Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu ngô các loại của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2025 đạt trên 3 triệu tấn, trị giá gần 775,17 triệu USD, giảm 12,8% về lượng, giảm 11% kim ngạch so với 4 tháng đầu năm 2024. Giá trung bình 258,2 USD/tấn, tăng 2%.
Trong đó, riêng tháng 4/2025 đạt 872.052 tấn, tương đương 228,3 triệu USD, so với tháng 4/2024 cũng tăng 31,8% về lượng, tăng 36% về kim ngạch và tăng 3,1% về giá.
Argentina là thị trường lớn nhất cung cấp ngô cho Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2025, chiếm 40,2% trong tổng lượng và chiếm 40,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước. Theo đó, nước ta nhập 1,21 triệu tấn ngô , trị giá 312,73 triệu USD, giảm 7,1% về lượng, giảm 1,2% về kim ngạch so với 4 tháng đầu năm ngoái.
Thị trường lớn thứ 2 là Brazil, 4 tháng đầu năm 2025 đạt trên 1 triệu tấn, tương đương 250,17 triệu USD, giảm 32,5% về lượng, giảm 34,5% về kim ngạch so với 4 tháng đầu năm 2024.
Đáng chú ý, Lào là 1 trong 3 thị trường nhập khẩu ngô lớn nhất của Việt Nam thời gian qua. Ngô từ quốc gia láng giềng 4 tháng đầu năm 2025 đạt 42.051 tấn, tương đương 9,46 triệu USD. Giá nhập khẩu bình quân giảm tới 10,3%, đạt 225 USD/tấn. Thị trường này chiếm 1,4% trong tổng lượng và chiếm 1,2% tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước.
Việt Nam thuộc một trong số 30 quốc gia trồng ngô lớn nhất trên thế giới nhưng đồng thời cũng nằm trong top các quốc gia nhập khẩu ngô nhiều nhất thế giới đứng sau Trung Quốc, châu Âu, Mexico, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ai Cập.
Việc tăng nhập khẩu ngô của Việt Nam nhằm phục vụ nhu cầu cao của ngành chăn nuôi trong nước, đặc biệt là sản xuất thức ăn chăn nuôi , trong khi sản lượng ngô trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu.
Mới đây, Trung Quốc chuyển hướng khỏi nông sản Mỹ, đặc biệt là ngô đang mang lại lợi ích cho những người mua khác ở châu Á khi nguồn cung giá rẻ của Mỹ tràn vào thị trường. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), lượng ngô xuất khẩu của Mỹ sang Nhật Bản trong năm 2024-25 cao hơn 30% so với năm trước, đạt 8,9 triệu tấn tính đến 15/5. Doanh số bán sang Việt Nam và Indonesia cũng đều tăng vọt sau một thời gian không ghi nhận nhập khẩu .
Năm 2025 được dự báo sẽ chứng kiến sự xáo trộn mạnh trong cơ cấu nguồn cung nông sản Mỹ, khi giá cả và chính sách thương mại trở thành yếu tố quyết định việc phân bổ đất đai giữa hai cây trồng chủ lực là ngô và đậu tương. Ngô và đậu tương là những cây trồng được sản xuất cùng thời điểm trong năm tại Mỹ và thường cạnh tranh diện tích trồng của nhau trong mùa vụ.
Đối với một số nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi và gia súc, ngô từ Nam Mỹ được ưa chuộng hơn vì hạt cứng hơn và ít bụi hơn, nhưng nguồn cung từ Mỹ hiện có giá hấp dẫn hơn. Ngô Mỹ rất cạnh tranh ở Đông Nam Á, Caleb Wurth, giám đốc khu vực của Hội đồng Ngũ cốc Mỹ cho biết.