Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt có nhiều tiềm năng phát triển

10/02/2024 06:44
Chia sẻ với báo chí nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa, tiềm năng phát triển dù năm qua chứng kiến những khó khăn lớn, thăng trầm.

Dân Việt xin trích đăng cuộc trò chuyện đầu xuân của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về hoạt động của ngành tài chính, những thay đổi đối với thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tình hình thu ngân sách năm 2024.

Thưa Bộ trưởng, năm 2023 đang dần khép lại, vượt qua những khó khăn, ngành Tài chính đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Dự báo kinh tế thế giới và trong nước năm 2024 sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Bộ trưởng đặt kỳ vọng gì về nền kinh tế năm tới và Bộ sẽ tiếp tục có tham mưu gì cho Chính phủ trong điều hành chính sách tài chính – NSNN?

Chính sách tài khoá: Khơi thông nhưng vẫn phải kiểm soát lạm phát

- Dự báo năm 2024 chúng ta triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trong đó dự báo khó khăn sẽ nhiều hơn thuận lợi. Trong khi đó nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Tài chính hết sức nặng nề: Dự toán thu NSNN là 1,7 triệu tỷ đồng; Dự toán chi NSNN là 2,1 triệu tỷ đồng; Bội chi NSNN là 399,4 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,6% GDP.

Vấn đề khó khăn đặt ra cho năm 2024 là phải sử dụng chính sách tài khóa hợp lý để vừa thúc đẩy kinh tế, vừa đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Vì vậy, mức độ nới lỏng cần được tính toán, cân nhắc thận trọng để đạt được đa mục tiêu nói trên, trong đó mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát vẫn được coi là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.

Cần sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ; tháo gỡ khó khăn, phát triển bền vững trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp , bảo hiểm. Tiếp tục hoàn thiện pháp lý, nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán, thẩm định giá và các dịch vụ tài chính khác để đáp ứng nhu cầu xã hội và phù hợp thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, thực hiện quyết liệt, thực chất, có hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước gắn với đổi mới quản trị theo các chuẩn mực tiên tiến; cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tích cực, chủ động hội nhập tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Đồng thời với đó, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập cùng với việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ.

Trước mắt trong thời gian ngắn tới đây, chúng tôi chú trọng điều hành các nhiệm vụ tài chính – NSNN trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sao cho đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh trước, trong và sau Tết diễn ra bình thường. Triển khai quyết liệt nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2024 ngay từ đầu năm để đảm bảo thực hiện các mục tiêu đã đề ra.

Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thời gian vừa qua quả là một chặng đường sóng gió. Nhìn lại những diễn biến bất ổn đó, chúng ta đúc kết được bài học gì, thưa Bộ trưởng?

Việc phát triển thị trường vốn trung, dài hạn như thị trường (trái phiếu doanh nghiệp ) TPDN là công việc hết sức khó khăn. Trên thực tế, khung khổ pháp lý đối với thị trường này đã bắt đầu từ năm 1994, tuy nhiên đến năm 2016, thị trường mới bước vào giai đoạn phát triển, và trong giai đoạn này đã có phát sinh một số vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường.

Mặc dù Bộ Tài chính đã theo sát tình hình phát triển của thị trường để báo cáo Quốc hội, Chính phủ có các điều chỉnh chính sách nhưng không thể phủ nhận những khó khăn, thách thức, rủi ro mà thị trường phải đối mặt.

Nguyên nhân chính là do một số doanh nghiệp lợi dụng cơ chế khuyến khích tự do kinh doanh, hoạt động, lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ, sử dụng vốn được quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020 cộng thêm sự thiếu thông tin của một số nhà đầu tư để tăng vốn ảo, sau đó phát hành TPDN với khối lượng lớn.

Đặc biệt là đối với doanh nghiệp kinh doanh BĐS là lĩnh vực có nhiều rủi ro, các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính lớn nhưng chưa có quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính trong lĩnh vực xây dựng và BĐS, bao gồm các chỉ tiêu về giới hạn huy động vốn khi cấp phép hoạt động kinh doanh BĐS, cấp phép các dự án đầu tư, kinh doanh BĐS đảm bảo doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính để triển khai dự án.

Thêm nữa, chất lượng nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân chưa cao, kiến thức tài chính, năng lực phân tích rủi ro của nhiều nhà đầu tư hạn chế; nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, không hiểu rõ rủi ro, quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, mặc dù đã được các cơ quan Nhà nước thông tin, tuyên truyền, cảnh báo rất nhiều lần.

Tính tuân thủ và đạo đức nghề nghiệp của một số doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ chưa cao. Nguyên nhân của những bất ổn trong thời gian vừa qua xuất phát từ một số tổ chức, trong đó có NHTM, đã phân phối trái phiếu cho một số lượng lớn các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ bao gồm cả những người dân gửi tiền tiết kiệm ngân hàng.

Cùng với đó, hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan quản lý Nhà nước còn gặp nhiều khó khăn do phạm vi, đối tượng liên quan đến TPDN ngày càng mở rộng, các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường ngày càng tinh vi, khó phát hiện và xử lý. Quy định pháp luật về người có liên quan, sở hữu chéo, tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật doanh nghiệp còn chưa đầy đủ. Cơ chế và nguồn lực giám sát liên thông giữa các lĩnh vực của thị trường tài chính còn hạn chế.

Bộ trưởng nhận định như thế nào về tiềm năng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam? Làm thế nào để phát thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới tránh lặp lại vết xe đổ, phát huy hết vai trò kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế?

- Thời gian qua, thị trường TPDN đã hình thành và đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế và thực sự được quan tâm phát triển trong 5 năm trở lại đây. Chúng ta đã chứng kiến thị trường TPDN rất sôi động.

Tính đến cuối tháng 10/2023, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp khoảng 1 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 10,5%GDP, bằng 8% tổng dư nợ tín dụng, cho thấy đây là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế. Cùng với sự phát triển của thị trường, chúng ta cơ bản đã xây dựng được khung khổ pháp lý khuyến khích thị trường TPDN phát triển.

Tuy nhiên, so với quy mô thị trường TPDN so với GDP của một số quốc gia trong khu vực hiện nay như Malaysia (45%) và Thái Lan (26%), thị trường TPDN tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa và tiềm năng để phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp để phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19 là tương đối lớn.

Hiện nay, quy mô thị trường TPDN chỉ chiếm khoảng 10% GDP trong khi quy mô thị trường tín dụng chiếm đến khoảng 130%GDP, phản ánh thực trạng thị trường vốn Việt Nam đang phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển thị trường TPDN đã có những vấn đề bất cập như tái cơ cấu chưa cân bằng giữa phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ. Một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu huy động vốn có nhiều rủi ro cao, cá biệt có một số trường hợp lợi dụng những quy định thông thoáng của Luật Doanh nghiệp khi thành lập hoạt động của doanh nghiệp vi phạm pháp luật về công bố thông tin và sử dụng trái mục đích.

Có nhiều dự cảm về triển vọng tích cực hơn cho nền kinh tế năm 2024, tuy nhiên khó khăn vẫn là câu chuyện cộng đồng doanh nghiệp nhắc đến, đặc biệt áp lực đáo hạn trái phiếu chắc chắn sẽ là nỗi lo lớn cho các doanh nghiệp trong năm tới. Bộ trưởng nhận định như thế nào và có điều gì gửi gắm cộng đồng doanh nghiệp?

- Thời gian qua, thị trường TPDN đã từng bước phát triển theo đúng định hướng, chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng, góp phần giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Cơ quan quản lý đã xây dựng khung khổ pháp lý khuyến khích thị trường TPDN phát triển bền vững, lành mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn cho sản xuất kinh doanh, giúp nhà đầu tư có thêm kênh đầu tư hiệu quả.

Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước có những diễn biến phức tạp, thị trường gặp khó khăn về thanh khoản và niềm tin của thị trường bị ảnh hưởng, Chính phủ và Lãnh đạo Chính phủ đã có các chỉ đạo quyết liệt để khôi phục niềm tin và giảm áp lực thanh khoản của thị trường TPDN.

Về khung khổ pháp lý, ngày 05/3/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế để góp phần giải quyết vấn đề khó khăn trước mắt về thanh khoản, để thị trường có thời gian điều chỉnh lại, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp cân đối nguồn tiền phục vụ sản xuất kinh doanh và thanh toán nghĩa vụ trái phiếu đến hạn, đồng thời đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu trái phiếu, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Từ ngày 19/7/2023, hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội chính thức hoạt động, góp phần thúc đẩy tính thanh khoản cho thị trường TPDN và tạo điều kiện cho thị trường sơ cấp TPDN riêng lẻ phát triển bền vững hơn.

Bên cạnh đó, Chính phủ, các Bộ, ngành cũng ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép ngân hàng thương mại giãn thời gian trả nợ lãi và gốc của các khách hàng đang gặp khó khăn, giảm lãi suất, duy trì thanh khoản trên thị trường tiền tệ để cung ứng vốn cho nền kinh tế… Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp để ổn định thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ và Lãnh đạo Chính phủ, kể từ Quý II/2023 đến nay, thị trường đã dần ổn định trở lại.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường còn khó khăn, để phát triển thị trường TPDN an toàn, lành mạnh, củng cố niềm tin của nhà đầu tư thì từng chủ thể tham gia trên thị trường cũng cần tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, doanh nghiệp phát hành cần phải có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu, chủ động minh bạch hóa tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp, kiểm toán báo cáo tài chính, công bố đầy đủ thông tin về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu, tình hình sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu.

Về phía nhà đầu tư, cần có hiểu biết đầy đủ về quy định của pháp luật, tiếp cận đầy đủ thông tin về doanh nghiệp phát hành và trái phiếu, đánh giá kỹ tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, đánh giá mức độ rủi ro tương xứng với lợi nhuận đầu tư trái phiếu, tự quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.

Các tổ chức cung cấp dịch vụ có trách nhiệm nâng cao chất lượng dịch vụ, tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật và thực hiện nghĩa vụ báo cáo, tư vấn và cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư mua trái phiếu, làm rõ sự khác biệt giữa TPDN và tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, tuyệt đối không được mời chào nhà đầu tư không đáp ứng đủ điều kiện trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua trái phiếu.

Cuối năm 2023, Bộ Tài chính đã tham mưu, đề xuất trình Chính phủ trình Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế GTGT trong năm 2024. Liệu tới đây Bộ sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất gì về các quyết sách thuế, phí và lệ phí để tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp?

- Với vai trò và trách nhiệm được giao, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp trong lĩnh vực tài chính với tổng quy mô hỗ trợ khoảng 700 nghìn tỷ đồng. Đó là các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; miễn, giảm thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, cùng nhiều khoản phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.

Trong thời gian tới, cùng với việc triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ đã được ban hành, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp áp dụng cho năm 2024.

Trước mắt, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT như đã áp dụng năm 2023 đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% vừa được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.

Đặc biệt là khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT để nhanh chóng đi vào cuộc sống, đến ngay với các đối tượng gặp khó khăn, cần hỗ trợ.

Dự kiến thực hiện giải pháp này số tiền thuế được giảm khoảng 25 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tiếp tục giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đã áp dụng của năm 2023. Dự kiến thực hiện Nghị quyết này sẽ giảm thu NSNN khoảng 42,5 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 63/2023/TT-BTC ngày 16/10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Thông tư quy định về phí, lệ phí của Bộ Tài chính nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Thông tư có hiệu lực từ 01/12/2023 và áp dụng đến hết năm 2025. Với mức giảm phí, lệ phí từ 10% đến 50%, dự kiến thực hiện chính sách này sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khoảng 100 tỷ đồng/năm.

Một trong những vấn đề được người dân rất quan tâm trong năm 2024 đó là vấn đề cải cách tiền lương. Xin Bộ trưởng cho biết về khả năng nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương từ 01/07/2024?

- Về vấn đề cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, theo lộ trình, lẽ ra chúng ta phải thực hiện từ năm 2021. Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh, kinh tế và các cân đối ngân sách khó khăn, phải dồn sức cho chi phòng, chống dịch Covid-19, nên trong 3 năm 2020-2022, chúng ta dừng điều chỉnh tiền lương.

Tuy nhiên, trong giai đoạn này, Bộ Tài chính vẫn khuyến nghị, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tích lũy tạo nguồn cho cải cách tiền lương từ các khoản tăng thu, tiết kiệm chi, thu của các đơn vị sự nghiệp ở cả Trung ương và địa phương.

Nhờ vậy, đã có trên 550 nghìn tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương. Với nguồn này, năm 2023, chúng ta đã điều chỉnh một bước nguồn tiền lương cơ sở của công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tăng thêm 21% so với trước đó. Đối với năm 2024, cùng với việc sử dụng nguồn dự toán chi trong cân đối NSNN và nguồn cải cách tiền lương tích lũy của cả NSTW và NSĐP trong nhiều năm theo quy định thì chúng ta đảm bảo đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban chấp hành trung ương khóa XII từ ngày 01/7/2024.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, với phương án này, nhu cầu kinh phí cải cách tiền lương năm 2024 tăng thêm so với dự toán năm 2023 khoảng 164 - 165 nghìn tỷ đồng; trong đó, khoảng 89-90 nghìn tỷ đồng để đảm bảo thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng cả năm 2024 và khoảng 74-75 nghìn tỷ đồng để thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW từ ngày 01/7/2024.

Trong tổ chức thực hiện, chúng tôi đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách tiền lương theo các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội để chuẩn bị nguồn lực cho các năm tiếp theo.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng về cuộc trò chuyện này!

Tin mới

Dòng người đi mua sắm xuyên trưa, trung tâm thương mại Hà Nội tấp nập không ngớt
9 giờ trước
Bỏ qua giờ nghỉ trưa quen thuộc, hàng nghìn người đổ về các trung tâm thương mại ở Hà Nội để mua sắm, ăn uống, vui chơi trong những ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
Xác minh người bán hàng rong 'chặt chém' khách Tây 500.000 đồng 3 quả dứa
8 giờ trước
Trong một video, nữ du khách bức xúc vì bị người bán hàng rong "chặt chém" 3 quả dứa 500.000 đồng, khi người dân can ngăn, người bán hàng mới chịu trả lại tiền.
Khách ‘chật vật’ tìm phòng, ‘né’ giá vé máy bay tăng cao dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5
7 giờ trước
Việc hoán đổi thời gian, chốt lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 5 ngày ngay sát kỳ nghỉ khiến nhiều người dân thay đổi kế hoạch đi chơi. Không chỉ khách hàng, nhiều công ty du lịch cũng phải chuyển đổi phương án để đáp ứng nhu cầu, cũng như ứng phó với khó khăn trong việc đặt phòng, đặt vé máy bay.
Xe Trung Quốc bán ở Trung Quốc thì rẻ nhưng bán ở nước ngoài thì đắt gấp 2-3 lần, báo Tây chỉ thẳng tên mẫu sắp bán ở Việt Nam
7 giờ trước
Mặc dù BYD có giá bán khá rẻ ở thị trường nước nhà nhưng khi xuất sang các nước quốc tế lại có giá khá cao, thậm chí có thể gấp 3 lần.
Xuất khẩu phục hồi nhưng ngành da giày vẫn còn nhiều nỗi lo
6 giờ trước
Quý I năm nay, xuất khẩu ngành da giày đạt 5,6 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy vậy, ngành đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, khó khăn lớn nhất là nút thắt về chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu.

Tin cùng chuyên mục

Vietcombank tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên lần thứ 17 năm 2024
4 giờ trước
Sáng ngày 27/04/2024, tại Hội trường Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Vietcombank, khu đô thị Ecopark, xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ - Đại hội) lần thứ 17, năm 2024.
Giá USD hôm nay 28/4: Diễn biến trái chiều, trong nước có tuần “hạ nhiệt”
10 giờ trước
Giá USD hôm nay 28/4: Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết từ ngày 22/4 đến ngày 26/4 giảm từ 24.272 xuống mức 24.246 VND/USD, giảm 26 đồng so với đầu tuần.
Chuyên gia nhận định nước ion kiềm tươi chính là chiến lược "đại dương xanh"
11 giờ trước
Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ - Trưởng khoa Tài Chính, Trường ĐH Ngân Hàng TP. Hồ Chí Minh, giữa thời buổi kinh tế khó khăn, dự đoán sản phẩm chăm sóc sức khỏe tiếp tục lên ngôi, trong đó máy lọc nước ion kiềm tươi sẽ sớm thay thế máy lọc nước RO vì nó giải quyết được nhu cầu của xã hội.
Thị trường ế, riêng Honda vẫn bán chênh chục triệu: Vì sao?
11 giờ trước
Dù tại các cửa hàng, đại lý khá ế ẩm, vắng khách mua nhưng một số mẫu xe "hot" như Honda Vision hay Honda SH vẫn bị đẩy giá chênh tới hơn 10 triệu đồng.