Quảng Nam muốn mở rộng sân bay, cảng biển

13/03/2018 08:40
Mở rộng sân bay Chu Lai và cảng Kỳ Hà, tỉnh Quảng Nam mong muốn xây dựng trung tâm logistics hàng không đầu tiên của cả nước.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể trong buổi làm việc mới đây tại tỉnh Quảng Nam đã đồng ý với đề xuất nâng cấp, mở rộng sân bay Chu Lai và cảng biển Kỳ Hà (cùng thuộc huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam.

Hướng tới cảng hàng không quốc tế

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, sân bay Chu Lai được Mỹ xây dựng từ trước năm 1975 và bỏ hoang sau chiến tranh. Năm 2004, Quảng Nam tái khai thác và hoạt động hàng không tại đây phát triển mạnh mẽ. Năm 2015, lượng khách qua sân bay Chu Lai chỉ 155.000 lượt thì năm 2017 lên đến 673.000 lượt. Sân bay Chu Lai đang được các hãng Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific khai thác các đường bay đi TP HCM và Hà Nội với tần suất 8 chuyến/ngày, cao điểm đạt 15 chuyến/ngày. "Hiện nay và trong thời gian ngắn sắp tới, dự báo nhu cầu đi lại của cán bộ, nhân dân, doanh nhân trên địa bàn 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi qua sân bay Chu Lai tăng rất nhanh, nhà ga hiện tại không thể đáp ứng" - ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhìn nhận.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết theo quy hoạch đến năm 2030, sân bay Chu Lai sẽ thành trung tâm vận chuyển, dịch vụ hàng không quy mô lớn nhất khu vực. Định hướng của địa phương sẽ phát triển Chu Lai thành sân bay quốc tế. Chính phủ cũng đã đồng ý quy hoạch tổng thể sân bay này trở thành trung tâm vận chuyển và dịch vụ hàng không của thế giới với tần suất 5 triệu khách/năm và 4,1 triệu tấn hàng hóa/năm vào năm 2030. Một điều rất thuận lợi là khu vực sân bay Chu Lai hiện còn hơn 2.000 ha đất sạch, bằng phẳng.

Quảng Nam muốn mở rộng sân bay, cảng biển - Ảnh 1.

Lượng khách qua sân bay Chu Lai tăng mạnh trong những năm qua

"Với diện tích 2.300 ha và có thể mở rộng thêm hơn 3.000 ha, sân bay Chu Lai hội tụ đầy đủ các điều kiện để trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp hàng không. Bởi theo nghiên cứu, trong bán kính 3.000 km, lấy sân bay Chu Lai làm tâm thì nó bao phủ hết tất cả các vùng năng động trong khu vực Đông Nam Á và Nam Á như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore... Người ta tính cự ly đó là cự ly rất đặc biệt để trung chuyển hàng hóa, sửa chữa, bảo dưỡng máy bay hạng nặng. Với diện tích đó có thể phát triển thêm ngành công nghiệp chế biến, chế xuất hàng không, còn gọi là logistics hàng không. Hiện Việt Nam mới chỉ có logistics hàng biển và chúng tôi muốn xây dựng sân bay Chu Lai ở một tầm vóc lớn hơn, trở thành trung tâm logistics phát triển ngành công nghiệp xuất khẩu bằng đường không" - ông Thanh kỳ vọng.

Nhìn nhận tiềm năng lớn của sân bay Chu Lai, Bộ trưởng GTVT thống nhất giao Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết. "Với hơn 2.000 ha, chúng ta phải làm gì ở đây để ngoài việc phát triển hàng không còn phát triển công nghiệp phụ trợ, các lĩnh vực liên quan, kể cả có thể hình thành khu kinh doanh phi thuế quan. Phải làm sao có thể phát triển được toàn bộ hơn 2.000 ha này để tạo động lực cho Quảng Nam. Cục Hàng không Việt Nam phải phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Quảng Nam để có kế hoạch tốt nhất, khai thác cảng hàng không Chu Lai hướng tới là cảng hàng không quốc tế, một cửa ngõ hàng không để đi các nước trên thế giới mà không phải ra Đà Nẵng hay TP HCM" - ông Thể yêu cầu.

Nhiều tiềm năng từ cảng Kỳ Hà

Cùng với sân bay Chu Lai, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng cảng biển Kỳ Hà ở địa phương có tiềm năng rất lớn nhưng hiện chưa được khai thác, quy hoạch đúng tầm. Trong quy hoạch đến năm 2020 định hướng 2030, cảng Kỳ Hà là cảng tổng hợp địa phương loại II, có 2 khu bến là Kỳ Hà và Chu Lai. Lượng hàng hóa thông qua cảng dự kiến vào năm 2020 khoảng 5-5,8 triệu tấn/năm, năm 2030 là 11,7-12,7 triệu tấn/năm. Ngoài 2 khu bến Kỳ Hà và Chu Lai, khu vực vịnh An Hòa (huyện Núi Thành) hiện hội đủ các điều kiện để phát triển thêm một số khu bến khác như khu vực kín gió, hiện trạng đã có tuyến luồng vào cảng; khu vực hậu cần cảng diện tích lớn, điều kiện kết nối giao thông thuận lợi... Quảng Nam mong muốn trong tương lai, cảng Kỳ Hà không chỉ phục vụ vận chuyển hàng hóa mà còn đưa đón các đoàn tàu khách quốc tế tham quan các địa điểm du lịch như Hội An, Cù Lao Chàm, Lý Sơn...

"Trong năm nay, tuyến đường ven biển Việt Nam đi qua toàn bộ khu hậu cần cảng Kỳ Hà sẽ được khởi công và hoàn thành trong năm 2019, từ đó giao thông dễ dàng kết nối với tỉnh Quảng Ngãi và TP Đà Nẵng. Ngoài ra, vịnh An Hòa có 2 cửa biển vào ra rất đẹp, có xã đảo Tam Hải như một đê chắn sóng, tạo thành khu vực rộng mênh mông với 500 ha mặt nước tĩnh, rất thuận lợi" - ông Đinh Văn Thu giới thiệu và đề xuất Bộ GTVT thống nhất chủ trương điều chỉnh quy hoạch cảng Kỳ Hà thành cảng loại I, thuộc nhóm cảng biển số 3 (nhóm 3 cảng Trung Trung Bộ), giao tỉnh Quảng Nam lập quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng Kỳ Hà để bổ sung vào quy hoạch phát triển cảng biển và đầu tư theo quy mô cảng loại I, lượng hàng hóa qua cảng đạt trên 50 triệu tấn/năm giai đoạn đến năm 2030.

Đồng ý với đề xuất này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giao UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì, phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam lập quy hoạch. "Khu vực này rất rộng, có thể phát triển thêm nhiều dịch vụ khác nhau. Nếu nghiên cứu đem lại hiệu quả thì sắp tới sẽ hình thành một cụm cảng để khai thác toàn bộ thế mạnh của vịnh Kỳ Hà" - ông Thể kỳ vọng.

Kêu gọi đầu tư

Theo ông Lê Trí Thanh, sân bay Chu Lai và cảng Kỳ Hà khi được nâng cấp, mở rộng sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho kinh tế của tỉnh Quảng Nam nói riêng và khu vực miền Trung phát triển. Đặc biệt, trong thời gian tới, khi dự án khai thác mỏ dầu khí Cá voi xanh của Exxon Mobil đưa vào hoạt động sẽ mở ra cho Quảng Nam nhiều cơ hội lớn để phát triển các hoạt động logistics. Trước các tiềm năng đã được nêu, tại hội nghị "Gặp gỡ Mỹ 2018" nhân sự kiện hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ đến Đà Nẵng vào ngày 7-3, ông Thanh đã kêu gọi các doanh nghiệp của nước này đầu tư xây dựng sân bay Chu Lai.


Tin mới

Siêu thị thắng lớn, chợ vắng hoe dịp lễ 30-4
7 giờ trước
Lượng khách mua sắm tại các siêu thị khu vực trung tâm TP HCM tăng cao trong dịp lễ 30-4, doanh thu nhiều hệ thống lớn kỳ vọng tăng hơn mức 20%-30% theo dự kiến
Không phải dầu thô hay khí đốt, châu Âu bất ngờ săn lùng một mặt hàng của Nga bất chấp lệnh trừng phạt, nhập khẩu tăng hơn 10 lần
7 giờ trước
Châu Âu đã nhập khẩu hơn 474.000 tấn mặt hàng này từ Nga trong tháng 1/2025 so với chỉ hơn 36 nghìn tấn vào một năm trước.
Thị trường ngày 2/5: Giá dầu tăng gần 2%, cà phê giảm hơn 4%, vàng thấp nhất trong hai tuần
7 giờ trước
Kết thúc phiên 1/5 giá dầu tăng gần 2% sau khi Tổng thống Mỹ đe dọa áp đặt lệnh trừng phạt thứ cấp đối với Iran, vàng giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai tuần, đồng tăng sau đợt bán tháo mạnh, cà phê giảm mạnh.
Nước nào tiêu thụ cá tra Việt Nam lớn nhất thế giới?
9 giờ trước
Xuất khẩu cá tra tăng vọt trong những tháng đầu năm. Trong đó, Mỹ và Trung Quốc là hai nước mua nhiều cá tra Việt Nam nhất, với sản phẩm chủ lực là phile cá đông lạnh.
Vừa gia nhập thị trường Trung Quốc chưa được bao lâu, đối thủ sầu riêng của Thái Lan, Việt Nam bất ngờ gặp khó, năng suất thấp nhất trong 1 thập kỷ
9 giờ trước
Tham vọng chiếm lĩnh thị trường sầu riêng Trung Quốc của quốc gia này đang đứng trước thách thức.

Tin cùng chuyên mục

Elon Musk cần một 'Tim Cook' cho Tesla
12 giờ trước
Nhiều người tin rằng Tesla đang bước vào giai đoạn cần ổn định, tinh chỉnh để tối ưu hiệu quả vận hành và cần một vị CEO theo kiểu Tim Cook.
Xem trước Hyundai Tucson 2026: Có điểm như Santa Fe, bỏ máy dầu, có bản PHEV chạy 100km không cần xăng
15 giờ trước
Thế hệ kế tiếp của Hyundai Tucson dự kiến sẽ là mẫu xe quan trọng nhất ra mắt trong năm sau của hãng.
Honda CR-V 2025 ra mắt: Thêm bản offroad 204hp, ngay từ bản base đã có màn 9inch và 1 option rất quen thuộc
1 ngày trước
Honda CR-V 2025 bổ sung một số trang bị cho bản tiêu chuẩn đồng thời mang tới cho người dùng cấu hình off-road TrailSport.
Trung Quốc lại lập kỳ tích: Cỗ máy "hóa thành con người", làm được điều không tưởng nhờ bảo bối DeepSeek
1 ngày trước
Không còn là thử nghiệm, những sản phẩm này đã làm được việc thay thế con người, dù rất phức tạp.