, Bộ Tài chính cho biết, các khoản phí là "giá dịch vụ" chuyên ngành hàng không theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải; không phải là khoản phí thuộc ngân sách nhà nước theo quy định tại Luật Phí và lệ phí.
Một loạt mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều top đầu thế giới đang tăng giá mạnh, chuyện gì xảy ra?
6 giờ trước
3 loại nông sản quan trọng đều đồng loạt tăng giá mạnh trong thời gian gần đây.

Tin cùng chuyên mục

Nóng: Novaland đạt thỏa thuận gia hạn 2 lô trái phiếu đầu tiên
24/03/2023 12:39
Lần đầu tiên, Novaland đạt thỏa thuận với trái chủ trong việc gia hạn thời gian đáo hạn với 2 lô trái phiếu có tổng giá trị 1.750 tỷ đồng.
Startup xe đạp trợ lực Wiibike của nữ CEO xinh đẹp từng được Shark Phú "săn đón" hiện kinh doanh ra sao?
24/03/2023 10:47
Sau 1 năm lên sóng Shark Tank mùa 4, Startup Wiibike của nữ CEO xinh đẹp Thu Hằng đã tăng doanh thu hơn 6 lần. Công ty này cũng mở nhượng quyền mô hình cà phê xe đạp.
Cơn đau đầu của Starbucks: Khách hàng chỉ 'tự thưởng' ly cà phê giá 100.000 đồng 1 lần/tuần, chịu thua trước những chuỗi bán giá 17.000 đồng/ly
24/03/2023 09:39
Starbucks đang ở trong cuộc chiến giá khốc liệt khi cà phê của họ được liệt vào dạng "bán xa xỉ".
Con đường nào đưa Toshiba từ biểu tượng về thiết bị điện tử, năng lượng hạt nhân... đến bán mình, hủy niêm yết?
24/03/2023 09:02
Không chỉ tại Việt Nam mà ở nhiều nơi trên toàn thế giới, cái tên Toshiba là sự đảm bảo cho chất lượng của những sản phẩm điện máy. Với lịch sử gần 150 năm tuổi, Toshiba đã gây dựng được thương hiệu của mình ở khắp nơi.